Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lý do concert Anh trai cháy vé nhưng phải dừng ở mức 20.000 khán giả

Chuyên gia nhận định địa điểm thực hiện concert lớn, quy mô hơn 20.000 khán giả ở Hà Nội không quá nhiều, do vậy, là bài toán khó cho các đơn vị tổ chức sự kiện.

Anh trai “say hi” diễn ra ở Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình vào 7/12. Một tuần sau đó, concert Anh trai vượt ngàn chông gai diễn ra tại Vinhomes Ocean Park 3 (huyện Văn Giang và Văn Lâm, Hưng Yên).

Ban đầu, địa điểm tổ chức Anh trai vượt ngàn chông gai cũng được dự đoán là sân Mỹ Đình. Trên địa bàn Hà Nội, đây là địa điểm hiếm hoi có sức chứa trên 20.000 khán giả, đáp ứng được sức nóng của Anh trai vượt ngàn chông gai. Tuy nhiên, ê-kíp sau đó tổ chức quyết định đưa concert tới Hưng Yên, trái hoàn toàn với dự đoán.

Hiện cả hai concert đều "cháy vé". Tuy nhiên, đơn vị tổ chức không tăng quy mô người tham dự mỗi đêm vì bài toán khó về không gian.

Diện mạo đêm nhạc Hà Nội

Khi ê-kíp thông báo địa điểm, rất nhiều khán giả lo lắng, băn khoăn, thậm chí tranh cãi. Hàng loạt thắc mắc được đưa ra, chẳng hạn di chuyển ra sao khi địa điểm tổ chức concert ở khá xa nội thành Hà Nội hay liệu có đảm bảo cơ sở, hạ tầng cho một concert sức chứa lên tới 20.000 khán giả.

Trao đổi Tri Thức - Znews, nhà sản xuất kiêm đạo diễn Hoàng Trọng Thanh nhận định hiện địa điểm tổ chức ca nhạc với quy mô lên tới 20.000 ở Hà Nội lẫn các địa phương lân cận là rất khan hiếm khiến công tác tổ chức live show, concert gặp nhiều khó khăn.

Theo đạo diễn, hiện ở địa bàn Hà Nội có 3 hình thức biểu diễn âm nhạc quen thuộc là phòng trà quy mô nhỏ nhất khoảng vài trăm người, tiếp đó là những sự kiện có vài nghìn người hoặc 10.000 là ở các nhà hát, cung văn hóa, cung thể thao, trung tâm hội nghị và cuối cùng là sự kiện ngoài trời quy mô 15.000-30.000 khán giả.

Các nghệ sĩ trong concert "Anh trai vượt ngàn chông gai" ở TP.HCM. Họ sẽ biểu diễn tại Hà Nội vào 14/12 tới. (Ảnh: NSX).

Quen thuộc nhất với khán giả thủ đô là đêm nhạc phòng trà hoặc các live concert, live show vài nghìn người. Hình thức này diễn ra thường xuyên, gần như hàng tuần với phòng trà hoặc mỗi tháng vài show ở các nhà hát, trung tâm hội nghị.

Nhà hát Lớn Hà Nội (sức chứa 870 chỗ), Trung tâm Hội nghị Quốc gia (hơn 3.500 khán giả), Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (hơn 1.000 khách) hay Nhà hát Hồ Gươm (900 chỗ)… là lựa chọn quen thuộc, phổ biến nhất với các nghệ sĩ Việt lẫn các đơn vị tổ chức sự kiện.

Quốc Thiên vừa qua tổ chức concert ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Đây cũng là địa điểm Tùng Dương thực hiện đêm nhạc vào 23/11 tới. Với Đóa hồng gai diễn ra cách đây không lâu để kỷ niệm 17 năm ca hát, Phương Thanh chọn địa điểm là Nhà hát Hồ Gươm.

Sự kiện trong nhà nhưng sức chứa lớn hơn còn có thể tổ chức ở Cung thể thao Quần Ngựa hoặc Cung điền kinh Mỹ Đình. Tại những địa điểm này, Đen, Hoàng Dũng từng tổ chức live concert khoảng 10.000 khán giả.

Theo đạo diễn Hoàng Trọng Thanh, về cơ bản các sự kiện âm nhạc trong nhà, quy mô tối đa 10.000 khán giả tại Hà Nội đang đáp ứng được. Tuy nhiên, trong tất cả địa điểm được kể trên, chỉ có Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Hồ Gươm thực sự là nhà hát, được xây dựng cho âm nhạc, nghệ thuật.

Còn những địa điểm khác, chẳng hạn Trung tâm Hội nghị Quốc gia hay Cung thể thao Quần Ngựa, Cung điền kinh Mỹ Đình, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình… đều được xây dựng nhằm phục vụ công tác thể thao, hội nghị… sau đó được cải tạo để có thêm nơi biểu diễn âm nhạc. Do đó, đạo diễn nhận định khán giả lẫn đơn vị tổ chức sự kiện đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm địa điểm biểu diễn ngoài trời, quy mô lớn.

