Video: Nhà sử học Dương Trung Quốc nói về vận nước trong lịch sử Việt Nam
Những ngày tháng Tám, nhóm phóng viên Báo Điện tử VTC News gặp lại ông Dương Trung Quốc - nhà sử học nổi tiểng để cùng bàn câu chuyện xoay quanh chủ đề Vận nước và Quốc khánh 2/9/1945.
Vận nước bao giờ cũng là mối quan tâm hàng đầu của các bậc minh quân, lãnh tụ. Thời Phật giáo đương thịnh, vua Lê Đại Hành (10/8/941 - 18/4/1005) - vị Hoàng đế sáng lập nhà Tiền Lê đã hỏi Thiền sư Pháp Thuận (914 - 990) về Vận nước.
Thiền sư trả lời nhà vua bằng một bài thơ theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt có tên là Quốc tộ. Thiền sư nhắc nhà vua: Vận nước lúc nào đến, triều đại dài hay ngắn phụ thuộc vào lòng dân.
- Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của chúng ta đã trải qua biết bao thăng trầm. Chuyện Vận nước và bài thơ Vận nước (Quốc tộ) lần đầu tiên đi vào văn học viết từ thời Tiền Lê. Là nhà sử học, ông cảm và nghĩ thế nào về Vận nước trong lịch sử Việt Nam?
Sự phát triển nào cũng có thăng trầm, một quốc gia cũng vậy. Tôi nghĩ, điều cốt lõi của sự thăng trầm chính là con người có làm chủ được thời cuộc, làm chủ được xã hội hay không.
Và đương nhiên con người ở đây là cả cộng đồng, nhưng quan trọng nhất là những người dẫn đạo, những người lãnh đạo. Quốc gia nào cũng vậy, thời đại nào cũng vậy, rất cần những minh chủ, những người sáng suốt, những lãnh tụ của mình.
Nhìn vào lịch sử nước ta, có lẽ ngoài hơn 1.000 năm Bắc thuộc thì người ta nhấn mạnh rất nhiều đến tinh thần tự chủ của Việt Nam, đó là cả một quá trình của nhiều triều đại, nhiều nhân vật trước đó.
Nhưng tôi thấy đỉnh cao và gắn liền với tên tuổi của Đức vương Ngô Quyền (17/4/898 - 14/2/944) mà cụ Phan Bội Châu gọi là "Tổ trung hưng thứ nhất" bằng một chiến thắng quân sự trên sông Bạch Đằng (938), đánh tan quân Nam Hán để chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc, khẳng định nền tự chủ của Việt Nam.
Nền tự chủ được dựng trên nền tảng văn hóa, hay nói rộng lớn hơn là nền văn hiến quốc gia thì nó bền vững. Và chính nền văn hiến ấy trải qua các triều đại kế tục như: triều Đinh, Lý, Trần, Lê, kể cả triều Nguyễn thì mới tạo nên quốc gia ngày càng bền vững, không chỉ trên lãnh thổ mà quan trọng nhất là sự đoàn kết của cả cộng đồng, thêm nữa là cộng đồng ấy lại có người hướng đạo đúng.
- Vây, ông có bình luận gì về Vận nước của thời điểm Quốc khánh 2/9/1945?
Câu chuyện chúng ta đang bàn là đánh giá thời điểm cách đây 79 năm, ngày 2/9/1945 với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là mốc thể hiện Vận nước đã sang trang, đã bước vào một thời kỳ mới.
Đương nhiên thành tựu mới, đỉnh cao mới nhưng cũng thách thức rất mới. Tôi nghĩ rằng mốc năm 1945 cũng tương ứng với vận mệnh, vận hội của cả thế giới.
Nhận định như thế bởi sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai (1939 - 1945) với kết quả đập tan chủ nghĩa phát xít, thế giới bắt đầu gắn kết với nhau trên nền tảng luật pháp, gọi là xã hội hiện đại.
