Đó là trường hợp của các hộ dân nằm trong diện có đất ở bị thu hồi, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án xây dựng nút giao thông Tây Bắc cầu Tam Giang, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương gồm: Hộ ông Nguyễn Viết Xuyên, ông Đinh Bá Tâm và ông Đào Xuân Dinh.
Số hộ dân này, có đất ở bị thu hồi để xây đường từ 20 năm trước. Theo chính sách của UBND tỉnh Hải Dương, các hộ dân trong diện có đất bị thu hồi, tùy từng trường hợp sẽ được cấp đất tái định cư và được quyền mua thêm một suất đất ở với giá tốt để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt.
Dự án thực hiện xong nhưng nhiều hộ dân vẫn không được mua đất theo chính sách nêu trên. Để giải quyết, ngày 23/11/2007, UBND tỉnh Hải Dương ban hành thông báo số 174/TB-VP công bố ý kiến của ông Lê Hồng Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trong cuộc họp với các Sở, ngành, UBND TP Hải Dương về giao đất tái định cư cho các hộ gia đình bị thu hồi đất để giải phóng mặt bằng (GPMB) xây dựng một số dự án trên địa bàn TP Hải Dương.
Khu vực đất các hộ dân bị di dời để làm nút giao thông nay cây đã cao lớn, um tùm nhưng dân thì vẫn chưa được quyền mua đất.
Trong thông báo này, ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định: “Các hộ ông/bà: Nguyễn Viết Xuyên, Đinh Bá Tâm, Đào Xuân Dinh, Đỗ Thị Nga, Nguyễn Xuân Năm - thống nhất bán cho mỗi hộ gia đình một lô đất tại khu tái định cư theo giá UBND tỉnh quy định”.
Chỉ đạo này của vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh như "đá ném ao bèo" và 2 năm sau, đến tháng 4/2009, các hộ dân tiếp tục làm đơn đề nghị gửi UBND TP Hải Dương yêu cầu giải quyết vấn đề bán đất theo chính sách mà UBND tỉnh đã thông qua.
Dân tiếp tục phải chờ đợi và tới gần 4 năm sau, ngày 4/8/2011, ông Đoàn Việt Hùng, Chủ tịch UBND TP Hải Dương ký văn bản số 605/UBND-GPMB gửi UBND tỉnh Hải Dương, các Sở gồm: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường kiến nghị giải quyết việc bán đất cho một số hộ nêu trên.
Nội dung văn bản này cho thấy, trong số các hộ nêu trên thì UBND tỉnh Hải Dương đã cấp đất cho hộ bà Đỗ Thị Nga. Vị trí lô đất là F1, 2 mặt đường với mức giá là 10.000.000 đồng/m2. Với các hộ còn lại, UBND TP Hải Dương đề nghị UBND tỉnh Hải Dương áp dụng mức giá tương đương với giá áp dụng cho hộ bà Nga nêu trên.
Như vậy, sau khi có chỉ đạo của ông Lê Hồng Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương thì chỉ có một vài hộ được giải quyết, trong đó có hộ bà Đỗ Thị Nga được mua đất với giá 10 triệu đồng/m2.
Tháng 10/2011, UBND tỉnh Hải Dương tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo các Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở TN&MT và UBND TP Hải Dương với nội dung: “Cho phép UBND TP Hải Dương căn cứ vào quỹ đất hiện có để giao thêm cho các hộ gia đình ông Nguyễn Viết Xuyên, Đinh Bá Tâm, Đào Xuân Dinh, mỗi hộ thêm 01 lô đất.
Giá thu tiền sử dụng đất thực hiện theo cơ chế sát giá thị trường tại thời điểm giao đất. UBND TP Hải Dương được giao phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện theo đúng quy định. Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành liên quan hướng, dẫn kiểm tra và giám sát việc thực hiện”.
Cũng trong tháng 10/2011, Ban giải phóng mặt bằng TP Hải Dương ban hành báo cáo kết quả khảo sát giá chuyển nhượng đất ở trên thị trường, đề xuất đơn giá thu tiền sử dụng đất đối với các trường hợp được UBND tỉnh xét duyệt cho mua đất ở tại khu tái định cư Đông Ngô Quyền (giai đoạn 2).
Kết quả, Ban giải phóng mặt bằng TP Hải Dương trình UBND tỉnh, các Sở, ngành thẩm định, xét duyệt là từ 30-40 triệu đồng/m2. Mức này cao gấp từ 3-4 lần so với mức giá 10 triệu đồng mà UBND tỉnh áp dụng cho hộ bà Nga. Các hộ dân nêu trên không đồng tình với mức giá này và không thực hiện quyền mua đất tại các vị trí được giới thiệu.
Sau đó, ngày 21/8/2012, UBND tỉnh Hải Dương đã ra quyết định phê duyệt đơn giá thu tiền sử dụng đất đối với các hộ ông Nguyễn Viết Xuyên, Đinh Bá Tâm, Đào Xuân Dinh là 40 triệu đồng/m2. Các hộ dân phẫn nộ với mức giá cao ngất ngưởng nêu trên.
Tại sao cùng một nhóm cư dân nằm trong thông báo giải quyết của UBND tỉnh Hải Dương năm 2007 nhưng hộ bà Nga lại nhanh chóng được giải quyết và áp mức giá rất hời và 3 hộ dân còn lại thì chỉ sau mấy năm chậm trễ của chính quyền đã phải chịu mức giá cao gấp 4 lần?