Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mâm cơm ngày Tết của người Sài Gòn có những gì?

(VTC News) -

Với các gia đình Việt, mâm cơm ngày Tết thường cầu kỳ và chỉn chu hơn ngày thường, ở từng miền lại có những món đặc trưng Tết khác nhau.

Nếu ở Hà Nội, một mâm cỗ đầy đủ phải có bánh chưng, giò lụa, chân giò hầm măng, miến, gà luộc... thì mâm cỗ dịp Tết đúng điệu Sài thành không thể thiếu bánh tét, canh khổ qua nhồi thịt, gỏi cuốn, thịt kho hột vịt, tôm khô củ kiệu, trứng bắc thảo...

Những món ăn ngày Tết đặc trưng của người Sài Gòn.

Bánh tét

Nếu Tết người miền Bắc không thể thiếu bánh chưng thì bánh tét là món ăn đặc trưng nhất trong mâm cơm Tết của người Sài Gòn. Về cách làm, hai loại bánh này giống nhau, cũng được làm từ gạo nếp bọc nhân đỗ xanh, trong cùng là thịt lợn rồi gói lại bằng lá chuối (hoặc lá dong) và luộc chín.

Với người miền Nam, bánh tét mang ý nghĩa tượng trưng cho tình mẫu tử. Bánh được bọc nhiều lá như người mẹ bọc lấy người con, ăn bánh tét lại nghĩ về mẹ, nhớ ơn sinh thành và được mẹ bao bọc, chăm lo.

Không chỉ vậy, bánh “tét xanh nhân nhụy vàng” gợi cho ta màu xanh của đồng quê, của đời sống chăn nuôi, của an vui xóm làng… như giấc mơ ước “an cư lạc nghiệp” của người dân từ thuở rất xa xưa.

Tất cả những ý nghĩa đó đã đề cao sức lao động của con người, sự hòa hợp của trời đất, con người với thiên nhiên, hướng về nguồn gốc tổ tiên… Vì vậy, Tết ăn gì thì ăn, người Sài Gòn nhất định không thể bỏ qua món bánh tét.

Bánh tét - món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Sài Gòn. 

Gỏi cuốn

Gỏi cuốn là món ăn dân dã, phổ biến ở Sài Gòn. Đến thành phố này, có thể bắt gặp gỏi cuốn ở nhà hàng sang trọng, khách sạn 5 sao cho tới quán vỉa hè, gánh hàng rong hay trong từng con hẻm. Đây cũng là món ăn rất được ưa chuộng trong dịp Tết tại Sài Gòn.

Món ăn có nguyên liệu chính gồm: bánh tráng, rau sống, bún, thịt, tôm. Trong đó, bánh tráng là nguyên liệu rất quan trọng. Khi dùng cho món gỏi cuốn, người ta thường chọn bánh tráng có pha bột năng, điều này khiến cho gỏi sau khi cuốn xong sẽ rất đẹp với lớp vỏ mỏng, dai và trong suốt.

Thịt có thể là thịt thăn nạc, ba chỉ, chân giò, nhưng tôm phải là loại tôm sú mình dày, vỏ mỏng, ngọt thịt. 

Nước chấm là thành phần quan trọng tạo nên sức hấp dẫn và quyết định đến độ ngon của món gỏi cuốn. Có thể nói, nước chấm gỏi là “linh hồn” của món ăn này. Tuy nhiên, để chế ra nước chấm gỏi ngon không phải ai cũng làm được.

Tương hột, đậu trắng, gan heo xay nhuyễn, sau đó xào lên, nêm gia vị tỏi băm, sả băm, nước dừa với một tỉ lệ thích hợp, thêm chút bơ đậu phộng làm tăng độ sánh của nước chấm.

Nước chấm có vị chua, cay, mặn, ngọt hài hòa, sanh sánh và thơm nồng mùi bơ đậu phộng. Một hương vị tổng hợp làm dậy lên độ ngon của món gỏi cuốn bình dị.

