Do ảnh hưởng của COVID-19 nên nhiều người chuyển từ mua sắm trực tiếp sang online những ngày gần Tết. Đây cũng là thời điểm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng hoành hành.
Theo BIDV, thời gian gần đây, xuất hiện nhiều hình thức mạo danh tin nhắn của ngân hàng để lừa khách hàng bấm vào các đường link trong tin nhắn, từ đó đánh cắp các thông tin ngân hàng điện tử nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Ngân hàng cảnh báo tin nhắn giả mạo, lừa đảo khách hàng dịp Tết Nguyên đán. (Ảnh minh họa)
Để đảm bảo an toàn tài sản cho khách hàng, tránh bị các đối tượng xấu lừa đảo, BIDV lưu ý khách hàng đăng ký nhận thông báo biến động số dư tài khoản qua tin nhắn SMS hoặc tin nhắn OTT do ngân hàng cung cấp để kịp thời cập nhật các thông tin thay đổi của tài khoản.
Ngân hàng BIDV cũng khuyến cáo khách hàng đặt mật khẩu dịch vụ ngân hàng điện tử khó đoán, có tính bảo mật cao, thay đổi mật khẩu thường xuyên hoặc khi cảm thấy nghi ngờ; không sử dụng các phần mềm lưu trữ mật khẩu, không dùng chung một mật khẩu để đăng nhập ngân hàng điện tử và đăng nhập vào các mạng xã hội.
Cũng theo BIDV, khách hàng tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập/mật khẩu đăng nhập/mã xác thực OTP của dịch vụ ngân hàng điện tử cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. BIDV cũng khẳng định không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật của khách hàng dưới bất kỳ hình thức nào.
Cùng với đó, khách hàng cần đăng ký sử dụng phương thức xác thực Smart OTP khi thực hiện các giao dịch trực tuyến; tuyệt đối không bấm vào các đường link lạ được gửi qua tin nhắn/email/kênh mạng xã hội mạo danh BIDV.
Khách hàng chỉ nhận thông tin qua các kênh thông tin chính thức của BIDV bao gồm tin nhắn SMS hiển thị tên thương hiệu BIDV và nội dung từ nguồn chính thức BIDV.
Tương tự, ngân hàng Vietinbank gửi thông báo đến ứng dụng Vietinbank iPay về hình thức lừa đảo mới này và khuyên người dùng muốn tìm hiểu thông tin ngân hàng chỉ nên đăng nhập vào website duy nhất tại địa chỉ htpp://www.vietinbank.vn và ứng dụng VietinBank iPay Mobile tại Appstore/Google Play/CH Play; không đăng nhập hay giao dịch trên trang web hoặc email lạ; không cung cấp tên truy cập, mật khẩu, mã OTP hoặc trên các link từ các tin nhắn SMS giả mạo ngân hàng.
Trước đó, Vietcombank khuyến cáo hình thức mạo danh tin nhắn của ngân hàng để lừa khách hàng bấm vào đường link trong tin nhắn. Từ đó đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
ACB cũng cảnh báo đang có các SMS mạo danh ngân hàng này gửi đến khách hàng nhằm mục đích lừa đảo. "Các yêu cầu cung cấp thông tin hoặc số OTP hoặc mời bấm link đều là giả mạo. Đề nghị quý khách cảnh giác và chỉ giao dịch với ACB qua các kênh chính thức: ứng dụng ACB, website online.acb.com.vn", ngân hàng ACB thông báo.
Trong khi đó, Sacombank khẳng định ngân hàng này chỉ có duy nhất website ngân hàng điện tử tại địa chỉ isacombank.com.vn. Các website khác như sacombank.net.vn, iisacombank.com, e-sacombank.com... đều là giả mạo.
Ngân hàng Techcombank cảnh báo khách hàng tuyệt đối cảnh giác và luôn xác minh mọi tin nhắn hay các cuộc điện thoại thông báo trúng thưởng được gửi tới điện thoại của khách hàng. Theo đó, các thông tin bảo mật của tài khoản bao gồm: số CMND, số điện thoại, địa chỉ email, mật khẩu đăng nhập, mã SmartOTP, số thẻ... chỉ sử dụng để thực hiện giao dịch tại trang web chính thức của Techcombank và trên ứng dụng F@st Mobile của Techcombank; tuyệt đối không cung cấp cho bất cứ ai khi được yêu cầu hoặc cung cấp tới các trang web giả mạo.