Miền Bắc
Ở miền Bắc, sử dụng cá chép làm đồ cúng lễ có lẽ là nét đặc trưng văn hóa khác biệt trong ngày ông Công ông Táo. Cá chép ở đây có thể là cá chép sống, cũng có thể là cá chép giấy, tùy theo từng gia đình mà có điểm khác biệt.
Người dân thường làm lễ cúng ông Táo từ khá sớm, không nhất thiết phải vào đúng ngày 23 tháng Chạp mà có thể bắt đầu từ ngày 20, muộn nhất là trưa ngày 23.
Trong mâm cỗ cúng Táo quân của người miền Bắc không thể thiếu bộ áo mũ các Táo và cá chép. Tùy theo từng địa phương, từng gia đình mà số lượng cá có sự sai khác. Có nhà chỉ dùng 1 con, trong khi có nhà lại cúng tới 3 con cá chép vàng, số lượng lẻ.
Mâm cúng ông Công ông Táo của người Bắc thường có cá chép sống. (Ảnh: TGPT)
Mâm cỗ cúng Táo quân ở miền Bắc cầu kì nhất trong 3 miền với các món ăn truyền thống như: Xôi, gà, giò chả, canh măng, nem… Đặc biệt, trong mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ở nhiều nơi vùng Bắc Bộ thường sẽ có thêm món ngọt xôi chè.
Việc dọn bàn thờ cũng được thực hiện ngay trong ngày 23 tháng Chạp hoặc vài ngày sau đó, miễn là trước lễ Giao thừa.
Miền Trung
Người miền Trung thường làm lễ tiễn Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp rất trọng thể. Việc đầu tiên là phải thay cát mới trong bát hương và lau dọn bàn thờ ông Táo sạch sẽ.
Tượng Táo quân là nét đặc trưng khác biệt của tục tiễn ông Công ông Táo về trời tại miền Trung.
Mâm cơm cúng của người miền Trung cũng có nét giống với mâm cơm cúng miền Bắc gồm: Cơm, canh, thịt luộc, gà luộc, chả ram (nem), xôi chè...
Sau khi cúng xong, tượng 3 Táo quân cũ bằng đất nung được tiễn khỏi bàn thờ bếp và đặt cạnh các am miếu ở đầu xóm hay ở dưới gốc cây cổ thụ ngã ba đường. Tiếp đó, họ sẽ rước tượng 3 Táo quân mới lên bàn thờ để bắt đầu một năm làm việc tiếp theo.
Người dân Huế còn có tục dựng cây nêu trước sân nhà hay sân đình trong sáng 23. Lễ cúng chiều 30 Tết, họ lại rước thần về và sáng mồng 1 Tết an vị ông Táo mới. Điều đặc biệt là người Huế khi cúng lễ gì trong nhà cũng khấn vái để mời Thần Bếp về chứng giám.
Miền Nam
Ngoài những món chủ đạo thể hiện sự giao thoa trong quan niệm cổ truyền như: Nem, giò, bánh chưng, hành muối, gà luộc... như của người miền Bắc, mâm cỗ của người miền Nam có thêm một đĩa lạc, kẹo vừng đen và một bộ “cò bay, ngựa chạy”.
Mâm cơm cúng ông Công ông Táo của người miền Nam không có cá chép thật. (Ảnh: Vietnammoi)
“Cò bay, ngựa chạy” là hình con cò và con ngựa cắt bằng giấy, không có khung tre cầu kỳ như miền Bắc. Tết Táo quân ở miền Nam không có tục tự bốc bát hương, không mua cá chép thả trong chậu rồi thả sông, không hóa vàng áo mũ thờ, vì không thờ áo mũ. Một số nơi còn nấu thêm chè xôi hoặc nếu không thì chỉ là mâm hoa quả đơn giản.