Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Kỳ 2: Lương tăng, phụ cấp tăng, lý do gì nhiều giáo viên vẫn 'dứt áo' ra đi?

(VTC News) -

Sau nhiều năm "đấu tranh", lương, phụ cấp của giáo viên đã tăng nhưng nhiều thầy cô vẫn quyết định dứt áo ra đi vì nhiều lý do.

Lá đơn xin bỏ nghề

Sau khi tốt nghiệp cao đẳng Sư phạm trung ương, ngành học Giáo dục mầm non năm 1999, cô Trần Bích Thanh (sinh năm 1970, quê Vĩnh Phúc) về địa phương làm việc tại trường mầm non xã. 

Hơn 24 năm gắn bó với nghề, đều đặn mỗi ngày cô đến trường lúc 6h45 để dọn lớp, chuẩn bị đón trẻ. Cứ thế, công việc của cô quay cuồng từ sáng tới 6h chiều. Khi trẻ về hết, dọn dẹp lớp sạch sẽ, cất đồ chơi gọn gàng cô mới từ trường về nhà.

Giáo viên mầm non vất vả làm việc 8 -12 tiếng/ngày nhưng lương vẫn bèo bọt. (Ảnh minh hoạ)

"Mang tiếng giáo viên đi làm 8 tiếng/ngày nhưng thực chất công việc của tôi kéo dài hơn 12 tiếng, liên tục từ sáng đến tối. Nhiều lần chồng con nấu cơm chờ sẵn mà tôi vẫn loay hoay ở trường với đủ thứ việc chưa thể về", cô Thanh nói. Ở lớp mầm non, nhiều khi trẻ nhỏ hiếu động nô đùa trầy xước tay chân, nhưng có phụ huynh không trao đổi mà chụp ảnh đưa lên mạng, mỗi lần như vậy các cô giáo thấy nghề sao bạc bẽo đến thế.

Áp lực thể xác lẫn tinh thần là thế nhưng đồng lương hàng tháng mỗi khi cầm trên tay càng khiến nữ giáo viên trăn trở, nhụt chí. "Tôi từng viết đơn xin bỏ nghề không dưới 10 lần, nhất là mỗi lần nhận lương thưởng, con ốm đau cần tiền điều trị. Nhưng cứ viết xong thì lại khắc khoải với câu hỏi 'bỏ nghề thì làm gì?', rồi guồng quay mỗi ngày lại cuốn lấy tôi suốt 24 năm qua", nữ giáo viên nói.

Cô Thanh bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội năm 1999 nhưng tới 2010 mới được vào biên chế. Khi đó, thu nhập mỗi tháng của cô hơn 4 triệu đồng. Sau 10 năm, với hệ số lương 3,26 cùng phụ cấp, cô nhận khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng.

Năm 2021 khi đỉnh điểm dịch COVID-19, trường học đóng cửa 3 tháng, cô Thanh ở nhà nhận làm thêm đồ may vá, sửa quần áo. Dần dần, tiếng lành đồn xa, sự khéo léo và sáng tạo của cô giúp chiếc máy khâu "cổ lỗ sĩ" vứt xó bao năm nay được hồi sinh. Trung bình mỗi tháng nguyên may, sửa quần áo thu nhập của cô cũng trên dưới 10 triệu, dịp giáp Tết thu nhập tăng kha khá 15 triệu. 

Dịch qua đi, công việc ở trường trở lại guồng quay, cô không còn thời gian để may vá như trước đây. Trong khi lương nhận được ở trường chỉ bằng một nửa so với thời dịch cô làm ở nhà. Thế rồi chuyện gì đến cũng đến, tháng 6/2022, sau khi kết thúc năm học, cô Thanh quyết định xin nghỉ hẳn ở nhà, tập trung vào tiệm may nho nhỏ, phát huy sở trường bản thân. 

