Theo Luật sư Lê Văn Thiệp, Văn phòng luật sư Toàn cầu, Đoàn luật sư TP Hà Nội: Việc Cục Kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp chỉ ra những nội dung trái luật trong Thông tư 06 là hoàn toàn chính xác và cần thiết để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của văn bản quy phạm pháp luật; Đảm bảo tính khả thi đối với quy định mà các chủ thể quản lý nhà nước ban hành.
Luật sư Thiệp phân tích: Quy định các tổ chức tín dụng (TCTD) phải có biện pháp phong tỏa vốn vay tại Thông tư số 06/2023/TT- NHNN là không đúng quy định của pháp luật bởi lẽ bản chất của hợp đồng tín dụng là hợp đồng song vụ, quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Mục đích của giao dịch vay tài sản chính là bên vay được toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản vay sau khi đã thực hiện các điều kiện cần thiết để được vay tài sản.
Theo quy định tại khoản 2 điều 3 Bộ luật Dân sự hiện hành, các bên có quyền tự thỏa thuận nhưng không trái pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Về nguyên tắc thì các TCTD có thể đề nghị, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc phong tỏa trong những trường hợp luật định.
Việc NHNN yêu cầu biện pháp phong toả số tiền giải ngân vốn cho vay tại TCTD cho vay để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là không phù hợp với pháp luật. (Ảnh minh họa: CafeF)
"Việc phong tỏa tài sản vay theo hợp đồng tín dụng sẽ cản trở bên vay thực hiện các quyền của mình theo quy định của pháp luật và mục đích của giao dịch dân sự không đạt được. Sau khi hợp đồng tín dụng có hiệu lực và bên cho vay đã giải ngân cho bên vay theo hợp đồng thì đây chính là thời điểm bàn giao quyền sở hữu tài sản cho bên vay.
Bên cho vay đương nhiên phải thẩm định kế hoạch sử dụng vốn vay và bên vay phải thực hiện các biện pháp bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định và như vậy việc quy định các TCTD phải có biện pháp là không phù hợp trên thực tiễn", Luật sư Thiệp cho biết.
Mặt khác, theo quy định hiện hành thì chủ thể ban hành Thông tư không được phép quy định những nội dung cần điều chỉnh pháp luật trái với văn bản quy phạm pháp luật có giá trị cao hơn là Nghị định 21/2021/NĐ-CP và Bộ luật Dân sự.
Cũng phân tích về vấn đề này, luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty luật My Way chỉ rõ: Theo quy định tại điểm c, khoản 6, Điều 1 của Thông tư 06/2023/TT-NHNN ghi nhận: “Trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, phải có biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay theo quy định của pháp luật, thỏa thuận của các bên tại thỏa thuận cho vay cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm”, điều này không phù hợp quy định của pháp luật hiện hành.
Theo quy định tại Mục 3 Bộ Luật Dân Sự 2015 về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự ghi nhận 9 biện pháp bảo đảm, bao gồm: Cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp, cầm giữ tài sản. Trong các biện pháp bảo đảm nêu trên, chỉ có biện pháp bảo đảm Ký quỹ ghi nhận được phép phong tỏa tài sản tại khoản 1 Điều 330 Bộ Luật Dân sự 2015 “Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ”, hoàn toàn không có quy định về việc “phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay” như quy định của c, khoản 6, Điều 1 của Thông tư 06/2023/TT-NHNN.
Theo đó, quy định “phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay” không phù với các biện pháp bảo đảm của Bộ Luật Dân sự 2015.
Không chỉ trái với quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, quy định này cũng không phù hợp với quy định về việc phong tỏa tài khoản nêu tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về các trường hợp phong tỏa tài khoản.
Tại quy định này, chỉ ghi nhận 0 trường hợp phong tỏa tài khoản: (i) Khi có quyết định hoặc yêu cầu của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; (ii) Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền; (iii) Khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung, rõ ràng, Thông tư số 06/2023/NĐ-CP là văn bản có hiệu lực pháp lý thấp hơn Nghị định 101/2012/NĐ-CP nên không thể bổ sung thêm trường hợp phong tỏa được.
Tác động xấu đến doanh nghiệp
Không phủ nhận quy định tại điểm c, khoản 6, Điều 1 của Thông tư 06/2023/TT-NHNN có ý nghĩa trong việc đảm bảo nguồn vốn của các Tổ chức tín dụng, kiểm soát rủi ro và nâng cao chất lượng tín dụng nhưng Luật sư Lê Văn Hồi vẫn cho rằng quy định này sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quyền của chủ sở hữu (bên nhận thanh toán từ tiền vốn vay để đảm bảo nghĩa vụ).
