Trên Twitter cá nhân, John Bumstead, chủ cửa hàng RDKL chuyên thu mua và sửa MacBook phàn nàn khi phải bán phế liệu hàng chục chiếc MacBook M1 qua sử dụng, có giá ban đầu tới 3.000 USD. Lý do đến từ tính năng Activation Lock khiến anh không thể đăng nhập và khôi phục cài đặt gốc cho thiết bị.
Theo Bumstead, những MacBook mới 2 năm tuổi, ngoại hình còn đẹp nhưng dính Activation Lock sẽ bị các cơ sở tái chế bóc tách và "nghiền nát thành bụi".
Hàng chục MacBook biến thành "cục gạch" do bật Activation Lock. (Ảnh: @RDKLInc/Twitter)
Tình trạng trên đã xảy ra từ năm 2018, khi các mẫu MacBook với CPU Intel được tích hợp T2. Đây là chip bảo mật (SEP) nhằm xử lý các dữ liệu nhạy cảm như mật khẩu, vân tay, bộ nhớ mã hóa và đảm bảo an toàn khi khởi động.
Theo Vice, T2 được tích hợp trực tiếp lên chip M-series từ năm 2020. Do đó, các mẫu MacBook M1 cũng gặp vấn đề tương tự, khiến Bumstead không thể làm gì nếu máy đã bật Activation Lock.
Các cơ sở thu mua MacBook cũ sẽ xóa dữ liệu trên thiết bị trước khi bán lại. Với những máy dính Activation Lock, dữ liệu vẫn bị xóa nhưng không thể đăng nhập tài khoản của người dùng mới. Do đó, Bumstead đành "rã xác" để bán linh kiện.
"Công ty của tôi đã tái chế/vứt bỏ hơn 2.500 thiết bị dính iCloud trong 2-3 năm qua. Chúng tôi chỉ là một cửa hàng. Hãy tưởng tượng Apple đã tạo ra bao nhiêu rác thải vì tính năng này", một tài khoản bình luận.
Theo Bumstead, Apple khiến việc kinh doanh MacBook cũ ngày càng khó khăn. Từ quy định hủy dữ liệu phức tạp khiến các thợ sửa phải bán máy không ổ cứng, Táo khuyết đã hàn SSD vào bo mạch của MacBook từ 2016.
Đến hiện tại, Activation Lock khiến MacBook cũ trở thành "cục gạch" dù tình trạng ngoại hình rất đẹp.
"Bạn thậm chí không thể dùng ổ cứng ngoài để khởi động MacBook 2018 trở về sau, do chế độ bảo mật trên thiết bị không cho phép khởi động bằng ổ cứng ngoài", Bumstead cho biết.
Thời gian gần đây, lượng MacBook bị bán phế liệu ngày càng nhiều. Lý do đến từ các doanh nghiệp thanh lý máy cũ để nâng cấp laptop sau chu kỳ 2-3 năm, tương đương các mẫu MacBook 2018 và 2019.
Theo Bumstead, các công ty thường thanh lý laptop số lượng lớn, không quan tâm đến tình trạng đăng nhập tài khoản, gây khó khăn cho các cơ sở thu mua và tân trang máy tính.
Để giải quyết tình trạng này, Bumstead nêu một số giải pháp.
"Khi gặp chiếc máy bị khóa nhưng có nguồn gốc rõ ràng, chúng tôi nên có quyền đăng nhập tài khoản Apple, bấm số serial và một số thông tin liên quan, sau đó gửi lên Apple để mở khóa... Nếu không có vấn đề và chủ sở hữu ban đầu không phản đối trong 30 ngày, thiết bị sẽ được mở khóa tự động", Bumstead chia sẻ.
Apple đã làm khó việc sửa chữa, bán thiết bị cũ trong thời gian dài. Từ năm 2021, chính sách được nới lỏng khi Táo khuyết mở chương trình tự sửa thiết bị tại nhà cho người dùng.
Tuy nhiên, tình trạng những chiếc MacBook còn đẹp, hoàn toàn sử dụng được nhưng biến thành "cục gạch" do Activation Lock cho thấy Táo khuyết còn nhiều vấn đề cần giải quyết.