Ý nghĩa tôi cho rằng to lớn hơn, tất nhiên là hệ quả của cuộc đấu tranh lâu dài để không những chấm dứt ách đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp mà chúng ta kết thúc cả thời kỳ phong kiến trải dài hàng nghìn năm.
Nhưng quan trọng nhất là sự lựa chọn con đường phát triển đất nước như thế nào, đặt đất nước vào quỹ đạo nào.
Chúng tôi làm sử thì có những câu hỏi hơi nghề nghiệp là: "Tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người cộng sản, là nhà lãnh đạo Quốc tế cộng sản nhưng khi giành lại được chính quyền lại không áp đặt vào nước ta chế độ Xô Viết như đã từng có ở Quảng Châu (Trung Quốc) mà Người đã trải qua, hay như ở Liên Xô mà Người coi là cái nôi của cách mạng thế giới. Thay vào đó, Người chọn chế độ Dân chủ Cộng hòa với tiêu đề Độc lập - Tự do - Hạnh phúc?".
Rõ ràng việc Bác Hồ lựa chọn thể chế chính trị ấy đã đặt Việt Nam vào quỹ đạo của một thế giới hiện đại, nền chính trị hiện đại. Đương nhiên nền chính trị còn tiếp tục bị tác động bởi nhiều yếu tố nữa, của hệ tư tưởng cũng có và của cuộc cạnh tranh quốc tế cũng có, đặc biệt là vai trò của các nước lớn.
Sau khi giành được độc lập, chúng ta phải bảo vệ nền độc lập bằng 30 năm chiến đấu đầy xương máu, gian khổ. Hai cuộc chiến tranh chống hai đế quốc lớn để thực hiện được việc bảo vệ nền độc lập và thống nhất được lãnh thổ quốc gia. Rồi những cuộc chiến tranh tiếp sau đó bảo vệ biên cương đất nước ở phía Tây Nam và phía Bắc, rồi kể cả biển đảo. Phải nói đó là thử thách rất lớn.
Còn con đường mà chúng ta chọn là một thiết chế hiện đại của nhân loại với nền tảng là cộng hòa và dân chủ. Nhưng để con đường ấy phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam, đồng thời lại chịu tác động bởi những yếu tố quốc tế, trong đó có thời kỳ Chiến tranh lạnh của các phe, các hệ tư tưởng thì rõ ràng Việt Nam phải tìm một con đường riêng, một sự lựa chọn riêng cho phù hợp, vừa với những giá trị phổ quát, vừa với giá trị đặc thù của Việt Nam để có thể phát triển bền vững.
Trong toàn bộ thời kỳ lịch sử ấy, rõ ràng sự kiện 2/9/1945 - Việt Nam giành độc lập và trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất với một thể chính trị của thế giới hiện đại - là một mốc cực kỳ quan trọng mà chúng ta đang kế thừa và phát triển.
- Trong Bình Ngô đại cáo, anh hùng dân tộc - danh nhân Nguyễn Trãi có viết: "Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, nhưng hào kiệt đời nào cũng có". Vậy theo ông mối quan hệ giữa Vận nước và người tài ở thời điểm đó như thế nào? Phải chăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một hào kiệt gắn liền với Vận nước 2/9/1945?
Như tôi đã nói quốc gia nào cũng vậy, thời đại nào cũng vậy, rất cần những minh chủ, những người sáng suốt, những lãnh tụ.
Khi nhắc đến khái niệm minh chủ là gắn với thời kỳ phong kiến bởi vai trò của vua/hoàng đế cực kỳ quan trọng, họ quyết định tất cả. Đương nhiên họ có dựa vào dân, họ có dựa vào bộ máy quan lại của mình nhưng quyết định của họ có giá trị tuyệt đối.
Tuy nhiên khi sang chế độ hiện đại, khái niệm minh chủ không thể áp dụng được. Đó có thể là người lãnh tụ, người dẫn đường, người lãnh đạo giỏi nhưng còn phải thuyết phục được cả cộng đồng của mình bằng thể chế. Không ít trường hợp có những người rất sáng suốt mà không vượt được qua thể chế dẫn đến thất bại.
