Bên cạnh việc mua vàng cầu may vào ngày vía thần Tài mùng 10 tháng Giêng, nhiều người còn sắm sửa lễ vật cúng Thần Tài để việc làm ăn buôn bán được thuận lợi.
Mâm cúng ngày vía Thần Tài không giống với mâm cúng gia tiên ngày Tết mà được chuẩn bị đơn giản hơn, không đòi hỏi các món ăn chế biến cầu kỳ, tốn nhiều thời gian. Tùy theo phong tục mỗi vùng miền và sự coi trọng của mỗi người mà mâm cúng được chuẩn bị khác nhau.
Mâm cúng ngày vía Thần Tài được chuẩn bị tươm tất. (Ảnh: Loan Trần)
Theo truyền thống, mâm cúng vía Thần Tài gồm có các lễ vật: Nến, hương, nước (3 chén), rượu (3 chén), gạo tẻ (1 đĩa), muối (1 đĩa), tiền vàng mã, hoa tươi, mâm ngũ quả, trầu cau, mâm cỗ mặn (tùy từng gia đình).
Đặc biệt, trong mâm cúng ngày vía Thần Tài thường có bộ tam sên.
Bộ tam sên (tam sinh, tam sanh) là một nét văn hoá đặc biệt của người dân Nam Bộ trong phong tục cúng Thần Tài; biểu trưng cho Thổ - Thuỷ - Thiên, được hiểu là 3 loài vật sinh sống ở 3 môi trường hoàn toàn khác nhau, mang ý nghĩa linh thiêng trong nghi lễ cúng bái.
Bộ tam sên gồm có :
Bộ tam sên không chỉ dùng trong ngày cúng vía Thần Tài mà còn được bày trong các lễ cúng khai trương, động thổ, cúng thổ thần, thuỷ thần...
Bộ tam sên trong mâm cúng ngày vía Thần Tài. (Ảnh: Hàn Hương Thủy)
Với truyền thống của người miền Nam, mâm cúng Thần Tài đầy đủ ngoài những lễ vật trên thì không thể thiếu món cá lóc nướng. Cá lóc là loài vật mạnh mẽ nhưng lại hiền, không gây hại cho con người, được coi là có thể mang đến may mắn, tài lộc. Ngoài ra, cá lóc còn là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe.
Còn ở miền Trung, đặc biệt là ở Huế, mâm cúng ngày vía Thần Tài thường có lưỡi heo hay mép bò.
Mâm cúng ngày vía Thần Tài của người miền Nam. (Ảnh: Eric Nguyễn)
Vài năm trở lại đây, trong mâm cúng ngày vía Thần Tài thường có thêm bánh bao tạo hình túi tài lộc, tiền vàng, thỏi vàng, hình quả đào... với nhiều màu sắc rực rỡ, bắt mắt.
Không chỉ vậy, mâm lễ cúng Thần Tài còn có chè trôi nước, xôi gấc đỏ hoặc xôi đậu xanh tạo hình chữ phúc, lộc, thọ. Nhiều chị em khéo tay còn bày xôi ngũ sắc cho thêm may mắn.
Ngoài ra, nhiều người còn mua vàng đặt lên bàn thờ lúc cúng để xin lộc Thần Tài, cúng xong có thể cất đi hoặc đeo trên người để được may mắn quanh năm.
Bàn thờ Thần Tài nên đặt nơi trang nghiêm hướng ra cửa chính, không đặt bàn thờ Thần Tài nhìn ra hướng Ngũ Quỷ - hướng Đông Bắc, Tây Nam.
Trước khi dâng lễ cúng, gia chủ cần phải lau bụi, sắp xếp lại để mặt trước bàn thờ gọn gàng, sạch sẽ. Những người cẩn thận sẽ lau tượng ông Thần Tài và ông Thổ địa bằng nước thơm, nước có ngâm hoa tươi hoặc rượu trắng để tẩy bụi.
Trên bàn thờ, các vật thờ cúng không được để lung tung. Việc sắp xếp bàn thờ Thần Tài cần phải tuân thủ nguyên tắc chứ không phải sắp xếp tùy tiện, xuề xòa quá mức.
Cụ thể, tượng Thần Tài để ở bên trái bàn thờ, bên phải là tượng ông Địa, chính giữa đặt bát nhang. Ba hũ gạo, muối và nước sẽ được đặt chính giữa hai ông cùng với mâm hoa quả ở bên trái, bình hoa ở bên phải.
Không nên cúng Thần Tài bằng hoa và trái cây giả. Bạn nên mua hoa tươi, có nụ, có hương thơm càng tốt. Quả cũng chọn loại tươi, ngon, người ta thường dùng táo, lê, chuối, cam, quýt để cúng.
Sửa soạn mâm lễ cúng Thần Tài tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi gia đình những cũng không nên quá xa xỉ, gây lãng phí.