Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ma trận phụ phí của ứng dụng gọi xe công nghệ

Trung bình mỗi ứng dụng gọi xe công nghệ lại có trên dưới 8 loại phí, phụ phí khác nhau. Grab thu thêm phụ phí liên quan đến yếu tố thời tiết.

Ngày 6/7, Grab ra mắt chính sách phụ thu thời tiết nắng nóng gay gắt 3.000-5.000 đồng/cuốc xe. Sự mập mờ của tiêu chí xác định thời tiết và tỷ lệ phân chia lợi nhuận, ứng dụng này đang vấp phải hàng loạt ý kiến chỉ trích.

Trên thị trường gọi xe, các hãng có nhiều chính sách thu riêng phí với khách hàng.

Phụ phí thời tiết không mới

Grab, Gojek và be và 3 ứng dụng phổ biến nhất trên thị trường xe công nghệ tại Việt Nam. Số liệu công bố tháng 6/2021 của Q&Me cho thấy mức độ phủ sóng của 3 hãng ở mảng xe 2 bánh là 96%.

Do xuất hiện từ sớm, Grab vẫn duy trì vị trí dẫn đầu phân khúc đưa đón bằng xe 2 bánh với 60% thị phần, kế tiếp đó là Gojek (19%), be (18%). Dựa trên số liệu cập nhật lần cuối, tổng số đối tác tài xế của 3 hãng ước tính trên dưới 600.000 người (gồm tài xế xe 2 bánh và 4 bánh).

Không chỉ cung cấp dịch vụ đưa đón, di chuyển, các hãng xe công nghệ còn đáp ứng nhu cầu giao hàng, giao đồ ăn, đi chợ hộ của người dùng. Đây cũng là mảng kinh doanh chủ đạo của một số ứng dụng chuyên biệt khác như ShopeeFood, Baemin, Ahamove…

Giá cước dịch vụ thường bao gồm sẵn phí sử dụng ứng dụng. Ảnh: Thạch Thảo.

Bên cạnh giá cước, người dùng sử dụng dịch vụ xe công nghệ sẽ phải trả thêm phí cố định (phí dịch vụ, phí nền tảng) và phụ phí (phí gửi xe, phí chuyến xe đêm, phí hẹn giờ, phí lễ tết…). Nhìn chung, mỗi ứng dụng sẽ có khoảng trên dưới 8 loại phí, phụ phí.

Phụ phí thời tiết được Grab thu nhiều ở Việt Nam. Cuối năm ngoái, hãng này triển khai thu phụ phí mưa lớn, thời tiết xấu ở một số thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Theo đó, người dùng phải trả thêm 5.000 đồng cho tài xế (phụ phí được cộng trực tiếp vào giá cước) nếu sử dụng dịch vụ tại khu vực có mưa lớn. Tương tự phụ phí nắng nóng cũng được thu vào tháng 6 này tại Hà Nội và TP.HCM.

Một ứng dụng khác cũng áp dụng phụ phí thời tiết xấu là ShopeeFood. Tùy vào mức độ thời tiết, ShopeeFood sẽ có 3 mốc thu chính là 3.000 đồng, 5.000 đồng, 8.000 đồng. Thậm chí có thời điểm phụ phí này vọt lên 10.000 đồng/đơn hàng.

Không chỉ phụ phí thời tiết, các hãng còn có thể nâng giá cước dịch vụ thông qua cái gọi là "biểu giá linh động", phụ thuộc vào giờ cao điểm, số lượng tài xế, nhu cầu khách hàng... Điều này đồng nghĩa hãng có thể tùy ý thay đổi giá cước đã niêm yết.

Ví dụ, Baemin áp dụng phí vận chuyển linh hoạt dao động 1.000-12.000 đồng/đơn hàng. Hãng sẽ thu chiết khấu trên doanh thu đã khấu trừ thuế, tức tài xế thực nhận 741-8.889 đồng/đơn hàng.

Tương tự, giá cước của Grab có thể bị điều chỉnh khi nhu cầu tăng cao, dựa theo khu vực hoặc thời điểm trong ngày.

Vô vàn phụ phí khác

Bên cạnh mức phí nền tảng (1.000-2.000 đồng), người dùng còn phải trả một loạt phụ phí khác. Mỗi ứng dụng/dịch vụ lại có phụ phí hoặc mức giá riêng.

Ví dụ, Grab, be và Gojek đang áp dụng phụ phí ban đêm - 10.000 đồng/chuyến, thay đổi điểm đến - 5.000 đồng/chuyến, chuyến đi nhiều điểm đến - 5.000 đồng/chuyến, hẹn giờ - 5.000 đồng/chuyến đối với dịch vụ xe 2 bánh. Giá cước trên đã bao gồm 5% phí sử dụng ứng dụng và các loại thuế.

Mỗi hãng có cách thức phân chia lợi nhuận trên phụ phí khác nhau. Ảnh: Hoàng Hà.

Đối với dịch vụ giao đồ ăn, các ứng dụng sẽ thu phí dịch vụ 2.000-6.000 đồng tùy vào đó là nhà hàng đối tác hay không phải đối tác. Ngoài ra, hãng sẽ thu thêm phí gửi xe đối với các nhà hàng bắt buộc phải gửi xe hoặc trung tâm thương mại.

Nếu có nhu cầu giao tận nơi, Baemin áp dụng mức phí 15.000 đồng/chuyến, bao gồm 5.000 đồng phí gửi xe và 10.000 đồng phí dịch vụ. Phí gửi xe sẽ chỉ chịu thuế VAT trong khi khoản còn lại Baemin thu chiết khấu 20% sau khấu trừ VAT.

ShopeeFood cũng triển khai phí giao tận cửa 5.000 đồng/đơn, chưa tính phí gửi xe.

Đáng chú ý, hầu hết ứng dụng như Grab, Gojek, Baemin, ShopeeFood đều thu phí đơn hàng nhỏ, áp dụng cho những đơn giao đồ ăn có giá trị thấp hơn quy định tối thiểu, thường là dưới 50.000 đồng. Mức phí này dao động khoảng 3.000 đồng/đơn.

Trước sự phản ánh từ tài xế và người dùng đối với các chính sách thu phí, đặc biệt của Grab, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Grab phối hợp về việc cung cấp thông tin liên quan các mức phí và phụ phí công ty này thu thêm. Cơ quan này đề nghị Grab phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu bao gồm danh mục và làm rõ các loại hình, mức phí, phụ phí hiện nay được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị.

Đồng thời, Grab phải cung cấp thông tin chi tiết về việc áp dụng thu thêm các loại phí và phụ phí hiện nay (căn cứ tính phí, cơ sở và tiêu chí áp dụng, thời gian áp dụng, việc phân chia lợi nhuận của các loại phí, phụ phí giữa Grab và tài xế...).

Nguồn: Zing News

Tin mới