Năm 1953, Lý Tiểu Long được người bạn Trương Trác Khánh giới thiệu với Diệp Vấn. Từ đây, con đường học Vịnh Xuân Quyền của Lý Tiểu Long bắt đầu. Theo tờ Sohu và cuốn sách “Bruce Lee: A Life”, trong khoảng thời gian này, Lý Tiểu Long đã đánh thắng 1 cao thủ Thái Lý Phật.
Cuộc tỉ võ trên sân thượng
Theo tờ Sohu, mọi chuyện bắt đầu vào năm 1958, khi Lý Tiểu Long chưa đầy 18 tuổi. Thời điểm này, Lý Tiểu Long học Vịnh Xuân Quyền chăm chỉ dưới sự chỉ dạy của sư huynh Hoàng Thuần Lương đến nỗi trình độ đã vượt xa những sư huynh đệ đồng môn. Thậm chí, Lý Tiểu Long còn được chọn làm người thay mặt phái Vịnh Xuân tham gia những cuộc tỉ võ với những môn sinh của môn phái khác trên sân thượng trong 1 tòa nhà ở phố Union. Nguyên nhân bởi các võ sinh muốn tránh tai mắt của cảnh sát.
Ngoài ra thời điểm đó, ở Hong Kong có rất nhiều các môn phái khác bên cạnh Vịnh Xuân như Thái Lý Phật, Bạch Hạc Quyền, Đường Lang Quyền… Cuốn sách “Bruce Lee: A Life” tiết lộ rằng những môn phái này đều ghen tị với thành công của phái Vịnh Xuân.
Cũng cần phải nói rằng Diệp Vấn khuyến khích các học trò tham gia những trận đấu ngoài đường phố để “nghiên cứu thực địa”. Diệp Vấn thường nói với các học trò: “Đừng tin ta, vì ta có thể đánh lừa các con. Hãy ra ngoài và lâm trận để thử nghiệm khả năng của mình".
Lý Tiểu Long được Diệp Vấn khuyến khích tham gia các trận đấu bên ngoài để kiểm chứng năng lực
Và thế là vào ngày 2/5/1958, Lý Tiểu Long đại diện cho Vịnh Xuân tham gia cuộc chiến đấu tay đôi với cao thủ Chung sư phụ của phái Thái Lý Phật trên sân thượng.
Tờ Sohu mô tả: “Khi Lý Tiểu Long đến sân thượng, đã có 30 võ sĩ đã có mặt. Địa điểm đấu tay đôi giữa Lý Tiểu Long và sư phụ Chung có diện tích khoảng 5,5 mét vuông, giống như võ đài quyền anh chuyên nghiệp mà chúng ta thấy ngày nay.
Sư phụ Chung đề nghị Hoàng Thuần Lương của phái Vịnh Xuân làm trọng tài và Hoàng đã đồng ý. Luật thi đấu chỉ có 2 hiệp, mỗi hiệp 2 phút. Chỉ cần dừng lại đúng lúc, chủ yếu là để học hỏi, giao lưu là chính, hơn thua để sau. Nhưng quyền cước không có mắt, các trận đấu diễn ra thường không nhượng bộ và không có sự thương xót”.
“Lý Tiểu Long đứng ở giữa sân, vào thế tấn của Vịnh Xuân, tay trái đưa ra trước, tay phải buông lỏng ra sau. Sư phụ Chung bắt đầu vòng quanh Lý Tiểu Long, sau đó phát hiện ra sơ hở của Lý Tiểu Long thì liền hét lên và đấm vào quai hàm của Lý Tiểu Long. Lý Tiểu Long đau đớn lùi lại, khóe miệng chảy máu. Sư phụ Chung xoay nắm đấm và đấm tiếp, đấm vào mắt trái của Lý Tiểu Long.
Lý Tiểu Long vô cùng tức giận và phản công bằng một loạt đòn đánh đặc trưng của Vịnh Xuân, nhưng Lý Tiểu Long không đủ bình tĩnh nên không đánh trúng đối thủ. Thêm vào đó, Lý Tiểu Long để lộ sơ hở và bị sư phụ Chung đấm vào mũi và mặt. Lúc 2 bên đang chiến đấu dữ dội thì hiệp đầu tiên đã kết thúc. Hiển nhiên, Lý Tiểu Long đã thua ở hiệp đầu tiên”, tờ Sohu viết.
