Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lý do khiến Trung Quốc bị nghi hỗ trợ vũ khí cho Nga

(VTC News) -

Các quan chức Mỹ đồng loạt đưa ra thông tin tình báo có cơ sở về việc Trung Quốc cân nhắc hỗ trợ cho Nga trong cuộc xung đột với Ukraine.

Ngày 18/2, bên thềm Hội nghị An ninh Munich (Đức), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Trung Quốc đang cân nhắc việc hỗ trợ vũ khí và đạn dược cho Nga để sử dụng trên chiến trường Ukraine nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể. Đáp lại Bắc Kinh cho rằng Washington mới là bên khiến xung đột leo thang khi tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev.

"Cơ sở" của tin tình báo

Theo Wall Street Journal, hoạt động mua bán vũ khí của Trung Quốc trên thế giới luôn được giữ bí mật và gần như không công khai, điều này sẽ khiến việc xác định Bắc Kinh sẽ hỗ trợ vũ khí nào cho Moskva trở nên khó khăn.

Tuy nhiên các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ liên tiếp đưa ra các tuyên bố về những thông tin tình báo mà họ xem là đáng tin cậy cho thấy Trung Quốc đang xem xét khả năng chuyển giao vũ khí cho Nga. Các thông tin này dựa trên những đánh giá về khả năng và năng lực của Bắc Kinh trong việc hỗ trợ vũ khí phi sát thương hoặc sát thương cho Moskva.

Với tiềm lực công nghiệp hàng đầu thế giới, Trung Quốc đang là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất các loại vũ khí thông thường cho đến tiên tiến, bao gồm các hệ thống pháo hạng nặng, pháo phản lực, tên lửa chống tăng, tên lửa đạn đạo, UAV, đạn pháo và nhiều loại vũ khí khác.

Các loại vũ khí do Trung Quốc chế tạo về cơ bản có nhiều điểm tương đồng với hệ thống vũ khí của Nga, trong đó lực lượng pháo binh gần như không có sự khác biệt.

Sau hơn 1 năm xung đột, không cần phải thực hiện một thống kê nào cũng có thể thấy Nga đang cần bổ sung số lượng lớn đạn pháo và hệ thống pháo binh mới thay thế cho số khí tài bị tiêu hao. Trong trường hợp này chỉ có Trung Quốc mới đủ khả năng giúp được Nga.

Cùng với thông tin Trung Quốc xem xét hỗ trợ quân sự cho Nga, cũng xuất hiện những thông tin quân đội Trung Quốc tái trang bị lại một số đơn vị pháo binh dự bị ở Tân Cương, theo trang Ceastern Herald của Ấn Độ.

Hệ thống pháo tự hành PLZ-83 152 mm của Trung Quốc sử dụng cỡ đạn tương đương với pháo 2S19 “Msta-S” đang có trong biên chế pháo binh Nga. (Ảnh: Chinami)

Tờ Ceastern Herald còn dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc Zhu Shufang nhận định, các hệ thống pháo tự hành PLZ-83 152 mm và pháo phản lực tầm xa A-100 300 mm của quân đội Trung Quốc có thể sẽ được chọn để bổ sung cho pháo binh Nga. Cả hai hệ thống này tương đương với pháo 2S19 “Msta-S” và pháo phản lực 9K59 “Smerch” đang được Nga sử dụng.

Nhận định của Zhu Shufang khá tương đồng với một số tuyên bố của quan chức Mỹ và châu Âu, các nước phương Tây cho rằng Trung Quốc không nhất thiết phải cung cấp vũ khí tiên tiến cho Nga, thay vào đó sẽ là các hệ thống vũ khí đơn giản như pháo tự hành, pháo phản lực và đạn dược cho pháo binh.

Ông Vasily Kashin, một chuyên gia về Trung Quốc cho rằng, việc Trung Quốc hỗ trợ quân sự cho Nga không liên quan đến mặt công nghệ mà là năng lực sản xuất, bởi công nghiệp quốc phòng Nga vẫn có nền tảng vượt trội hơn Trung Quốc.

Xét về năng lực sản xuất, đặc biệt ở mảng vũ khí bộ binh, Trung Quốc có thể mạnh hơn toàn bộ NATO cộng lại.

Ngoài hỗ trợ pháo binh, Trung Quốc vẫn còn một vũ khí khác mà Nga cần đó là máy bay không người lái. Công nghệ, năng lực sản xuất UAV của Trung Quốc sẽ giúp quân đội Nga giải được nguồn cung cho khí tài đặc biệt này.