Khó khăn khi chọn sân khấu ngoài trời

"Tại Hà Nội, chúng ta còn có Hoàng Thành Thăng Long từng tổ chức nhiều sự kiện âm nhạc lớn. Nơi này có bãi đất trống, sức chứa khoảng 15.000 người. Tuy nhiên, việc set up không gian biểu diễn ở đây gặp hạn chế bởi không gian hẹp hơn sân vận động, chưa kể phải giữ được khoảng cách nhất định giữa sân khấu, khán đài… với các bức tường, kiến trúc của địa điểm này để tránh ảnh hưởng tới di tích. Đó cũng là một cái khó”, ông Hoàng Trọng Thanh nói.

Ông nói thêm Sân vận động Hàng Đẫy có quy mô lớn hơn nhưng thời gian gần đây không cho thuê biểu diễn âm nhạc bởi việc này ảnh hưởng tới mặt sân cỏ. Quen thuộc nhất với khán giả và quy mô lớn nhất, có thể kể tới Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Sức chứa của sân lên tới trên 40.000 khán giả, vừa có thể đứng ở mặt sân lại ngồi được trên khán đài. Nhưng địa điểm này cũng có nhiều bất cấp. Đầu tiên, đây không phải nhà hát hay địa điểm tổ chức show âm nhạc một cách chính thức, chuyên nghiệp.

“Sân Mỹ Đình là nơi tổ chức các giải đấu lớn nên luôn đảm bảo về hạ tầng, nguồn điện, sức chứa... Nhưng đây cũng không phải sân riêng dành cho hoạt động giải trí, nghệ thuật. Ban quan lý của sân vận động chỉ tận dụng thêm để cho thuê mỗi khi có sự kiện âm nhạc và mặt trái của nó là làm ảnh hưởng tới mặt sân cỏ”, chuyên gia nói.

BlackPink trong concert có hơn 30.000 khán giả tại SVĐ Mỹ Đình vào tháng 7/2023. (Ảnh: YG Entertainment).

Từ nhiều năm kinh nghiệm thực hiện các sân khấu âm nhạc, nghệ thuật, Hoàng Trọng Thanh thừa nhận ông nói riêng và người trong nghề nói chung gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các sân khấu ngoài trời, quy mô lớn.

Sân Mỹ Đình đầy đủ cơ sở hạ tầng nhưng lại phải tránh các giải đấu thể thao lớn. Ngày 15/12, tại sân Mỹ Đình, đội tuyển bóng đá Việt Nam có trận đấu với Indonesia thuộc vòng bảng ASEAN Cup 2024. Nhiều khán giả cho rằng đây chính là lý do Anh trai vượt ngàn chông gai không thể được tổ chức tại sân vận động này vào 14/12.

Trong khi những nơi có bãi đất trống như Ecopark, Ocean Park (nơi diễn ra Anh trai vượt ngàn trông gai) đảm bảo sức chứa nhưng lại không có cơ sở hạ tầng. Đồng nghĩa khi thực hiện show ca nhạc quy mô lớn tại đây, ê-kíp sản xuất phải đầu tư, chuẩn bị kỹ càng, chỉn chu và tốn kém hơn.

“Một số nước trên thế giới có những ‘thánh địa’ dành riêng cho âm nhạc nhưng được thiết kế, đầu tư như một sân vận động. Trong khi đó, sự kiện quy mô 15.000-20.000 tại Hà Nội chưa có một sân khấu chuyên biệt mà chỉ đang tận dụng các địa điểm có bãi đất trống hoặc sân vận động thể thao rồi set up thêm. Bản chất của một show ngoài trời thì đầu tiên là cần bãi đất trống lớn, thêm vào đó là hạ tầng điện rồi những yếu tố khác liên quan, chẳng hạn nơi ăn ở, vui chơi xung quanh”, đạo diễn nói.

Là một nhà sản xuất, đạo diễn, Hoàng Trọng Thanh nhận định việc tổ chức đêm nhạc quy mô lớn tại Hà Nội đang rơi vào tình trạng chắp vá, tạm bợ và tận dụng.

“Mong muốn của những người làm âm nhạc, giải trí như chúng tôi là có được địa điểm biểu diễn riêng cho âm nhạc. Để làm việc đó, chúng tôi hy vọng có sự chung tay của nhà nước với các nhà đầu tư lớn. Đây là việc quan trọng để kích cầu âm nhạc, biến Việt Nam trở thành điểm đến trong khu vực. Cũng vì thiếu địa điểm biểu diễn nên các nhà sản nước ngoài khi sang Việt Nam có thể cũng rụt rè”, ông bày tỏ.

Nguồn: ZNews

Tin mới