Thời gian đầu khi đưa ra quyết định cô khá khủng hoảng, đồng nghiệp, bạn bè ai cũng nhắn tin hỏi thăm lý do nghỉ việc. Cô không nỡ lòng nói ra sự cay đắng của nghề, chỉ lấy lý do "tuổi đã già, không còn múa hát diễn trò cho trẻ con được nữa, về nghỉ thôi".

Câu chuyện của cô Thanh chỉ là một trong những lý do khiến 9.000 giáo viên nghỉ việc trong năm 2022 vừa qua. Còn vô vàn thầy cô khác chung nỗi niềm lương thấp, áp lực công việc lớn nên họ đành bỏ nghề.

Lương tăng một đồng, mớ rau tăng ba đồng

Ai cũng bảo nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề “chở đò thầm lặng đưa khách sang sông”, là kỹ sư tâm hồn… nhưng nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” ngày ngày bủa vây giáo viên. Gắn bó với nghề 5 năm hay 10 năm thậm chí 20 năm vẫn có người bỏ nghề vì đồng lương, áp lực.

Năm học vừa qua, cả nước có 19.300 giáo viên nghỉ, trong đó 9.295 giáo viên nghỉ việc, còn lại 10.094 thầy cô nghỉ hưu theo chế độ. Như vậy tính bình quân cứ 130 giáo viên thì có một người bỏ việc. Số giáo viên nghỉ việc nhiều tập trung ở các khu đô thị, các khu công nghiệp lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ, Hải Phòng… Những địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội quá khó khăn như Gia Lai, Sơn La cũng có hiện tượng giáo viên nghỉ việc đông hơn so với các địa phương khác.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD&ĐT cho biết, lý do lớn nhất khiến giáo viên bỏ nghề là chính sách tiền lương. Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, thực hiện các chế độ đãi ngộ như phụ cấp nghề nghiệp, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, nhưng thu nhập của nhà giáo nói chung và đặc biệt với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng còn rất thấp.

Hiện lương cơ bản của viên chức tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng, thêm phụ cấp với giáo viên mầm non tăng thêm 10%, giáo viên tiểu học 5%. Thực tế mỗi thầy cô chỉ được tăng thêm vài trăm nghìn đến 1 - 2 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, học tập nâng cao trình độ…) khá cao, "lương tăng được một đồng thì mớ rau, con cá đã tăng ba đồng". Điều này khiến một số giáo viên phải chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập cao hơn để trang trải cuộc sống.

Cần giải pháp đồng bộ của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương để ngăn tình trạng giáo viên nghỉ việc. (Ảnh minh hoạ)

Mặt khác ở các khu đô thị, các khu công nghiệp việc tìm kiếm việc làm mới khá dễ dàng do nhu cầu lao động của các doanh nghiệp. Do đó, lượng giáo viên trong độ tuổi 30 - 35 năm qua quyết định nghỉ việc nhiều.

Ngoài những nỗ lực cải cách tiền lương, trợ cấp cho giáo viên, Cục trưởng Cục Nhà giáo nói, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT cũng đã quyết liệt rà soát bỏ các quy định về hồ sơ, sổ sách không cần thiết cho giáo viên, nhằm giảm bớt áp lực của các công việc ngoài chuyên môn.

Bộ cũng quyết liệt chỉ đạo để chấn chỉnh, hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục và sẽ quyết liệt hơn trong vấn đề này để các cơ sở giáo dục, giáo viên không quá áp lực phải đạt được các thành tích mà điều kiện dạy học còn chưa phù hợp. 

Để giữ chân giáo viên, Bộ GD&ĐT cần sự đồng hành, ủng hộ của các Bộ ngành, địa phương gia tăng chính sách hỗ trợ khác về thu nhập, điều kiện làm việc cho giáo viên. Đồng thời, có chính sách cải thiện điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ, tạo động lực cho cán bộ, giáo viên cống hiến và gắn bó với nghề, chú trọng hỗ trợ và trao quyền cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thông qua các cơ hội phát triển liên tục trong nghề nghiệp.

