Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mã độc tống tiền là nỗi ám ảnh của doanh nghiệp Đông Nam Á

(VTC News) -

Có tới 2/3 doanh nghiệp tại Đông Nam Á từng là nạn nhân của mã độc tống tiền (ransomware) nhưng rất ít đơn vị có phương án ứng phó.

Kể từ cuộc tấn công khét tiếng Wannacry năm 2017, ransomware (mã độc tống tiền) trở thành một cụm từ phổ biến trên thế giới, với các cuộc tấn công lớn nhắm vào doanh nghiệp ngày càng thường xuyên. Theo nghiên cứu mới nhất của hãng bảo mật Kaspersky, các doanh nghiệp ở Đông Nam Á đang nằm trong tầm ngắm của những tội phạm mạng này với 67% doanh nghiệp xác nhận rằng họ là nạn nhân của ransomware.

Cụ thể, hãng đã khảo sát 900 nhà quản lý ở khắp Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi, Nga, châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương, với 100 người trong số đó đến từ Đông Nam Á. Cuộc nghiên cứu được thực hiện vào tháng 4/2022 thu thập câu trả lời từ những nhà quản lý không chuyên về CNTT (chẳng hạn như Giám đốc, Phó giám đốc và các cấp độ quản lý), chủ doanh nghiệp hoặc đối tác các công ty có quy mô 50 – 1.000 nhân viên.

Mã độc tống tiền nhắm vào hơn 2/3 doanh nghiệp tại Đông Nam Á.

Một nửa trong số doanh nghiệp xác nhận là nạn nhân của ransomware (34%) cho biết dữ liệu của họ bị tội phạm mạng mã hóa và đã trải qua các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền nhiều lần. Những người còn lại (33%) cho biết họ chỉ gặp sự cố như vậy một lần.

Đáng chú ý, hầu hết nạn nhân trả tiền chuộc (82,1%). Trên thực tế, 47,8% Giám đốc điều hành được khảo sát thú nhận rằng họ đã trả tiền chuộc càng sớm càng tốt để có thể truy cập ngay vào dữ liệu kinh doanh của mình, cao hơn so với mức trung bình toàn cầu là 38,1%. Gần một phần tư (23,9%) đã cố gắng lấy lại dữ liệu của họ thông qua sao lưu hoặc giải mã nhưng không thành công và phải trả tiền chuộc trong vòng hai ngày, trong khi 10,4% phải mất một tuần nỗ lực trước khi trả tiền chuộc.

Khi các nạn nhân của ransomware được hỏi về các bước họ sẽ thực hiện nếu một lần nữa đối mặt với sự cố tương tự, đa số (77%) lãnh đạo doanh nghiệp ở Đông Nam Á xác nhận rằng họ vẫn sẽ trả tiền chuộc. Điều đó cho thấy xu hướng đáng lo ngại vì các công ty đã phải trả tiền khi trở thành nạn nhân, khuyến khích tội phạm mạng tiếp tục tấn công.

Ông Yeo Siang Tiong, Tổng giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á cho biết: "Điều đáng lo ngại là chỉ có 17,9% nạn nhân không đáp ứng yêu cầu của tội phạm. Chúng tôi vẫn giữ vững quan điểm các doanh nghiệp không nên phản ứng vội vàng bằng việc trả tiền chuộc. Tuy nhiên, với hơn một nửa (67%) trong số những người được khảo sát thừa nhận rằng trong trường hợp bị tấn công, tổ chức của họ sẽ không thể tồn tại nếu không có dữ liệu kinh doanh. Chúng tôi hiểu sự cấp thiết và tuyệt vọng nhằm lấy lại dữ liệu của họ bằng mọi cách nhanh nhất có thể".

Nghiên cứu của Kaspersky cũng tiết lộ một mảnh ghép quan trọng: 94% doanh nghiệp ở Đông Nam Á sẽ tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài nếu bị tấn công bởi ransomware. Con số này cao hơn tỷ lệ toàn cầu đang là 89,9%. Gần một phần tư (20%) trong số đó sẽ liên hệ với cơ quan pháp luật, trong khi 29% sẽ liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ điều tra và ứng phó sự cố an ninh mạng. Phần trăm còn lại sẽ liên hệ với cả hai tổ chức này để biết cách ứng phó với cuộc tấn công.

Việc trả tiền chuộc chỉ càng kích thích tội phạm mạng thực hiện hành vi.

"Tỷ lệ 5% lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận họ có khả năng ứng phó sự cố, hoặc có đội ngũ CNTT, nhà cung cấp dịch vụ thường xuyên để phát hiện tấn công ransomware, cho thấy các doanh nghiệp ở Đông Nam Á cần được giúp đỡ. Chúng tôi ủng hộ sự hợp tác xuyên biên giới giữa các tổ chức công và tư để giúp các chính phủ và công ty chống lại các mối đe dọa. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp duy nhất. Doanh nghiệp nên xem xét việc hành động theo nhiều bước cụ thể để nâng cao kỹ năng hoặc xây dựng đội an ninh mạng với khả năng phát hiện và ứng phó sự cố dựa trên thông tin thám báo mối đe dọa", ông Yeo cho biết thêm.

Dự án toàn cầu "No More Ransom" do Kaspersky cùng với Cơ quan Tội phạm Công nghệ Cao Quốc gia thuộc Cảnh sát Quốc gia Hà Lan, Trung tâm chống Tội phạm mạng châu Âu của Europol – đã phát triển từ 4 lên 188 đối tác. Công ty đã đóng góp 136 công cụ giải mã 165 chủng loại ransomware. Kể từ khi ra mắt vào năm 2016, dự án đã giúp hơn 1,5 triệu người giải mã thiết bị của họ trên khắp thế giới. Gần 30.000 nạn nhân của ransomware từ tháng 7/2021 đến cuối tháng 6/2022 ở Đông Nam Á cũng có thể truy xuất dữ liệu của họ thông qua dự án này.

Tuy nhiên, chuyên gia bảo mật từ Kaspersky nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc ngăn chặn cuộc tấn công ransomware và khuyến khích tự thực hiện các biện pháp bảo vệ như luôn cập nhật bản sao dữ liệu để có thể thay thế trong trường hợp bị mất; cài đặt các bản update phần mềm mới nhất hiện có; cung cấp kiến thức bảo mật cho nhân viên; bật tính năng bảo vệ trước mã độc tống tiền cho các thiết bị đầu cuối...

"Nếu bạn trở thành nạn nhân, đừng bao giờ trả tiền chuộc. Việc đó sẽ không đảm bảo bạn lấy lại được dữ liệu của mình nhưng sẽ khuyến khích bọn tội phạm tiếp tục hoạt động. Thay vào đó, hãy báo cáo sự việc cho cơ quan pháp luật và nhờ sự trợ giúp từ các chuyên gia ứng phó sự cố", chuyên gia bảo mật khuyến nghị.

Khánh Linh

Tin mới