Nội dung được Bộ Công Thương đưa ra trong báo cáo gửi Quốc hội về kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết về hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Bộ Công Thương xin lùi thời gian sửa biểu giá bán lẻ điện vì COVID-19.
Theo đó, Bộ Công Thương cho biết, trên cơ sở báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) về đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ xây dựng các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện và đã có công văn lấy ý kiến các cơ quan, bộ ngành, Ủy ban của Quốc hội, UBND và đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố và các tổ chức, hiệp hội.
Đến hết ngày 26/3/2020, Bộ Công Thương nhận được 130/154 ý kiến góp ý của các cơ quan đơn vị.
Tuy nhiên, ngày 31/3, Bộ Công Thương có báo cáo gửi Thủ tướng cho phép lùi thời gian báo cáo phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt trong thời điểm hiện nay khi Chính phủ, các bộ ngành đang tập trung các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách ứng phó với dịch COVID-19.
“Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, Bộ Công Thương sẽ báo cáo phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt để tổng hợp vào dự thảo quyết định của Thủ tướng quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng”, Bộ Công Thương cho biết.
Bộ Công Thương trước đó đưa ra dự thảo lấy ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thay thế quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, để trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Theo đó, Bộ Công Thương đưa 5 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm 1, 3, 4 và 5 bậc.
Phương án cuối cùng là chia giá điện theo 5 bậc thang. Ở phương án này, cơ quan soạn thảo đưa ra hai kịch bản.
Kịch bản 1, giá điện sinh hoạt bao gồm 5 bậc thang; trong đó giá điện bậc 1 (cho 0-100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành; bậc 2 từ 101 - 200 kWh; bậc 3 từ 201 - 400 kWh; bậc 4 từ 401 - 700 kWh; bậc 5 từ 701 kWh trở lên.
Theo tính toán, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 701 kWh/tháng trở lên (khoảng 0,5 triệu hộ, chiếm 1,8% tổng số hộ) phải trả tăng thêm 29.000 đồng/hộ/tháng.
Đối với kịch bản thứ hai, giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi: Gộp bậc 1 và bậc 2 với giá điện giữ nguyên theo bậc 1 nhằm đảm bảo ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi; phần doanh thu thiếu được bù vào bậc trên 700 kWh; giá điện của bậc 201 - 400 kWh được gộp theo giá bình quân của bậc 4 (201 - 300 kWh) và bậc 5 (từ 301 - 400 kWh) của giá điện cũ.
Trong đó, Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án giá điện 5 bậc thang theo kịch bản 1.