 Những chiếc gỏi cuốn được gói đẹp mắt, hấp dẫn. (Ảnh: Mai Cát)

Canh khổ qua nhồi thịt

Nếu như người Bắc thường nấu canh măng, canh bóng bì ngày Tết thì canh khổ qua là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm của người Sài Gòn. Ngày Tết, canh khổ qua sẽ được nấu cầu kỳ hơn, bày biện đẹp mặt hơn thường ngày. 

Người Sài Gòn chọn trái khổ qua ăn trong dịp năm mới với hy vọng mọi khó khăn, vất vả, khổ cực sẽ qua đi, bước sang năm mới, mọi việc sẽ khác. 

Không chỉ là món ăn lấy may, canh khổ qua nhồi thịt còn rất mát và bổ. Vị đắng trong trái khổ qua chính là bài thuốc thanh nhiệt, giải độc, trị rôm sảy mụn nhọt rất hiệu quả. Nên dẫu là món ăn truyền thống, nhưng khổ qua hầm không bao giờ “lỗi thời” trong mâm cỗ Tết hiện đại.

Ăn canh khổ qua ngày Tết ý nghĩa mọi khổ cực, vất vả qua đi. 

Thịt kho hột vịt

Ngoài canh khổ qua, món thịt kho hột vịt (trứng vịt) là món ăn "bắt buộc" phải có trong mâm cơm ngày Tết của người Sài Gòn.

Cách làm cầu kỳ nhất cho món ăn này là phải chọn loại thịt ba rọi rút sườn. Thịt heo phải cắt thành miếng vuông lớn, to cỡ 3 lóng tay hoặc hơn một chút, ướp muối, đường, tỏi, để cho thấm chừng 3 - 4 giờ. Sau đó, đem thịt phơi nắng khoảng 30 phút. Khi miếng thịt đã thấm đều và được ánh nắng hong rao ráo, trong trong thì chuẩn bị nồi nước dừa bắc lên bếp, nước sôi, thả thịt vào và kho lửa riu riu.

Kho thịt bằng nước dừa, miếng thịt không cần bỏ nước màu bỗng biến thành màu hổ phách óng ả, thêm hột vịt đã luộc chín, kho tới khi nước cạn chỉ còn chừng một phần ba so với ban đầu, mới thấy chưa có món nào kết hợp vị mặn ngọt mà ngon đến thế.

Người Sài Gòn thường ăn thịt kho nước dừa có vị mặn và ngòn ngọt với dưa giá lá hẹ. Vị chua cân bằng với vị béo và vị ngọt, khiến cho hai món này rất ngon và không tạo cảm giác ngán. 

Món thịt kho hột vịt của người Sài Gòn. 

Tôm khô củ kiệu, trứng bắc thảo

Ngày Tết sẽ mất đi nhiều ý nghĩa nếu như không có sự kết hợp hài hòa của củ kiệu và tôm khô, nó cũng giống như sự két hợp của bánh chưng xanh, dưa hành và thịt mỡ.

Để chế biến món ăn này cũng khá đơn giản. Tôm khô sau khi rửa qua với nước cho sạch, vớt ra và để ráo. Sau đó, tiếp tục cho nước giấm đường đã dùng ngâm củ kiệu vào, cho tôm khô vào ngâm cùng cho tới khi thấy tôm mềm vừa thì vớt ra.

Bỏ vỏ trấu trên vỏ trứng bắc thảo, rửa sạch, cho vào nồi nước và luộc khoảng 10 - 15 phút để trứng được chắc, không bị vỡ khi bổ. Sau đó, vớt trứng ra, bóc bỏ vỏ và bổ múi cau, xếp củ kiệu, tôm khô, trứng bắc thảo ra một chiếc đĩa, trang trí cho đẹp mắt theo ý thích.

Vị ngọt của tôm kết hợp với vị chua dịu của củ kiệu cùng vị béo thơm đặc trưng của trứng bắc thảo sẽ giúp mâm cơm trong những ngày Tết của người Sài Gòn thêm ngon miệng và bắt mắt. 

MAI CÁT (tổng hợp)

Tin mới