Trên chiến trường Ukraine, UAV không chỉ được sử dụng là nhiệm vụ trinh sát mà cả tấn công. Nga hiện là bên sử dụng UAV hiệu quả nhất với các mẫu UAV “cảm tử”.

Tờ Der Spiegel của Đức dẫn nguồn tin riêng cho biết, hãng sản xuất máy bay không người lái Trung Quốc Xian Bingo Intelligent Aviation Technology có trụ sở ở Tân Cương đã ký thỏa thuận cung cấp 100 máy bay không người lái ZT-180, loại có thể mang đầu đạn nặng từ 30 kg đến 35 kg cho Nga.

Theo bài báo, mẫu máy bay không người lái này tương tự Shaheed-136 của Iran, loại mà Nga sử dụng để thực hiện hàng loạt cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Tạp chí này cũng cho biết, Xian Bingo có kế hoạch giúp xây dựng một địa điểm sản xuất máy bay không người lái ở Nga, để có thể làm ra 100 chiếc mỗi tháng.

Cũng theo bài viết của Der Spiegel, quân đội Trung Quốc đã có kế hoạch để một công ty chế tạo hàng không của nước này hỗ trợ cho Nga phụ tùng thay thế cho dòng chiến đấu cơ Su-27.

Tuy nhiên, cả Nga và Trung Quốc đều không đưa ra bình luận nào về thông tin Der Spiegel đăng tải.

Cho đến nay, Nga đã mất hàng ngàn khẩu pháo, xe tăng và các thiết bị quan trọng khác trong cuộc xung đột và đang tiêu thụ đạn pháo với tốc độ chóng mặt, theo Wall Street Journal. Trong những tuần gần đây, các đơn vị chiến đấu của Nga đã phàn nàn rằng họ không thể có đủ nguồn cung cấp đạn pháo.

Các nhà phân tích quân sự nhận định nếu không có nguồn hỗ trợ từ bên ngoài, Nga sẽ không thể đẩy lùi cuộc phản công dự kiến vào mùa xuân và mùa hè mà Ukraine đang lên kế hoạch với sự trợ giúp đắc lực của các loại vũ khí mới do phương Tây cung cấp.

Các mặt hàng điện tử lưỡng dụng của Trung Quốc xuất khẩu sang Nga đang giúp Moskva chế tạo các hệ thống vũ khí tiên tiến, điển hình như máy bay không người lái. (Ảnh: NBC News)

Thông tin tình báo đáng tin cậy?

Theo Wall Street Journal, các quan chức Mỹ và châu Âu những tuần gần đây đều đưa ra những tuyên bố nắm được những thông tin tình báo đáng tin cậy rằng Trung Quốc có thể thay đổi quan điểm cung cấp vũ khí sát thương cho Nga. Tuy nhiên Bắc Kinh dường như vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Trước đó, Trung Quốc khá thận trọng khi nhắc đến việc hỗ trợ cho Nga trong bối cảnh Moskva hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trung Quốc lựa chọn hỗ trợ tài chính và tăng nhập khẩu dầu thô của Nga như một cách giúp “đồng minh”. Các đánh giá tình báo mới của Mỹ và châu Âu cho thấy lập trường của Trung Quốc đang thay đổi.

Wall Street Journal dẫn lời nguồn tin riêng cho biết, đã có những dấu hiệu nhất định về những hỗ trợ thiết thực hơn mà Trung Quốc có thể dành cho Nga. Nguồn tin này nói thông tin tình báo mà Mỹ và các đồng minh có được cho đến hiện nay đều mới mức sơ bộ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price trong một tuyên bố vào cuối tháng 2 cho biết, Washington đang theo dõi chặt chẽ sự việc này để xác định liệu Trung Quốc có tiến tới viện trợ vũ khí sát thương cho Nga hay không.

Trong năm 2022, Trung Quốc đã hỗ trợ Nga bằng cách mua dầu và bán các mặt hàng thương mại không nằm trong lệnh cấm, chẳng hạn như vi mạch và máy bay không người lái cỡ nhỏ, hoặc những mặt hàng mang tính lưỡng dụng.

