Có mức lương trung bình 75 triệu đồng/tháng nhưng nhân sự Vietnam Airlines vẫn xin nghỉ hàng loạt.
Phi công, tiếp viên hàng không luôn là ngành có mức thu nhập khủng, trong đó với nhân sự của hãng hàng không Vietnam Airlines cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên mới đây, hàng loạt nhân viên Vietnam Airlines xin nghỉ việc để chuyển sang làm việc tại các hãng hàng không khác. Các nhân viên này bao gồm cả phi công, điều hành khai thác bay và bộ phận bảo dưỡng tàu bay. Lý do được cho là liên quan đến thu nhập của người lao động.
Phi công và tiếp viên của VNA được cho là đã xin nghỉ hàng loạt |
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng phải yêu cầu Vietnam Airlines rà soát, thực hiện chế độ tiền lương để tăng thu nhập cho lực lượng lao động kỹ thuật cao, cùng các chế độ đãi ngộ khác.
Điều này khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, vậy mức lương của nhân viên Vietnam Airlines chính xác là bao nhiêu? Có "bèo" đến mức khiến nhân viên hãng hàng không này lũ lượt xin dứt áo ra đi?
Theo báo cáo tài chính của hãng Vietnam Airlines, mức lương của nhân viên hãng này đều thuộc hạng "khủng". Cụ thể, năm 2013, lương bình quân tháng của một phi công Vietnam Airlines là 74,8 triệu đồng.
Tuy mức này đã giảm 4,5 triệu đồng so với năm 2012, và 6,7 triệu đồng so với năm 2011, nhưng đây vẫn là con số đáng mơ ước với nhiều người.
Bên cạnh đó, ngoài tiền lương hàng tháng, phi công còn có các khoản thu nhập khác như: tiền lưu trú khi phải ở nước ngoài, tiền ăn định lượng…
Với tiếp viên Vietnam Airlines, mức lương bình quân năm 2013 là 18,7 triệu đồng, giảm nhẹ so với con số 19,2 triệu năm 2012. Ngoài phi công và tiếp viên, đội ngũ người lao động của Vietnam Airlines cũng có lương trung bình khoảng 10 - 11triệu/tháng.
Biểu đồ lương tiếp viên hàng không và phi công |
Như vậy, có thể thấy mức lương của đội ngũ phi công nói riêng và nhân viên ngành hàng không nói chung không phải thấp. Tuy vậy, để có được lương "khủng", đội ngũ lao động kỹ thuật này cũng phải đối mặt với không ít rủi ro và áp lực.
Đặc biệt, sau hàng loạt tai nạn máy bay xảy ra trong thời gian vừa qua, ngành nghề này càng được liệt vào hàng nguy hiểm.
Phi công là người giữ vai trò quan trọng trên tất cả các chuyến bay, phải đảm bảo sự an toàn cho hàng khách trong suốt hành trình bay. Chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng đủ dẫn tới hậu quả khôn lường. Trong khi đó, các yếu tố thời tiết, khí hậu… luôn tiềm ẩn những rủi ro buộc người phi công phải thật sự bản lĩnh, nhạy bén.
Cũng như phi công, tiếp viên hàng không là nghề thường xuyên phải di chuyển. Đây cũng là nghề khá vất vả khi phải làm việc xa nhà, không cố định giờ giấc.
Theo Kiến thức