Hoàn thành tuyển sinh vào ngày 31/12
TS Nguyễn Thị Kim Phụng (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đã có kế hoạch điều chỉnh khung thời gian kết thúc năm học và chuyển thời gian diễn ra kỳ thi THPT sang cuối tháng 7. Với việc điều chỉnh này, các mốc thời gian trong tuyển sinh năm 2020 sẽ thay đổi tịnh tiến theo khung kế hoạch đề ra.
Theo đó, với lịch thí sinh đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng, các mốc thời gian khác quy định trong xét tuyển đợt 1 và kết quả thi dự kiến cũng sẽ lùi lại với thời gian tương ứng.
Như vậy, nếu lịch thi THPT quốc gia lùi đến cuối tháng 7 như dự kiến thì khoảng cuối tháng 9 sẽ kết thúc xét tuyển đợt 1 từ kết quả thi. Thời điểm kết thúc tuyển sinh của năm 2020 dự kiến sẽ thực hiện như các năm trước, kết thúc vào 31/12/2020.
Bộ GD&ĐT lùi thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020.
Tuy nhiên, theo bà Phụng, như các năm trước, số trường tuyển sinh các đợt bổ sung không nhiều, hầu hết sẽ kết thúc trong khoảng tháng 10 hàng năm. Do đó, kế hoạch tuyển sinh vẫn có thể kết thúc vào tháng 12 mà không ảnh hưởng đến kết quả của các trường.
Việc nghỉ học để phòng chống dịch trong thời gian qua và việc lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia chắc chắn sẽ làm thay đổi kế hoạch học tập và tuyển sinh chính quy năm 2020, nhưng không phải là sự xáo trộn lớn, các trường vẫn chủ động trong phương án tuyển sinh.
Bên cạnh đó, Luật Giáo dục Đại học giao quyền tự chủ cho các trường tự quyết định phương thức tổ chức và quản lý đào tạo đối với các trình độ, hình thức đào tạo; chủ động trong việc xây dựng, thực hiện, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy trong kỳ học, năm học...
“Bộ GD&ĐT chỉ ban hành khung kế hoạch tuyển sinh năm 2020 áp dụng chungvới các trường tuyển sinh đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia 2020. Còn kế hoạch tuyển sinh chi tiết sẽ do từng trường quyết định, xây dựng và ban hành”, bà Phụng nhấn mạnh.
Các trường chủ động, tự điều chỉnh phương án tuyển sinh
TS Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng đào tạo đại học và sau đại học, Đại học Thủy Lợi cho biết, lịch tuyển sinh các trường trong cả nước sẽ phải lùi lại tương ứng với lịch thi THPT quốc gia. Đây là lùi chung cho cả hệ thống giáo dục, không phải riêng với một trường hay địa phương. Do đó, giữa các trường vẫn đảm bảo tính chủ động và thống nhất.
Tuy nhiên, đó là khung của Bộ GD&ĐT để đảm bảo thống nhất trong cả nước, các trường hoàn toàn linh hoạt có thể đẩy nhanh hơn lịch này bằng cách rút ngắn thời gian cho từng giai đoạn, công tác tuyển sinh được thúc đẩy nhanh hơn, sẽ sớm kết thúc thời gian tuyển sinh, TS Thạc cho hay.
Các trường đại học chủ động điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh theo khung thời gian của Bộ GD&ĐT ban hành.
Tương tự, theo TS Nguyễn Hoàn, phụ trách công tác tuyển sinh, Đại học Tài nguyên và Môi trường, đến thời điểm này cơ bản các trường đã chốt và công bố phương án tuyển sinh năm nay. Khi Bộ GD&ĐT lùi thời gian diễn ra kỳ thi THPT quốc gia vào cuối tháng 7/2020 (lùi 1 tháng so với ban đầu) thì các trường sẽ phải có kế hoạch tương ứng.
Tuy nhiên việc thay đổi này không ảnh hưởng đến tiến độ của trường đã đề ra trước, cứ thế tịnh tiến các mốc thời gian một cách cơ học, hoàn toàn không gây ra nhiều xáo trộn.
TS Hoàn chia sẻ, như các năm trước đây, thường trong tháng 8 các trường sẽ kết thúc xét tuyển đợt 1 và tháng 10 sẽ hoàn thành việc tuyển sinh đủ chỉ tiêu, chuẩn bị đón sinh viên nhập trường. Năm nay, kỳ thi lùi 1 tháng, đồng nghĩa việc xét tuyển mỗi đợt cũng sẽ muộn hơn 1 tháng.
“Cùng lắm đến cuối tháng 11 sẽ kết thúc tuyển sinh, không để kéo dài đến tháng 12 như dự kiến; vì còn nhiều nhiệm vụ đầu năm học như giáo dục chính trị, giáo dục quốc phòng sinh viên cần hoàn thiện”, TS Hoàn cho hay.
Theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng, sau khi Bộ công bố lịch thi THPT quốc gia năm 2020, các trường sẽ tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh cho phù hợp, tăng cường biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn khi sinh viên nhập học trở lại…
Các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện, huy động toàn trường vào việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo môi trường an toàn; tuyên truyền để người học và cán bộ, giảng viên không hoang mang, tích cực tham gia chống dịch; đảm bảo chất lượng cho các hoạt động của toàn trường.
Ngoài ra, TS Phụng cũng đề nghị các trường cần tính toán thật kỹ các mốc thời gian khi xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch năm học vì không còn thời gian dự phòng.
Thực hiện đầy đủ kế hoạch năm học, đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo và kết thúc năm học phù hợp với lịch thi THPT quốc gia mới được công bố, để bố trí đủ nhân lực tham gia vào kỳ thi.
Ngoài ra, các trường cần đầu tư, tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử, bài giảng trực tuyến… Yêu cầu, hướng dẫn, rèn luyện cách tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên để có thể khai thác, sử dụng hiệu quả tài liệu điện tử, đảm bảo chương trình, chất lượng đào tạo trong và sau thời gian phòng chống dịch bệnh…, vị này cho biết thêm.
Video: Học sinh, sinh viên học trực tuyến trong thời gian nghỉ do dịch virus Covid-19.