Ở Việt Nam ngay từ đầu chúng ta có nguyên tắc "tập trung dân chủ" gắn kết với "lấy dân làm gốc". Đó là giá trị rất truyền thống, "lấy dân làm gốc" là nền tảng của dân chủ và thể chế ấy đang tiếp tục phát triển, đang có cả sự tìm tòi điều chỉnh nữa. Dân chủ là giá trị phổ quát của thế giới nhưng mỗi quốc gia phải tìm cho mình một lối đi để đạt được mục tiêu ấy.
Ví dụ như Chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa dân chủ đơn giản lắm "Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra, đừng để dân sợ không dám mở miệng, nhưng còn nguy hại hơn là khi người dân không thiết mở miệng nữa". Dân mà không quan tâm đến vận mệnh quốc gia mới thật sự nguy hiểm.
Trong tiến trình phát triển chúng ta dân chủ hóa qua rất nhiều mô hình khác nhau, rất nhiều sáng kiến khác nhau, hoặc các tổ chức chính trị khác nhau. Rồi khái niệm Đảng lãnh đạo, lãnh đạo như thế nào, lãnh đạo tuyệt đối nhưng thế nào là tuyệt đối… Tất cả những cái đó chúng ta có thể tìm thấy trong lịch sử ở từng giai đoạn, từng sự kiện, rất nhiều các bài học hay.
Điều đó cho thấy chúng ta dần từng bước xây dựng một thể chế, một mô hình phù hợp với xu thế chung phát triển của thế giới, đồng thời lại phù hợp với những giá trị của dân tộc.
- Những nhà Nho học uyên bác xưa nay vẫn am hiểu Nho - Y - Lý - Số. Vì thế, dường như Người đã đoán định được thời điểm Vận nước có biến chuyển vào năm 1945. Trong diễn ca Lịch sử nước ta (Việt Minh Tuyên truyền Bộ, xuất bản tháng 2/1942), ở câu kết, Người khẳng định: "Việt Nam độc lập - 1945". Ông có suy nghĩ gì về điều này?
Tôi cho rằng chúng ta không nên thần thánh hóa bởi có thể sẽ làm nghèo nàn đi phẩm chất của những nhân vật kiệt xuất của lịch sử.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng là có nền tảng của nhà Nho. Và nhà Nho thì được trang bị một cách tương đối toàn diện mà người ta thường hay nhắc đến cái nghề rất cao quý của xã hội Nho - Y - Lý - Số. Bác Hồ là người có tri thức ấy nhưng không nên tuyệt đối hóa điều đó.
Tài lãnh đạo, kể cả sự đoán định mà ta gọi là tiên đoán, là sự tích hợp của rất nhiều yếu tố. Nói đến Bác Hồ chắc chắn có nền tảng Nho học nhưng đó không phải là tất cả, không phải là yếu tố quyết định.
Nếu ta nghiên cứu quá trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh hay gọi là thời kỳ tìm tòi, tích hợp tất cả những cái văn hóa, tri thức của nhân loại, trong đó có cả tri thức chính trị thì thấy rất rõ ràng hiếm có người nào đi nhiều như Bác, đi bằng mọi cách khác nhau và tiếp cận một cách hết sức phong phú, đa dạng.
Để rồi Bác mới tìm đến một con đường riêng mà Bác cho là đúng đắn. Trước đó, Bác tham gia rất nhiều tổ chức chính trị - xã hội và đi rất nhiều nơi, tiếp cận với rất nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Ví dụ sự kiện Bác đọc được bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, tìm ra con đường sáng và Bác đã lựa chọn.
Và chính nhờ tích lũy tất cả những tri thức ấy mà Bác có thể đánh giá được, phân tích được, có thể lựa chọn được cái tối ưu và cái đó được thực tế chứng minh thì tạo ra được phẩm chất của một nhà tiên tri chứ không phải Bác có sẵn sự tiên tri trong đầu, nghĩ là ra. Tôi cho rằng đó là sự phân tích hết sức biện chứng, hết sức khoa học mà đúng là có những hiện tượng đó thật.
