Lượng nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima (đã bị phá hủy) dự kiến sẽ sớm được đổ xuống biển, dù ngày cụ thể chưa được công bố. Số nước này chủ yếu đã được sử dụng để làm mát các lò phản ứng bị hư hại sau khi động đất và sóng thần tấn công vào năm 2011.
Người Hàn Quốc đang tích trữ muối biển và các mặt hàng khác khi Nhật Bản có kế hoạch xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển. (Ảnh: Reuters)
Nhật Bản đã nhiều lần đảm bảo rằng số nước này an toàn, vì đã được lọc để loại bỏ hầu hết các đồng vị phóng xạ. Nước vẫn chứa dấu vết của tritium, một đồng vị hydro khó tách bỏ.
Nhưng ngư dân và người dân ở Nhật Bản, cũng như trên toàn khu vực không hết lo ngại.
“Gần đây tôi đã mua 5 kg muối”, Lee Young-min, bà mẹ 38 tuổi có hai con, cho biết khi đang làm canh rong biển trong căn bếp của mình ở Seongnam, ngay phía nam thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Cô chưa bao giờ mua nhiều muối như vậy trước đây, nhưng cảm thấy mình phải làm những gì có thể để bảo vệ gia đình mình.
“Là một người mẹ đang nuôi hai đứa con, tôi không thể ngồi yên và không làm gì. Tôi muốn chúng ăn uống an toàn”, Lee nói.
“Tôi đến để mua muối nhưng không còn gì cả", bà Kim Myung-ok, 73 tuổi, đứng bên những kệ hàng trống rỗng trong siêu thị, cho biết. “Lần trước tôi đến cũng không có. Việc xả nước thật đáng lo ngại. Chúng tôi đã già và sống đủ rồi nhưng tôi lo lắng cho các con”.
Việc đổ xô tích trữ đã góp phần khiến giá muối ở Hàn Quốc tăng gần 27% trong tháng 6 so với hai tháng trước, mặc dù các quan chức cho rằng các yếu tố khác như thời tiết và sản lượng thấp cũng có tác động. Để ứng phó, chính phủ Hàn Quốc sẽ cho xuất kho khoảng 50 tấn muối mỗi ngày, với mức chiết khấu 20% so với giá thị trường, Thứ trưởng Bộ Thủy sản Hàn Quốc Song Sang-keun cho biết.
Các cơ quan thủy sản Hàn Quốc nói sẽ theo dõi chặt chẽ các trang trại muối để phát hiện nếu có bất kỳ sự gia tăng phóng xạ nào. Hàn Quốc đã cấm nhập hải sản từ vùng biển gần Fukushima, trên bờ biển phía đông của Nhật Bản.
Trung Quốc cũng chỉ trích kế hoạch xả nước của Nhật Bản, cáo buộc kế hoạch này thiếu minh bạch và cho rằng nó gây ra mối đe dọa đối với môi trường biển và sức khỏe của người dân trên khắp thế giới.
Nhật Bản cho biết họ đã cung cấp những lời giải thích chi tiết, dựa trên cơ sở khoa học về kế hoạch của mình cho các nước láng giềng. Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi sẽ đến thăm nước này vào tuần tới để xem nhà máy điện hạt nhân.
Trong khi đó, theo Nikkei Asia, Liên minh châu Âu có thể sẵn sàng bãi bỏ các hạn chế nhập khẩu đối với sản phẩm thực phẩm của Nhật Bản sau thảm họa năm 2011.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ trước đó đã dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập khẩu vào năm 2021. Nếu EU cũng thực hiện, số quốc gia và khu vực áp dụng hạn chế dự kiến sẽ giảm từ 12 xuống còn 7.