Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lương cơ sở tăng từ 1/7: Cách nào chặn giá hàng hóa 'tát nước theo mưa'?

(VTC News) -

Trong những lần tăng lương trước, giá cả hàng hóa đều tăng mạnh theo, khiến nhiều người lo lắng tình trạng trên sẽ tái diễn.

Từ 1/7, mức lương cơ sở sẽ được điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%). Chuyên gia kinh tế dự báo giá nhiều hàng hóa có thể "tát nước theo mưa", cơ quan quản lý cần quyết liệt ứng phó.

Nhiều ý kiến lo giá hàng hóa sẽ tăng theo lương cơ sở từ 1/7. (Ảnh minh họa: Công Hiếu)

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, đây là nỗi lo có cơ sở. Thực tế cho thấy, trong nhiều lần tăng lương trước đây, giá cả thị trường đều tăng theo, thậm chí tăng mạnh đến mức nhiều người than rằng tăng lương không đủ để bù tăng giá.

“Thường thì việc tăng giá sẽ diễn ra theo hai giai đoạn. Đầu tiên là tăng nhẹ khi dự luật sắp được thực hiện. Giai đoạn thứ hai là khi việc tăng lương đã được áp dụng một thời gian ngắn, giá cả hàng hóa sẽ tăng rõ rệt hơn, gần như là đồng loạt, thậm chí nếu không ngăn chặn kịp sẽ lập nên mặt bằng giá mới”, ông Thịnh nói.

Trả lời bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng cảnh báo hiện tượng lợi dụng việc tăng lương để tăng giá cả dường như đã là quy luật "bất thành văn", do đó rất cần phải có sự quản lý, kiểm soát từ cơ quan chức năng để niềm vui tăng lương của người dân thêm trọn vẹn.

Tình trạng cứ tăng lương là giá cả lại tăng theo sẽ khiến việc tăng lương gần như chỉ là tăng số tiền trong tài khoản chứ không giúp nâng cao mức sống của người lao động”, bà Nga nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cũng nhận định, nếu tăng lương mà vẫn giữ lạm phát ổn định, giá cả các mặt hàng không tăng thì đó là điều rất tốt. Nhưng nếu tăng lương mà giá cả cũng tăng thì không đem lại lợi ích gì cho người có thu nhập từ lương, trái lại càng gây khó khăn cho những người không có lương và không được tăng lương.

“Do đó, bên cạnh tăng lương, Chính phủ cần thực hiện thật tốt các biện pháp để kiểm soát lạm phát, bảo đảm giá cả các mặt hàng không tăng”, ông Gia nói.

Chặn giá cả tăng theo lương bằng cách nào?

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng vai trò quan trọng nhất thuộc về các cơ quan quản lý giá như Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương). Hai đơn vị này phải quản lý chặt cơ cấu hình thành giá của một số mặt hàng thiết yếu để kiểm soát được giá bán ra thị trường.

Đối với các mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý như xăng dầu, điện nước, dịch vụ y tế, giáo dục…cần có lộ trình tăng giá phù hợp để không tạo cú sốc về giá trên thị trường.

“Chúng ta phài có lộ trình, giãn thời gian tăng giá các loại hàng hóa để bình ổn thị trường. Mức tăng cũng phải hợp lý, không nên quá cao để người dân không chịu nhiều tác động”, ông Thịnh đề xuất.

Chuyên gia nhấn mạnh thêm, cần có những chế tài đủ nghiêm khắc để xử lý các hành vi trục lợi, tăng giá, thổi giá không đúng quy định.

“Chế tài xử lý là việc chúng ta cần phải làm đầu tiên, làm ngay từ bây giờ để kiểm soát việc tăng giá trước và sau khi tăng lương. Phải làm nghiêm để mọi thứ đi vào nền nếp, thị trường không có sự xáo trộn”, ông Thịnh nêu quan điểm.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 12/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo: "Không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý, thành thói quen, làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương. Phải kiểm tra, kiểm soát, giám sát, đặc biệt là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, niêm yết giá tại các chợ truyền thống".

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nắm bắt diễn biến giá cả một số mặt hàng có tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng và kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Còn trong công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá ban hành ngày 23/6 có nhấn mạnh: "Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường; chủ động đánh giá kỹ tác động đến lạm phát; tính toán, chuẩn bị sẵn sàng các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá để xem xét, quyết định khi cần thiết với mức độ, thời điểm phù hợp; tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả; không tăng giá đột ngột hoặc tăng giá dồn vào cùng một thời điểm, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát".

Thành Lâm

Tin mới