Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lựa chọn cán bộ: 'Ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu'

(VTC News) -

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nêu quan điểm về việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong lựa chọn cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng công tác cán bộ. Người từng khẳng định “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, vai trò của người cán bộ phải được đặt ở vị trí tiên phong.

Có thể khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và sức sống thực tiễn. Việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong lựa chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo là yêu cầu tất yếu đối với Đảng trong điều kiện hiện nay.

VTC News có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về vấn đề này.

 PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng. (Ảnh: Báo Tổ quốc)

- Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng công tác cán bộ và luôn đặt nó lên vị trí hàng đầu trong xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, thưa ông?

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “cán bộ là gốc của mọi công việc”, mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Cán bộ tốt thì mang lại thành công cho cách mạng, cán bộ kém thì dẫn tới khó khăn, thậm chí thất bại. Vì thế phải hết sức chăm lo cho công tác cán bộ, công tác gốc.

Bác Hồ còn rất nhấn mạnh công tác huấn luyện cán bộ. Cán bộ phải từ huấn luyện và đào tạo chứ không phải tự nhiên ngồi đợi mà có. Huấn luyện ở đây bao gồm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách có hệ thống, thường xuyên được trang bị và được đào tạo bài bản. 

Có thể thấy, ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng những năm 1920, Bác đã chăm lo huấn luyện cán bộ. Những lớp huấn luyện ở Quảng Châu (Trung Quốc) đào tạo tới 75 cán bộ, những cán bộ ấy sau này đều trở thành đội ngũ lãnh đạo nòng cốt của Đảng, Nhà nước.

Hay trước khi trở về nước năm 1940 ở biên giới Việt – Trung, Bác đã cho mở các lớp huấn luyện cán bộ trong nước, khi về Cao Bằng rồi, Bác tiếp tục lo việc huấn luyện cán bộ để chuẩn bị cho cách mạng giải phóng dân tộc. 

Rồi sau khi giành được chính quyền, Bác Hồ cũng rất chăm lo việc đào tạo cán bộ trong điều kiện Đảng cầm quyền. Sau năm 1945 liên tiếp các lớp mang tên Trần Phú, Nguyễn Ái Quốc được mở để đào tạo cán bộ, rồi đến năm 1949 chính thức trường Đảng Nguyễn Ái Quốc được mở và đào tạo thường xuyên. 

Thứ ba, công tác cán bộ gắn với xây dựng Đảng, vì nó là một bộ phận rất quan trọng trong xây dựng Đảng, xuất phát từ mục tiêu lý tưởng của Đảng.

Mục tiêu, lý tưởng của Đảng là làm cho đất nước được độc lập, người dân được hạnh phúc, vì thế nó cũng quyết định đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo lý tưởng ấy. Người cán bộ phải phấn đấu theo lý tưởng của Đảng, phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Bác Hồ thường nhắc “cán bộ cách mạng phải dĩ công vi thượng” tức là đặt lợi ích, công việc công lên trên hết và phải coi vào Đảng là để làm cho đất nước được độc lập, người dân được sung sướng, tự do chứ không phải Đảng là nơi để làm quan phát tài, Bác luôn luôn nhấn mạnh điều đó.

- Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò của người cán bộ được thể hiện như thế nào, thưa ông?

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định cán bộ, đảng viên, công chức trong điều kiện cầm quyền phải là công bộc của dân, phục vụ dân chứ không phải cai trị dân. 

Đó là bản chất tốt đẹp của nhà nước cách mạng. “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, mục tiêu của cán bộ là như thế.

o_phuc_kdne.jpg

Phải ghi nhớ câu của Bác Hồ: Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu.

PGS Nguyễn Trọng Phúc

Bác nói cán bộ cách mạng là đầy tớ của dân, là phục vụ nhân dân chứ không phải làm quan cách mạng.

Trong buổi tiếp xúc cử tri chiều 5/1/1946 (tức 1 ngày trước bầu cử Quốc hội), khi tiếp xúc cử tri ở Hà Nội, Bác có nói “công việc nước đòi hỏi phải phấn đấu hy sinh và đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, còn những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”.

Điều này là rất có ý nghĩa khi bây giờ ta đang chuẩn bị bầu các cơ quan lãnh đạo của cấp uỷ, Trung ương và sang năm bầu Quốc hội phải ghi nhớ câu của Bác “những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu'”.