Lý Tiểu Long vùng lên ở hiệp 2
“Lý Tiểu Long rất bực bội, thậm chí còn muốn bỏ cuộc ở hiệp thứ hai. Anh ngây thơ nghĩ rằng trận đấu có thể được gọi là hòa vì sợ cha mình nhìn thấy vết thương trên mặt. Hoàng Thuần Lương động viên người sư đệ của mình: "Lý Tiểu Long, nếu cậu bỏ cuộc, tức là cậu thừa nhận thất bại. Làm sao có thể hòa được? Cậu nên tiếp tục chiến đấu. Anh thấy đối thủ của cậu đã hết hơi rồi. Nếu cậu tiếp tục chiến đấu, chắc chắn sẽ thắng!", tờ Sohu mô tả.
Lời của Hoàng Thuần Lương đã động viên Lý Tiểu Long, khiến chàng trai trẻ trở lại giữa sân đầu, tỏ ra bình tĩnh và điềm đạm hơn. Lý Tiểu Long ra đòn nhử Chung sư phụ, khiến đối thủ nhanh chóng né về phía sau. Lý Tiểu Long mỉm cười và không truy đuổi.
Lý Tiểu Long sau đó tiếp tục nhử đòn tới lần thứ 3, sư phụ Chung lùi lại nửa bước và mất thăng bằng, sau đó Lý Tiểu Long nhanh chóng lao vào tấn công. Lý Tiểu Long ra đòn mạnh tới mức và 1 chiếc răng của sư phụ Chung bật ra và rơi xuống sàn nhà.
Lý Tiểu Long đánh bại cao thủ Thái Lý Phật khi chưa đầy 18 tuổi
Chưa dừng lại ở đó, Lý Tiểu Long tiếp tục tấn công cho đến khi sư phụ Chung gục xuống và mọi người phải ra can ngăn. Một vài người trách trọng tài Hoàng Thuần Lương không dừng trận đấu sớm hơn, trong khi Lý Tiểu Long giơ tay ăn mừng chiến thắng.
“Từ trận đấu này, có thể thấy Lý Tiểu Long là một võ sĩ tài năng, có lòng dũng cảm và chiến thuật tuyệt vời. Và Lý Tiểu Long không bao giờ thừa nhận thất bại. Mặc dù kỹ thuật Vịnh Xuân Quyền của Lý Tiểu Long chưa hoàn hảo nhưng nó đã đặt nền tảng cho những nghiên cứu về võ thuật trong tương lai của ông”, tờ Sohu kết luận.
Tuy nhiên vì trận đấu này mà Lý Tiểu Long đã bị cha của mình trách mắng nghiêm khắc vì cho rằng con trai đã tham gia vào những trận đấu vô bổ, làm xấu mặt gia đình.
Cuốn sách “Bruce Lee: A Life” tiết lộ Diệp Vấn thì có thái độ trái ngược, rất hài lòng với chiến thắng của Lý Tiểu Long và cũng khen ngợi Hoàng Thuần Lương vì đã động viên người sư đệ kịp thời.
Diệp Vấn nói với đệ tử Hoàng Thuần Lương: “Nếu ngày nào Lý Tiểu Long đạt được điều gì đó với môn võ này thì đó là nhờ con đã không để em nó bỏ cuộc sau hiệp 1”.
Lý Tiểu Long kết thúc việc học Vịnh Xuân Quyền vào năm 1959, khi cha mẹ gửi ông sang Mỹ. Tại đây, Lý Tiểu Long đã mở học viện Jun Fan Gung Fu (nghĩa đen là Kung Fu của Lý Tiểu Long), mở đầu cho sự nghiệp võ thuật của ông ở xứ cờ hoa.
Thái Lý Phật là môn võ thuật truyền thống của Trung Quốc, nổi tiếng với sự kết hợp giữa các kỹ thuật quyền cước và các động tác linh hoạt. Môn võ này được sáng lập bởi Trần Hưởng vào thế kỷ 19, kết hợp các yếu tố từ nhiều môn võ khác nhau như Phật Gia Quyền, Lý Gia Quyền, Thái Gia Quyền... Theo Baidu, Trẩn Hưởng đã gọi tên môn võ do mình sáng lập dựa vào tên của 3 vị sư phụ Thái Phúc, Lý Hữu Tam và Trần Viễn Hộ, người có võ công xuất phát từ Phật môn.