Từ đó khiến cho dòng vốn của chủ sở hữu chậm được đưa vào lưu thông.
“Ví dụ điển hình nhất, nếu như người vay tiền để đặt cọc mua bất động sản hình thành trong tương lai, chủ đầu tư dự án bất động sản sẽ không thể được sử dụng số tiền đặt cọc (từ tiền vay) của khách hàng mà sẽ bị phong tỏa theo quy định tại điểm c, khoản 6, Điều 1 của Thông tư 06/2023/TT-NHNN”, ông Hồi dẫn chứng.
Trong khi đó, Luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng việc quy định không phù hợp thực tế có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như ảnh hưởng đối với nền kinh tế.
Nội dung trái luật của Thông tư 06 có thể tác động xấu đến doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: Công Hiếu).
Việc quy định như vậy sẽ gây khó cho các TCTD trong việc cho vay, thực hiện các hoạt động tín dụng và khiến doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn của các TCTD.
“Đối với doanh nghiệp và nhiều chủ thể khác thì nguồn vốn từ các TCTD là nguồn lực cơ bản, quan trọng. Nếu không được tiếp cận nguồn lực này sẽ dẫn đến đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như cản trở sự phát triển kinh tế xã hội”, ông Thiệp nhận định.
Hoạt động chủ yếu của các TCTD là đi vay để cho vay nên khi không cho vay được thì toàn bộ hệ thống các TCTD sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm suy yếu hệ thống ngân hàng và có những hệ lụy khác không thể lường trước được.
Tương tự, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SB Law cho rằng: Thông tư 06/2023/TT-NHNN có những điểm không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định 101/2012/NĐ-CP dẫn đến những hạn chế, thiệt hại tới các doanh nghiệp.
Thứ nhất, bất cập này gây hạn chế quyền lựa chọn biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ dân sự của doanh nghiệp.
Thứ hai, tăng chi phí của doanh nghiệp. Việc cho vay để góp vốn không phải là "trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ" để phải phong tỏa tiền vay. Nếu hiểu theo cách doanh nghiệp vay tiền nhưng lại không được dùng tiền thì bên nhận góp vốn khó có thể triển khai được dự án và hoàn thành nghĩa vụ với bên góp vốn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải có tài sản bảo đảm gấp đôi (để ngân hàng cho vay và để ngân hàng giải tỏa số tiền đã giải ngân) cho cùng một khoản vay. Quy định này là vô lý, gây lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp.
Thứ ba, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Doanh nghiệp vay vốn thường là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Việc bị phong tỏa số tiền giải ngân vốn vay sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc sử dụng vốn vay để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và phát triển của doanh nghiệp.
Ngoài ra, biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc sử dụng vốn vay để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và phát triển của doanh nghiệp. Việc này cũng có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ khác, từ đó có thể dẫn đến rủi ro phá sản cho doanh nghiệp.
Trước đó, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) có kết luận kiểm tra Thông tư 06 ngày 28/6/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Trong văn bản kết luận, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) nêu rõ: Tại điểm c khoản 6 Điều 1 Thông tư 06, NHNN yêu cầu tổ chức tín dụng (TCTD) "phải có biện pháp phong toả số tiền giải ngân vốn cho vay tại TCTD cho vay theo quy định của pháp luật, thoả thuận của các bên tại thoả thuận cho vay cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm".
Tuy nhiên, pháp luật về biện pháp bảo đảm (theo Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP) chỉ quy định việc gửi tiền vào tài khoản phong toả tại một TCTD để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp ký quỹ, không có biện pháp phong toả số tiền giải ngân vốn cho vay tại TCTD cho vay như quy định nêu trên của Thông tư 06.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 101 năm 2012 của Chính phủ, về thanh toán không dùng tiền mặt thì tài khoản thanh toán bị phong toả một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản trong 3 trường hợp: Khi không có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền. Số tiền bị phong toả trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót; Khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.
Như vậy, việc NHNN quy định biện pháp phong toả số tiền giải ngân vốn cho vay tại TCTD cho vay để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định 101/2012/NĐ-CP, cũng như hạn chế quyền lựa chọn biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ dân sự giữa các bên liên quan.
Từ đó, cơ quan này kiến nghị NHNN khẩn trương xử lý các nội dung trái luật trên.