Bây giờ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói những người chạy chức chạy quyền, tham vọng quyền lực, cơ hội chính trị, tham nhũng thì phải kiên quyết không được để lọt vào các cơ quan lãnh đạo, nhất là Trung ương khoá tới.

- Việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ trong thời điểm hiện tại được thể hiện thế nào, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng, thưa ông?

Thứ nhất, phải đánh giá đúng vai trò của công tác cán bộ. Nếu coi xây dựng Đảng là then chốt thì phải coi công tác cán bộ là then chốt của then chốt.

Những Nghị quyết gần đây của Trung ương đã nêu vấn đề phải chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là Nghị quyết Trung ương 7, Khoá XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược.

Vừa rồi Hội nghị Trung ương 12 đã bàn về nhân sự, việc lựa chọn người để vào Trung ương khóa XIII, việc này chính là vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh coi cán bộ là gốc và thậm chí còn nhấn mạnh đó là then chốt của then chốt, đó là biểu hiện của việc vận dụng rất rõ mà bây giờ Đảng phải tập trung.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nói rất nhiều lần về công tác cán bộ. Như Hội nghị Trung ương 12 vừa rồi, Tổng Bí thư đã nói, phải xây dựng Ban Chấp hành Trung ương thực sự là hạt nhân lãnh đạo, là trung tâm đoàn kết, có bản lĩnh có trí tuệ, đạo đức theo đúng yêu cầu về xây dựng Đảng như Hội nghị Trung ương 4 đã nêu.

Đây chính là vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ.

Video: Chuyện kể xúc động lần gặp Bác Hồ năm 1969 của nữ NSND Kim Liên

Điểm thứ 2 cần lưu ý vận dụng về công tác cán bộ trong tư tưởng Hồ Chí Minh đó là luôn phải chú trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ.

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ như Bác đã nói là có 2 cách. Thứ nhất, là đào tạo qua trường lớp. Cán bộ phải được học hành bài bản, bồi dưỡng tại các trường Đảng (như Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Vừa rồi chúng ta cũng mở nhiều lớp để bồi dưỡng cho các đồng chí chuẩn bị vào Trung ương khoá XIII. 

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ phải là công việc gốc của Đảng, chứ không phải ngồi đợi tự nhiên mà có cán bộ giỏi được, phải trang bị cho cán bộ kiến thức để nâng cao trình độ, năng lực và phải giáo dục phẩm chất đạo đức.

Hiện nay ta đang giáo dục học tập tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì toàn Đảng phải học, từ đồng chí cao nhất cho đến đảng viên bình thường đều phải học.

Và phải huấn luyện cán bộ từ thực tiễn hoạt động chứ không phải chỉ qua trường lớp. Chính thực tiễn hoạt động cách mạng mà bây giờ lãnh đạo đổi mới rèn giũa để tìm được những người cán bộ có trình độ, đáp ứng đòi hỏi.

Tôi ví dụ như việc chống COVID-19 vừa rồi, có thể coi cũng như một “trường học”. Tuy sự việc là rủi ro nhưng đó là thử thách, để hiểu được đâu là cán bộ giỏi, tận tâm vì dân vì nước, có trách nhiệm. Đây cũng là dịp bộc lộ những khả năng của cán bộ.

Nhiều đồng chí rất giỏi, trình độ, năng lực tổ chức có thể ngăn chặn đẩy lùi được COVID-19.

Hay thực tiễn xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở ta 30 năm nay đã rèn luyện nên những người cán bộ giỏi, từ những cán bộ lãnh đạo nhà nước đến các cán bộ quản lý kinh tế, cán bộ khoa học giỏi.

Ở đây, vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nghĩa là phải hết sức chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, huấn luyện cán bộ, và đào tạo phải qua cả trường lớp bài bản và cả đào tạo từ thực tiễn.

- Tiêu chuẩn của người cán bộ hiện nay giống và khác so với trước đây thế nào, thưa ông?

Chúng ta vẫn phải trở lại quan điểm rất cơ bản của Bác đó là cán bộ có 2 yêu cầu “đức và tài”. “Đức là gốc”, điều này Bác Hồ đã nói từ rất lâu rồi cho nên phải rèn giũa tư cách đạo đức của đảng viên, tư cách của Đảng.

Có 2 điểm mà Bác vẫn nói đó là tư cách người cách mạng. Năm 1927, trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, Bác đã nói 23 điểm về tư cách người cách mệnh.

