Bài viết trên website Bệnh viện Vinmec cho biết, mít là một trong những loại trái cây giàu vitamin và chất chống oxy hóa. 150 gram mít cung cấp năng lượng: 143 calo, chất béo: 1 gram, chất đạm: 3 gam, carbs: 35 gram, chất xơ: 2 gam, vitamin B6: 29% giá trị hàng ngày, vitamin C: 23% giá trị hàng ngày.
Ngoài những chất nêu trên, mít chứa nhiều hợp chất mang lại lợi ích với sức khỏe như canxi, kali, magie, tác dụng phòng ngừa viêm loét dạ dày dẫn đến ung thư dạ dày, ổn định huyết áp, kháng viêm, thậm chí mít còn là thực phẩm giúp phục hồi thể lực cho người đau ốm.
Có thể thấy, với hàm lượng dinh dưỡng nêu trên, mít là nguồn cung cấp vitamin B6, vitamin C và các chất chống oxy hóa tuyệt vời, cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động, tăng cường miễn dịch, đồng thời ngăn ngừa một số chứng viêm nhiễm mãn tính. Vậy bệnh nhân tiểu đường có ăn được mít không?
tieu-duong-co-duoc-an-mit-khong1.jpeg
Bệnh nhân tiểu đường có ăn được mít không?
Báo VnExpress dẫn lại chia sẻ của chuyên gia trên tờ Healthline cho biết, mít chứa nhiều chất chống oxy hóa và chất xơ, được chứng minh giúp ích cho nhiều chức năng khác nhau của cơ thể. Người bệnh tiểu đường có thể đưa mít vào khẩu phần ăn như món tráng miệng hay nấu thành món ăn chính. Thịt quả có vị ngọt nhẹ còn được sử dụng như thực phẩm thay thế trong món ăn chay.
Mít có chỉ số đường huyết trung bình (GI) khoảng 50-60 trên thang điểm 100. GI giúp chỉ ra mức độ nhanh chóng của một loại thực phẩm khiến lượng đường trong máu tăng lên. Glucose (đường) là nguyên nhân làm tăng lượng đường trong máu nhanh nhất.
Mít chứa protein và chất xơ góp phần giảm lượng chỉ số đường huyết, làm chậm quá trình tiêu hóa và giữ cho lượng đường trong máu không tăng nhanh. Ở thang đo tải lượng đường huyết (GL), mít cũng có GL ở mức trung bình là 13-18. Ngoài ra, loại quả này giàu chất chống ôxy hóa flavonoid, hợp chất có liên quan đến giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính về lâu dài.
Trong một số nghiên cứu, chiết xuất từ mít được chứng minh là làm giảm lượng đường trong máu. Tuy nhiên, các nghiên cứu còn đang dừng lại trên động vật và sử dụng chất chiết xuất từ lá, thân cây mít.
Khi mắc bệnh tiểu đường, bạn vẫn có thể thưởng thức mít với lượng phù hợp theo khuyến nghị của bác sĩ. Bạn cần chọn khẩu phần ăn thích hợp như 1/2 chén mít (75 gram) cung cấp 18 gram carbs. Với mức GI trung bình, ăn mít sẽ không làm tăng nhanh lượng đường trong máu so với thực phẩm có GI cao hơn. Mít cũng chứa chất chống oxy hóa có thể giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu.
Nghiên cứu đăng trên Thư viện trực tuyến PubMed Central (Mỹ) cũng cho thấy, các loại đậu như đậu xanh, đậu lăng và đậu tây, thường có GI 20-30 và chứa nhiều chất xơ, protein hơn mít cũng được khuyến nghị thay thế cho thịt.