Bỏ nghề không chỉ vì lương

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn Hải Dương đau xót trước làn sóng nghỉ việc của giáo viên thời gian qua xu hướng tiếp diễn. Năm qua, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhiều lần tổ chức giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri riêng với các giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở địa phương. Các cử tri tâm sự, quyết định bỏ nghề xuất phát từ nhiều lý do chứ không chỉ vì lương thấp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga – đoàn Hải Dương

Giáo viên phản ánh áp lực công việc ngày càng cao khiến họ cảm thấy không thiết tha với nghề. Cùng với việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới thì phần công việc của họ tăng lên rất lớn. Để phục vụ mỗi giờ lên lớp, giáo viên phải đọc rất nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau thay vì một bộ sách như trước kia. Điều này khiến khối lượng công việc của giáo viên tăng thêm nhiều.

Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới thay đổi, giáo viên muốn đáp ứng, theo kịp được thì phải đầu tư nhiều công sức, thời gian việc tìm hiểu, soạn giáo án, tìm phương pháp mới, rất mất thời gian.

Rõ ràng áp lực, khối lượng công việc của các giáo viên hiện tăng gấp 2 -3 lần so với trước đây, song lương vẫn ở mức cũ, nghĩa là ngành giáo dục mới chỉ đổi mới công việc mà chưa đổi mới thù lao. Vì vậy giáo viên nói họ cảm thấy mệt mỏi và dẫn đến quyết định bỏ nghề.

Thêm nữa, hiện nhiều áp lực khác trong mối quan hệ với phía phụ huynh và học sinh. Nhiều thầy cô tâm sự họ thà đi làm công việc lương thấp hơn nhưng đơn giản và không phải chịu nhiều áp lực như nghề giáo viên hiện nay. Đây là hiện tượng rất đáng buồn và đau xót.

"Vấn đề giáo viên bỏ nghề không chỉ riêng nỗi lo của Bộ GD&ĐT, mà cần coi đây là nỗi lo của toàn dân. Rất cần Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương suy nghĩ nghiêm túc và sớm tìm giải pháp đồng bộ khắc phục về vấn đề này", bà Nga trăn trở. Bà hy vọng sẽ giải quyết được sự ngột ngạt trong môi trường giáo dục hiện nay để giáo viên yên tâm gắn bó với nghề, giúp họ cảm thấy thoải mái và yêu nghề.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục từng khẳng định, việc giáo viên ồ ạt nghỉ việc là hiện tượng không bình thường và không phải chỉ là vấn đề của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, mà số lượng nghỉ quá lớn trong bối cảnh đang triển khai đổi mới chương trình phổ thông, cần rất nhiều giáo viên.

Nguyên nhân, theo bà Hoa, có cả lương, áp lực và việc một bộ phận không đủ điều kiện đáp ứng chương trình mới. Do vậy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục đề nghị phân tích kỹ, và cho rằng ngành giáo dục phải tham mưu ngay cho Chính phủ có biện pháp để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên.

Để ngăn giáo viên nghỉ việc và tuyển dụng thêm người dạy vào các vị trí đang còn thiếu, nhiều địa phương mạnh tay chi tiền, đưa ra các quyết sách, đãi ngộ hấp dẫn cho nhà giáo. Hưng Yên dự chi hơn 300 tỷ đồng hỗ trợ giáo viên tiểu học 108 triệu đồng và giáo viên mầm non 162 triệu đồng/người với những người tuyển dụng từ sau ngày 1/8 đến hết tháng 12 năm 2030. 

Phú Thọ cũng quyết định đặc cách tuyển dụng 861 giáo viên mầm non đang dạy hợp đồng trên địa bàn tỉnh vào biên chế chính thức trong năm học 2023 - 2024.

Hà Cường

Tin mới