Đến năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác nhắc đến 12 điểm của tư cách của một Đảng chân chính cách mệnh. Vì vậy, phải giáo dục để trong toàn Đảng thấm nhuần đạo đức, sau này Bác mới gọi Đảng ta là đạo đức, văn minh là vì thế. 

Một điều nữa là mỗi người cán bộ, đảng viên phải tiêu biểu, gương mẫu về đạo đức. Chúng ta đang vận dụng để nêu cao trách nhiệm đảng viên như Nghị quyết Trung ương 8 Khoá XII về trách nhiệm nêu gương.

Nêu gương từ người lãnh đạo cao nhất, từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư và xuống đến cấp dưới, rèn giũa đạo đức để đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, đấy chính là vận dụng, nhưng đồng thời lại phải thấy cái tài xử lý quan hệ giữa đức và tài.

Bác Hồ nói “đức là gốc” nhưng nếu chỉ có đức thôi mà không có tài thì cũng không làm được việc gì cả, còn nếu có tài mà không có đức thì có khi làm hỏng việc, phạm sai trái và sai trái đó có thể dẫn đến nguy cơ thất bại của cách mạng. 

Phải nhấn mạnh cả tài và đức trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay.

Còn tài là trí tuệ. Trí tuệ chứ không phải bằng cấp, bằng cấp chỉ là biểu hiện, nhiều khi có bằng cấp chưa chắc đã có trí tuệ.

Lênin đã từng nói “những người cộng sản phải biết làm giàu trí tuệ của mình bằng sự hiểu biết những tri thức mà nhân loại đã tạo ra”, vì thế, cán bộ, đảng viên phải học, phải soi tấm gương của Bác.

Trí tuệ còn thể hiện ở năng lực tổ chức thực tiễn, năng lực làm việc, tổ chức công việc có hiệu quả, chứ nếu chỉ biểu hiện ở học vấn, trí tuệ mà ngồi một chỗ thôi thì không thể gọi là người tài được. Người tài phải là người biết tập hợp tổ chức công việc mang lại hiệu quả tốt nhất.

Ví dụ như bây giờ xây dựng kinh tế thì thể hiện tài năng thế nào, chống dịch COVID vừa rồi tài năng thể hiện tài năng thế nào, không phải chỉ ở hiểu biết đơn thuần.

Còn vấn đề đoàn kết tập hợp lực lượng thế nào, vấn đề uy tín như thế nào, thực hiện nói và làm như thế nào? Tất cả những cái đó thể hiện tài năng, nhiều khi chỉ nói được mà không làm được thì không thể gọi là người cán bộ có tài được. 

Kết hợp giữa đức và tài trong điều kiện hiện nay là rất sát với yêu cầu mà Bác Hồ đã từng đặt ra. 

Tất nhiên mỗi thời kỳ, yêu cầu về đức và tài lại có những bước phát triển mới. Thời trước đây, trong chiến tranh, kháng chiến giải phóng dân tộc thì đức và tài biểu hiện ở một dạng nhưng bây giờ trong xây dựng xã hội đổi mới, hội nhập quốc tế, toàn cầu hoá, cách mạng 4.0.

Tất cả những yêu cầu về đức và tài lại có những bước phát triển cao và phải cụ thể hoá, chuẩn mực hoá cho mỗi cán bộ, đảng viên soi vào đó để mà phấn đấu, rèn luyện.

Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị cho công tác xây dựng Đảng, cho công tác cán bộ, cho công tác lãnh đạo cầm quyền của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

- Có thể khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và sức sống thực tiễn, thưa ông?

Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị cho công tác xây dựng Đảng, cho công tác cán bộ, cho công tác lãnh đạo cầm quyền của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Bác Hồ đã tổng kết từ chính thực tiễn lãnh đạo cách mạng để nêu ra những vấn đề như vậy. Chúng ta phải vận dụng những điều đó một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Đừng chỉ thuộc những câu Bác Hồ nói mà quan trọng là vận dụng vào hoạt động thực tiễn.

Và việc vận dụng này không phải chỉ của Trung ương, của Bộ Chính trị, cấp uỷ các cấp mà là của từng người một, nhất là những người được bầu vào các cơ quan lãnh đạo các cấp.

Những người cán bộ bao giờ cũng phải tự rèn luyện là chính, tự vươn lên, tự đảm nhận được trách nhiệm và nhiệm vụ được giao thì sẽ đóng góp chung vào sự nghiệp của đất nước.

Video: Lựa chọn nhân sự có uy tín, tiêu biểu, vì dân, vì nước

Xuân Trường (Thực hiện)

Tin mới