Ví dụ như tập diễn ca Lịch sử nước ta, Người khẳng định: "Việt Nam độc lập - 1945". Có thể đó là lời khích lệ mọi người, nhưng cũng có thể chứa đựng trong đó những sự phân tích. Quả thật là thời điểm Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc là cơ hội rất quý báu, ai chớp được cơ hội thì sẽ thành công.
Hay Hà Nội vốn được ví là "Thăng Long phi chiến địa" nhưng cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua khi thua trên bầu trời Hà Nội".
Bác đã nhận định được chuyện B-52 sẽ xuất hiện tại bầu trời Hà Nội, mặc dù thời điểm đó, Mỹ còn chưa có ý định đem B-52 đến Việt Nam.
Khi nhìn nhận diễn biến, thực tế đã qua của cuộc cách mạng Việt Nam nói chung và vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì phải nhìn trong sự vận động của thực tiễn. Mà người nào nắm bắt được thực tiễn, theo sát được thực tiễn và có năng lực quyết định và có một tổ chức mạnh, một tổ chức nhất trí thì sẽ thành công.
Ở Việt Nam có thêm một yếu tố nữa mà chúng ta không bao giờ không nhắc đến, đó là có lòng dân. Những gì diễn ra trong lịch sử đã chứng minh điều đó.
- Tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn thời điểm chiều ngày 2/9/1945 để tổ chức lễ ra mắt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thưa ông?
Trên cơ sở hồi ức của những người gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tổ chức ngày Độc lập thì công tác này đã được chuẩn bị từ rất lâu rồi. Nếu chúng ta xem lại tất cả những việc Bác đã làm trên tiến trình vận động cách mạng và rèn luyện đội ngũ thì thấy rất rõ.
Việc chọn ngày 2/9 có yếu tố quan trọng nhất là cuộc chạy đua về thời gian. Đúng là nếu chỉ chậm 1 ngày thôi thì cơ hội đó sẽ không còn nữa hoặc sẽ rất khó khăn.
Việc có mặt của quân đồng minh tại Việt Nam theo Tuyên bố Potsdam, đại diện quân đồng minh đến để giám sát phía Bắc vĩ tuyến 18 ở nước ta là Quốc dân Đảng. Nếu họ đến đây trước thì mình không còn là chủ nhà nữa.
Tôi cho rằng ngày 2/9/1945 được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn với mục đích là làm càng sớm càng tốt. Đó là ngày Chủ nhật có thể huy động được đông đảo quần chúng Nhân dân. Khi chọn ngày, Bác nói không thể muộn hơn được.
Và tất cả diễn ra rất nhanh, còn mọi việc đã được chuẩn bị từ ngày 25/8/1945. Bản Tuyên ngôn Độc lập về cơ bản cũng đã xong rồi. Sau khi buổi lễ kết thúc thì lực lượng đồng minh có mặt tại nước ta. Khi ấy, Nhà nước Việt Nam đón quân đồng minh đúng tính chất là chủ nhân đất nước đón khách. Điều này tạo lợi thế cho chúng ta để xác lập được nền độc lập.
Phải khẳng định rằng đây là cuộc chạy đua thành công và quan trọng hơn là tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là năng lực lãnh đạo và một bộ máy của những người cách mạng phù hợp với yêu cầu của thời đại.
- Hà Nội thời điểm ấy có nhiều địa điểm để tổ chức buổi lễ này như Nhà Đấu xảo, Quảng trường Nhà hát Lớn… Nhưng vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chọn Quảng trường Ba Đình, thưa ông?
Thời điểm đó, không gian chính của Hà Nội là Quảng trường Nhà hát Lớn và không gian của Việt Nam học xá - sau này là Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh lại lựa chọn Quảng trường Ba Đình để đọc Tuyên ngôn Độc lập.
