Có ý kiến cho rằng, tăng lương giáo viên 20 triệu/tháng, có lẽ chẳng giáo viên nào dạy thêm hay trả lương giáo viên từ 15 triệu/tháng như trường dân lập, giáo viên sẽ không muốn dạy thêm.
Thật ra giáo viên trường dân lập có muốn dạy thêm học sinh chính khóa cũng không dạy được, nhà trường không cho phép, học sinh được học đầy đủ trong giờ chính khóa rồi, không có nhu cầu học thêm nữa.
Giáo viên công lập dạy thêm có thu nhập cao, chủ yếu dạy học sinh chính khóa. Vì vậy, dù kêu la lương thấp nhưng vẫn “bám trụ” để dạy thêm, chứ mấy ai vì lương thấp mà bỏ nghề.
Dạy thêm thu nhập “khủng”, gấp 5 - 10 lần lương, dù lương 20 triệu/tháng thì giáo viên những môn dạy thêm được như hiện nay cũng khó mà bỏ dạy thêm.
Cơ sở pháp lý nào để tăng lương cho giáo viên công lập lên 20 triệu/tháng? Ngay cả lương của nhiều lãnh đạo chủ chốt ở các đơn vị có khi cũng chỉ khoảng đó, thì sao đòi hỏi lương giáo viên tăng như vậy được.
Như vậy, bài toán về lương để giải đáp ẩn số dạy thêm, học thêm là không thể thực hiện. Vậy tại sao lương thấp nhưng người ta vẫn sẵn sáng bỏ hàng trăm triệu để chạy biên chế giáo viên?
Điều này chỉ lý giải được khi người ta biết vào biên chế sẽ dạy thêm được, thu hồi vốn đầu tư được. Như vậy động cơ vào nghề giáo là vì tiền, dạy thêm vì tiền, sống bằng dạy thêm, không sống bằng lương.
Muốn bỏ dạy thêm, phải bỏ nguồn gốc gây ra nhu cầu học thêm. Nguyên nhân tạo nhu cầu ảo về học thêm, chính là chương trình giáo dục của chúng ta quá nặng; thi cử chúng ta quá hàn lâm, xã hội quá chú trọng bằng cấp.
Giản lược chương trình đảm bảo tính vừa sức; thi cử nhẹ nhàng, chú trọng đánh giá phẩm chất, năng lực; yêu cầu thực tài, xóa bỏ chũ nghĩa bằng cấp.
Muốn có thực tài, có năng lực, có phẩm chất là phải tự học, tự học mới sáng tạo, học thêm chỉ học thuộc, học tủ, học vẹt. Nhu cầu học thêm sẽ giảm dần và biến mất.
Không có nhu cầu học thêm, dạy thêm sẽ biến mất.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.