Bạn có thói quen rung chân hay nhận thấy những người khác rung chân khi họ đang ngồi trong phòng thi, đọc sách hoặc ngay cả lúc ngồi ăn hay không?
Ở một số gia đình châu Á, cha mẹ dặn con cái không được rung chân vì điều này đồng nghĩa rũ bỏ vận may. Tất nhiên, đây chỉ là quan điểm mê tín. Tuy nhiên, có một lý do bạn không nên rung chân là điều đó làm phiền những người xung quanh.
Có nhiều lý do dẫn tới thói quen rung đùi không ngừng. (Ảnh minh họa: Vari)
Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi thuyết trình trước hàng trăm người và chân bạn không ngừng run rẩy (thậm chí bạn không hề hay biết). Hình ảnh của bạn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.
Thông thường, rung chân chỉ là thói quen. Nếu biểu hiện này liên quan tới bệnh lý sẽ đi kèm các triệu chứng khác.
Nguyên nhân
Căng thẳng, buồn chán
Theo Goodyfeed, nhiều người rung chân do đang tập trung cao độ, cũng giống như việc đi đi lại lại trong phòng và cắn móng tay.
Nghiên cứu đã chỉ ra khu vực kiểm soát chức năng nhận thức và vận động trong não trùng lặp với nhau. Điều này cho thấy mọi người có thể dễ dàng tập trung hơn khi họ làm một việc gì đó liên quan đến thể chất. Đó cũng là một cách để giảm bớt căng thẳng và lo lắng.
Rung chân còn có thể do cảm giác bồn chồn. Những người mắc chứng tăng động rất khó đứng yên hoàn toàn nên việc rung chân là cách để họ giải tỏa sự buồn chán. Sự run rẩy giải phóng căng thẳng tích tụ khi bạn buộc phải ngồi nghe bài giảng dài hoặc tham dự cuộc họp buồn tẻ.
Những chuyển động nhanh, không kiểm soát của chân được mang lại cho bạn cảm giác nhẹ nhõm.
Hội chứng chân không nghỉ
Hội chứng chân không nghỉ, còn được gọi là bệnh Willis-Ekbom, là rối loạn thần kinh gây ra sự thôi thúc khiến bệnh nhân phải di chuyển chân không ngừng. Người bệnh có cảm giác khó chịu, đau nhói, co kéo, tê dần dần ở chân khiến họ muốn cử động chân để giải tỏa ức chế. Cảm giác thường tồi tệ hơn vào buổi tối hoặc ban đêm.
Nếu hội chứng này nhẹ, người bệnh có thể đánh lạc hướng bản thân bằng cách tham gia vào các hoạt động khác như yoga, duỗi người và tắm nước nóng. Nếu hội chứng nghiêm trọng, mọi người cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Caffeine và các chất kích thích khác
Một tách cà phê đánh thức bạn vào buổi sáng và khiến bạn cảm thấy tỉnh táo hơn. Nhưng uống quá nhiều có thể làm bạn bồn chồn dẫn tới rung chân trong vô thức.
Lượng caffein được khuyến nghị là 400mg mỗi ngày, tương đương với 3-4 tách cà phê.
Các triệu chứng khác của say caffeine hoặc chất kích thích bao gồm nhịp tim nhanh, mất ngủ, bồn chồn, chóng mặt, đổ mồ hôi.
Ngoài ra, rung chân còn có thể liên quan tới nghiện rượu, bệnh Parkinson, cường giáp, phản ứng phụ của một số loại thuốc.
Giải pháp
Nếu rung chân không đi kèm các triệu chứng khác, bạn có thể tự khắc phục được. Cách đơn giản, hiệu quả nhất là đánh lạc hướng bản thân hoặc ý thức hơn về các hành động của mình để chấm dứt thói quen này.
Nếu cơn run kéo dài hoặc có thêm các triệu chứng khác, bạn có thể áp dụng một số giải pháp sau:
- Kiểm soát căng thẳng: Hít thở sâu, thư giãn cơ dần dần và thiền định có thể giúp kiểm soát run do căng thẳng và lo lắng.
- Tránh các yếu tố kích thích: Tránh cà phê, trà, soda, chocolate và các loại thực phẩm và đồ uống khác chứa caffeine.
- Massage, yoga: Các hoạt động thư giãn, tập luyện kết hợp thở sâu giúp cơ thể được kéo giãn.
- Thuốc và phẫu thuật: Với một số trường hợp, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh và đưa ra lộ trình điều trị.
Bạn nên đi khám nếu có các biểu hiện như lú lẫn, đi đứng khó khăn, chóng mặt, mất thị lực, giảm cân đột ngột không chủ ý.