Chuyên gia động vật, giáo sư Võ Quý cho biết, hàng trăm con chim bay rợp trời ở xã Bản Qua là loài cò nhạn, còn được gọi là cò ốc, vì hay ăn ốc, thuộc họ Hạc, tên khoa học là Anastomus oscitans. "Nhiều khả năng đàn chim di cư xuống phía nam trong mùa hè để kiếm thức ăn", giáo sư Quý nói.
Loài này nằm trong Sách đỏ Việt Nam ở mức nguy cấp, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao. Hiện giới khoa học và người dân không còn gặp nhạn làm tổ ở sân chim Đầm Dơi (Kiên Giang) như trước. Nguyên nhân là các sân chim bị con người tác động mạnh bằng các hoạt động kinh tế như xẻ kênh mương để nuôi tôm, nạn lấy trứng và bắt chim non diễn ra thường xuyên.
Cò nhạn thường sống ở các nước Nam Á và Đông Nam Á. Ở Việt Nam chúng chỉ xuất hiện ở một vài nơi thuộc miền Tây Nam Bộ và Tây Ninh. Cò nhạn chủ yếu có màu trắng với đôi cánh màu đen bóng và đuôi ánh lục hay tía. Bộ lông chim trưởng thành thường thay đổi theo mùa.
Theo giới chuyên gia động vật, cò nhạn hiền lành nên dễ bị người dân địa phương săn bắn. Loài này có đặc điểm sống định cư, nhưng do vùng sinh sống và nơi tìm kiếm thức ăn thu hẹp nên phải di cư tới vùng khác.
Thức ăn chủ yếu của loài là ốc, động vật thuỷ sinh như ếch nhái, cua, côn trùng lớn. Trước đây cò nhạn làm tổ ở một vài sân chim như Bạc Liêu, Đầm Dơi, Cái Nước.
Những ngày gần đây, người dân ở xã Bản Qua liên tiếp thấy hàng trăm con chim bay xuống kiếm mồi ở những thửa ruộng. Chúng không ăn lúa của dân nên không gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.