Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mắc những bệnh này cần thận trọng vì có thể dẫn đến đột quỵ

Trước khi rơi vào tình trạng đột quỵ, người bệnh thường phải đối mặt với một hoặc nhiều loại bệnh mạn tính.

Ngày 12/12, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và điều trị một trường hợp bị đột quỵ. Bệnh nhân là ông N.T.L (46 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, TP.HCM) nhập viện trong tình trạng đột ngột méo mặt, nói đớt. Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, bệnh nhân có tiền sử bị cao huyết áp, phải liên tục sử dụng thuốc.

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã kích hoạt hệ thống báo động đỏ trong cấp cứu đột quỵ. Người bệnh nhanh chóng được can thiệp nội mạch, lấy huyết khối. Sau 20 phút khẩn trương, các bác sĩ giúp bệnh nhân vượt qua nguy kịch, sức khỏe bình phục tốt. Bệnh nhân đang được theo dõi và phục hồi chức năng, phòng ngừa nguy cơ đột quỵ tái phát.

TS.BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đại học Y Dược cho biết, 3 nguyên nhân chính dẫn tới đột quỵ cho người bệnh gồm huyết áp cao, bệnh lý tim mạch, đái tháo đường. Trong đó, huyết áp cao là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến tình trạng đột quỵ ở người bệnh.

Nam bệnh nhân đột quỵ may mắn được bác sĩ can thiệp giúp vượt qua nguy kịch

“Bệnh lý này làm tăng áp lực máu đến tim, thúc đẩy xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim - mạch vành, đặc biệt là tình trạng tổn thương các động mạch xuyên nhỏ. Theo đánh giá, khoảng 77% trường hợp đột quỵ lần đầu liên quan đến tình trạng tăng huyết áp. Bằng cách kiểm soát tốt yếu tố huyết áp, nguy cơ đột quỵ có thể giảm 35 - 40%” - BS Bá Thắng nói.

Các bệnh lý về tim cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Phân tích của BS Bá Thắng chỉ ra, rung nhĩ là bệnh lý tim mạch có nguy cơ gây đột quỵ cao nhất, chiếm khoảng 50% số ca bệnh. Ngoài ra còn hẹp van tim, suy tim, van cơ học, nhồi máu cơ tim. Người bệnh đột quỵ do các bệnh lý tim mạch nguy cơ tái phát đột quỵ cao. Bác sĩ khuyến cáo những người bị bệnh lý tim mạch cần tuân thủ điều trị và xây dựng kế hoạch dự phòng từ sớm để ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ.

Người bệnh đái tháo đường cũng nằm trong nhóm có nguy cơ đột quỵ tăng cao gấp 2 đến 6 lần so với người bình thường. Tuy nhiên, đái tháo đường là yếu tố có thể điều chỉnh được bằng việc kiểm soát tốt đường huyết, từ đó giảm tỷ lệ đột quỵ.

Lý giải những nguyên nhân dẫn tới “ma trận” của các bệnh lý gây ra đột quỵ, BS Nguyễn Đức Thành, Trưởng khoa Phục hồi Chức năng Bệnh viện Đại học Y Dược cho rằng, lối sống sinh hoạt kém lành mạnh, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn uống nhiều đường, dầu mỡ, cay nóng hay thói quen ít vận động, tình trạng căng thẳng kéo dài đều là các yếu tố dễ gây khởi phát đột quỵ.

BS Đức Thành cho rằng, các nguyên nhân trên cũng là lý do khiến người bệnh đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Nhiều người mới ở tuổi ngoài 30 đã bị đột quỵ. BS Thanh nói: “Đột quỵ thường để lại những di chứng nặng nề cho người bệnh. Để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ cũng như ngăn ngừa bệnh tái phát, ngoài việc tuân thủ điều trị bệnh lý nền, bệnh nhân cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ do lối sống”.

Với những trường hợp không may đã bị đột quỵ, bác sĩ khuyến cáo giải pháp phục hồi chức năng là phương án giúp người bệnh đột quỵ sớm hòa nhập cộng đồng. “Quá trình phục hồi chức năng ở người bệnh đột quỵ nên được tiến hành càng sớm càng tốt.

6 tháng đầu sau cơn đột quỵ được đánh giá là khoảng “thời gian vàng” của quá trình phục hồi. Tùy từng trường hợp, nhân viên y tế sẽ có phương pháp để phục hồi vận động hoặc phục hồi ngôn ngữ cho bệnh nhân” - BS Đức Thanh nói.

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới