Video: Thành lập phố đèn đỏ: Cấm hay không đều có bất cập
Câu chuyện coi mại dâm là một ngành nghề hợp pháp mới đây lại được khơi ra tranh luận sôi nổi tại Hội thảo “về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm” do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, phối hợp với tổ chức Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức.
Nhiều người ủng hộ cho rằng chỉ khi công nhận mại dâm là một nghề hợp pháp thì Việt Nam mới có thể quản lý tốt.
Nhưng cũng không ít người phản đối cho rằng nếu công nhận mại dâm là một nghề sẽ làm phức tạp xã hội, trái với văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục…
Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng việc hợp pháp hóa mại dâm không thể giúp kiểm soát được mại dâm mà còn gia tăng nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em, nô lệ tình dục.
Trả lời PV VTC News về vấn đề này, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, nếu mại dâm được hợp pháp hóa chỉ làm phức tạp thêm lĩnh vực nhạy cảm này.
“Theo các số liệu thống kê và các kết quả nghiên cứu tiến hành bởi Liên hợp quốc cũng cho thấy hợp pháp hóa mại dâm, không những không quản lý tốt hơn mà chỉ làm hoạt động này càng trở nên phức tạp. Đầu tiên sẽ gia tăng nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em, thúc đẩy buôn bán nô lệ tình dục”, luật sư Tú nói.
Theo luật sư Tú, để hợp thức hóa mại dâm thì việc sửa các điều luật hay bỏ các điều luật trong Bộ luật Hình sự về các tội danh liên quan đến mại dâm không khó.
Tuy nhiên, dư luận hiện nay đang có hai luồng quan điểm ủng hộ hợp pháp hóa mại dâm và không đồng ý hợp pháp hóa mại dâm.
Còn về phần mình, luật sư Tú khẳng định, hợp pháp hóa mại dâm không thể giúp kiểm soát được mại dâm mà chỉ khiến mại dâm lan tràn thêm.
"Tiền thuế mà Nhà nước thu được rất ít, trong khi chi phí bỏ ra để duy trì hệ thống “phố đèn đỏ” và y tế cho gái bán dâm, cũng như truy quét các loại tội phạm như ma túy, trộm cướp, cờ bạc... lại rất lớn” – luật sư Tú phân tích.
Cũng theo luật sư Tú, việc hợp thức hóa mại dâm sẽ làm gia tăng nạn “mại dâm chui, gái đứng đường” không giấy phép do gái bán dâm không muốn phải nộp thuế và bị quản lý, kéo theo đó là bạo lực đường phố và làm giả giấy phép.
Việc này sẽ dẫn đến việc tồn tại song song “mại dâm hợp pháp” và “mại dâm bất hợp pháp” khiến việc quản lý càng rắc rối hơn vì khó có thể xác minh gái mại dâm có hay không có giấy phép hành nghề, giấy phép đó là thật hay giả.
“Với quan điểm của một luật sư, tôi không đồng ý hợp pháp hóa mại dâm. Theo tôi, thực tế xã hội Việt Nam hiện nay, nếu hợp pháp hóa mại dâm, sẽ không khiến việc quản lý được tốt hơn, mà chỉ làm phức tạp thêm những “vấn nạn” của hoạt động mại dâm”, luật sư Tú nêu quan điểm.
Luật sư Tú cũng cho rằng: "Một số người đang có những hiểu lầm dẫn đến ngộ nhận cho rằng hợp pháp hóa mại dâm là đúng đắn và cần thiết để quản lý và bảo vệ phụ nữ, ngăn ngừa tệ nạn xã hội.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, tôi cho rằng hợp pháp hóa mại dâm không vì sự phát triển của phụ nữ nói chung bởi việc này có khả năng khiến những em gái đang ở tuổi đến trường (nhận thức chưa đầy đủ), đặc biệt là các em gái thuộc các gia đình có kinh tế khó khăn, sớm xa rời sách vở, học hành… để lựa chọn “nghề nghiệp” này".
Bên cạnh đó, luật sư Tú lo ngại, hợp pháp hóa mại dâm, cũng làm gia tăng tệ nạn buôn bán phụ nữ trẻ em.
"Một bé gái bị bắt cóc, đánh đập và bắt tiếp khách, rồi khống chế bắt viết đơn gia nhập đường dây “hành nghề” của chúng. Khi gia đình tìm được thì, bé gái đã ở “nhà thổ”, thì các đối tượng “quản lý” đưa ra giấy cam kết tự nguyện gia nhập đường dây “hành nghề” (mà cháu bé bị ép viết). Lúc này pháp luật cũng sẽ… bó tay. Thế nên, đừng nghĩ rằng hợp pháp hóa mại dâm lại có thể bảo vệ tốt hơn cho phụ nữ", ông Tú nói.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, vấn đề “hợp pháp hóa mại dâm” nếu chỉ đặt mình ở vị trí của người mua dâm, thì bản chất sự “ủng hộ” đó là ích kỷ - vì nhu cầu bản thân, chứ không vì lợi ích chung và sự phát triển của xã hội.
Video: Đề xuất mở phố đèn đỏ ở Việt Nam, cả nước có hơn 11.000 người hành nghề mại dâm