Ở đó không chỉ là không gian rộng lớn mà nó sát liền với Dinh toàn quyền Đông Dương - Phủ Chủ tịch ngày nay - biểu trưng của chế độ thuộc địa. Thời điểm ấy, đại diện của đồng minh sẽ đến ở tại Dinh toàn quyền Đông Dương. Xung quanh đó cũng là cộng đồng rất đông người Pháp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nói với cả thế giới chứ không chỉ nói với đồng bào của mình. Khi lựa chọn địa điểm là quảng trường Ba Đình thì Bác đã có tính toán.
Về sau thì tất cả các hoạt động cộng đồng lớn thì đều tổ chức ở quanh hồ Hoàn Kiếm và không gian của Việt Nam học xá.
- Trong bài thơ "Người đi tìm hình của nước" của nhà thơ Chế Lan Viên có câu: "Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc/ Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin" nói về giây phút Bác đọc được bản "Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của Lênin. Nhưng tại sao trong bản Tuyên ngôn 1945 trong hai trích dẫn Bác chỉ nhắc tới Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ (năm 1776) và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp, thưa ông?
Nhiều người cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam bằng hai văn kiện lịch sử của Mỹ và Pháp phải chăng là một sự tranh thủ. Thời điểm đó Bác có tranh thủ, nhất là Mỹ với tư cách là một trong những lực lượng quan trọng nhất của đồng minh.
Còn lý do Bác không dẫn bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin vì thời đại đã khác rồi. Tư tưởng của Lênin là khát vọng khát vọng giành độc lập cho cho một nước thuộc địa và nhất là khi đó Bác tiếp cận với Chủ nghĩa Marx. Còn sau này, Bác đặt lên hàng đầu là việc giải phóng dân tộc, sự lựa chọn đầu tiên của con đường phát triển. Sự lựa chọn của Người là có mục đích.
Nhưng điều quan trọng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến hai văn kiện lịch sử của Mỹ và Pháp với hàm ý là kế thừa, nhưng cách mạng Việt Nam sẽ có sự phát triển, sự đóng góp. Và rõ ràng với cuộc kháng chiến chống Pháp tới Điện Biên Phủ, chúng ta đã góp phần quyết định cho việc chấm dứt chế độ thuộc địa, hay nói đúng hơn là chế độ thực dân cũ trên phạm vi toàn cầu, điều này cả thế giới đã công nhận.
Nếu như cuộc cách mạng giải phóng của Mỹ và cuộc mạng nhân quyền, dân quyền của Pháp là hai mốc lớn của nhân loại thì chắc chắn cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Chiến thắng Điện Biên Phủ với việc chấm dứt chế độ thuộc địa là đóng góp của Việt Nam.
- Ông nghĩ thế nào về Vận nước trong thời gian qua?
Tôi nghĩ Vận nước là sự vận động mà trong sự vận động đó anh có chủ động hay không? Một cá nhân, một cộng đồng, một quốc gia, dân tộc cũng vậy. Những gì diễn ra rõ ràng chúng ta thấy được chiều hướng phát triển của nó, không thể đảo ngược được. Ví dụ như quá trình dân chủ hóa, hội nhập quốc tế… là không thể đảo ngược được.
Song, con đường ấy không phải là con đường bằng phẳng, không phải con đường dọn sẵn. Con đường chúng ta đi luôn luôn phải gặp những trở ngại, thử thách để từng bước vượt qua. Chúng ta không chỉ vượt qua những khó khăn mang tính khách quan mà có cả những khó khăn chủ quan nữa.
Những sự thay đổi nhân sự cấp cao thời gian qua cho thấy chúng ta nhận thức ra rằng con người đóng vai trò quan trọng nhất trong mọi diễn biến của lịch sử, cũng như trong sự phát triển của đất nước. Mà trong đó vai trò của những người lãnh đạo vô cùng quan trọng.
Nếu người lãnh đạo không đủ phẩm chất thì đất nước không thể phát triển một cách mạnh mẽ, bền vững được. Chúng ta luôn hy vọng tạo ra sự ổn định và sự phát triển bền vững để vượt qua những sai lầm của quá khứ, trong đó có sai lầm về vấn đề dùng người.
Xin cảm ơn ông!