Các quan chức Mỹ và châu Âu, nhận định Trung Quốc có thể cung cấp vũ khí sát thương cho Nga dựa trên sự khác biệt rõ rệt so giữa các loại hàng hóa Bắc Kinh đang bán cho Moskva trong năm 2022. Các quan chức phương Tây từ chối nêu chi tiết thông tin tình báo về loại hàng hóa sắp được Trung Quốc chuyển đến Nga.

Cũng theo Wall Street Journal, một tin tình báo được phương Tây xem là đáng tin cậy đề cập đến sự lo ngại ngày càng tăng của Trung Quốc khi Nga đe dọa sử dụng khả năng răn đe hạt nhân. Đây cũng chính là điều nhiều quan chức châu Âu đưa ra thảo luận trong Hội nghị An ninh Munich 2023.

Phương Tây cho rằng Bắc Kinh dù không muốn thể hiện bản thân đang hỗ trợ Moskva nhưng cũng lo ngại về những tác động kinh tế và chính trị đến nước này trong trường hợp Nga không đạt được các mục tiêu họ đặt ra ở Ukraine.

Theo Wall Street Journal, chính quyền của ông Biden khá tự tin về những hoạt động tình báo của Mỹ, bởi trước đó họ đã dự báo gần như chính sách việc Nga can thiệp quân sự vào Ukraine, kế đến là việc Iran cung cấp máy bay không người lái cho Moskva. Trong trường hợp của Trung Quốc, các quan chức Mỹ và châu Âu cảm thấy những gì họ lo ngại là có cơ sở.

Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, bà Avril Haines trong một phát biểu gần đây cho biết, dù chưa có gì chắc chắn về khả năng Trung Quốc sẽ hỗ trợ vũ khí cho Nga nhưng cho đến nay các cơ quan tình báo của nước này vẫn đang làm tốt vai trò dự báo của mình.

Chính quyền của ông Biden cho rằng một lời cảnh báo sớm sẽ là giải pháp hiệu quả nhất giúp Mỹ và châu Âu buộc Trung Quốc từ bỏ suy nghĩ hỗ trợ vũ khí cho Nga.

Phương Tây lên tiếng

Bên thềm Hội nghị An ninh Munich (Đức), ngày 18/2, tại cuộc hội đàm với ông Vương Nghị - Chủ nhiệm Văn phòng Uỷ ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ngoại trưởng Blinken cũng đưa ra cảnh báo về "những tác động và hậu quả nếu Trung Quốc hỗ trợ vật chất cho Nga, hoặc hỗ trợ Nga tránh các biện pháp trừng phạt".

“Chúng tôi đã thấy họ hỗ trợ phi sát thương cho Nga để sử dụng ở Ukraine. Mối quan ngại hiện nay dựa trên thông tin mà chúng tôi nhận được, rằng họ đang cân nhắc cung cấp hỗ trợ vũ khí sát thương, và chúng tôi đã nói rõ ràng với họ rằng điều này sẽ gây ra một vấn đề nghiêm trọng đối với chúng ta và quan hệ giữa hai bên”, Ngoại trưởng Blinken nói tại Munich.

Kể từ sau hội nghị ở Munich, các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden liên tiếp có những tuyên bố về thông tin tình báo về một kế hoạch hỗ trợ Nga của Trung Quốc. Dù không có bằng chứng cụ thể, Washington tin rằng Bắc Kinh đang cân nhắc cung cấp vũ khí sát thương cho Moskva bằng nhiều hình thức khác nhau.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken và ông Vương Nghị - Chủ nhiệm Văn phòng Uỷ ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cuộc hội đàm bên thềm Hội nghị An ninh Munich. (Ảnh: Getty Images

Thậm chí các quan chức Mỹ ngày 23/2 tuyên bố đang xem xét giải mật các thông tin tình báo mà họ xem là bằng chứng Trung Quốc đang chuẩn bị hỗ trợ vũ khí sát thương cho Nga. Thế nhưng cho tới nay vẫn chưa thấy Washington đưa ra bằng chứng này.

Đáp lại những cáo buộc của phía Mỹ, ngày 27/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho rằng, Mỹ đang gửi vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho Kiev trong khi cảnh báo Bắc Kinh không được hỗ trợ Moskva. Bà Mao Ninh nhấn mạnh, Washington không có tư cách ra lệnh, nhúng tay vào quan hệ Trung Quốc - Nga.

Mỹ không có quyền ra lệnh cho mối quan hệ Trung Quốc - Nga. Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận sự ép buộc và áp lực từ Mỹ”, bà Mao Ninh nhấn mạnh.

Trà Khánh

Tin mới