Trong Gia Định thành thông chí - một sử liệu quan trọng về Nam Bộ thời nhà Nguyễn của Trịnh Hoài Đức viết vào đầu thế kỷ XIX, núi Bà Đen được mô tả như sau: “Giữa đất đồng bằng nổi lên ngọn núi Bà Đinh (Bà Đen), ngày đẹp trời, từ Sài Gòn có thể thấy ngọn núi này mờ mờ hiện ra trong mây. Tương truyền đây là ngọn núi thiêng, có chuông vàng ẩn hiện trong hồ, đêm trăng, có thuyền rồng bơi lượn múa hát du dương…”.
Đỉnh núi Bà Đen bồng bềnh trong mây.
Theo đó, núi Bà Đen được coi là ngọn núi thiêng, ngọn núi chính trấn thành Gia Định (tức Sài Gòn), giống như núi Tản Viên ở Thăng Long hay núi Ngự Bình ở Cố đô Huế. Mỗi năm, hàng triệu người từ khắp các tỉnh thành, đặc biệt là các vùng miền Nam về đây hành hương, chiêm bái.
Ngay dưới chân núi vào những ngày Tết hoặc Rằm tháng Giêng, nhiều người chọn ngủ lại để sáng hôm sau có thể lên đỉnh núi thật sớm cầu may mắn cho cả năm.
Không ngại quá đông đúc hay tình trạng tắc đường khi gần đến núi Bà, chị Phạm Thị Nga (ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, mỗi năm gia đình chị sẽ đến đây ít nhất một lần.
Ước tính, gần 2 triệu du khách đi cáp treo lên đỉnh núi Bà Đen trong tháng Giêng.
Những huyền tích trên núi Bà Đen ít người biết
Có rất nhiều truyền thuyết về núi Bà Đen được kể lại qua các thế hệ, trong đó được nhắc đến nhiều nhất là huyền tích về nàng Lý Thị Thiên Hương tử tiết trên núi với 3 lần hiển linh báo mộng, được tôn làm Linh Sơn Thánh Mẫu và trở thành biểu tượng cho tín ngưỡng của người Nam Bộ suốt nhiều thế kỷ qua.
Điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu tại núi Bà Đen.
Không chỉ có huyền tích về Linh Sơn Thánh Mẫu, tại quần tâm linh trên núi Bà Đen còn có rất nhiều miếu, động, chùa linh thiêng như Động Ba Cô, Miếu Sơn Thần, chùa Hang, động Kim Quang…
Một trong những nơi rất linh thiêng trên núi Bà mà ít người biết đến là Động Ba Cô (nằm cao nhất tại khu vực chùa Bà). Theo sự tích, vào đầu thế kỷ 20, có ba chị em thiếu nữ đồng trinh sinh sống ở miền Tây lên núi Bà Đen tu hành từ thời núi Bà còn là nơi rừng thiêng nước độc.
Hàng ngày, ba cô thường xuống núi giúp dân nghèo chữa bệnh, tối lại lên núi thiền định ngủ ngồi suốt hàng chục năm trời.
Sau khi ba cô lần lượt qua đời, người dân đã lập miếu thờ ngay tại hang động nơi ba cô tu hành. Ngày nay, động Ba Cô là một hang động huyền ảo, đặc biệt cửa hang vào động mỗi ngày càng hẹp dần khi gốc cây sung ở cửa hang ngày càng lớn hơn. Nhiều người mong đến động Ba Cô để cầu tình duyên và sức khoẻ.
Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn uy nghiêm trên đỉnh núi Bà Đen.
Trên đỉnh núi Bà Đen ngày nay còn có một quần thể tâm linh kỳ vĩ kết nối với chùa Bà ở lưng chừng núi.
Tượng Phật bà Tây Bổ Đà Sơn bằng đồng trên đỉnh núi cao nhất Châu Á đến nay được xem là biểu tượng linh thiêng của núi Bà Đen.
Núi Bà Đen huyền ảo với quầng mây sáng trong đêm.
Ngày nay, người dân thập phương không chỉ hành hương đến núi Bà vào dịp đầu xuân năm mới, mà suốt quanh năm đều tìm đến núi Bà Đen như một cách để tìm về an yên, với một niềm tin mãnh liệt và niềm hạnh phúc đích thực từ trong tâm.