Lượng mưa kỷ lục trên khắp Tây Âu khiến nước sông dâng cao, gây ra các đợt lũ quét cuốn trôi nhà cửa, tàn phá nghiêm trọng đường phố. Nhiều người phải trèo lên mái nhà để chờ đợi cứu hộ.
Tại thị trấn Schuld (Đức), nhiều ngôi nhà biến thành đống đổ nát sau khi nước rút. Các tuyến phố tắc nghẽn do cây cối đổ rạp ra đường, cá bật nhảy trên các vũng nước giữa phố.
"Mưa liên tục suốt 2,3 ngày qua. Chúng tôi cảm thấy bất lực. Nó (trận lũ) đến quá nhanh. Tôi chưa từng thấy bất cứ điều gì như vậy", Klaus Radermacher, cư dân sống ở Schuld 60 năm cho biết.
18 người chết và hàng chục người mất tích ở quanh khu vực Ahrweiler, bang Rhineland-Palatinate sau khi con sông Ahr chảy vào sông Rhine bị vỡ bờ, cuốn theo nhiều ngôi nhà.
Đợt mưa lũ này là thiên tai lớn nhất tại châu Âu trong hơn 2 thập kỷ qua. (Ảnh: EPA-EFE)
15 người khác ở vùng Euskirchen phía nam thành phố Bonn, bang Nordrhein-Westfalen thiệt mạng. Người dân trong vùng được sơ tán ra khỏi nhà trong khi các nhân viên cứu hộ đang cố bơm nước từ một con đập ở phía nam thị trấn Euskirchen vì lo ngại nó có thể bị vỡ.
Tại Bỉ, hai người đàn ông chết do mưa xối xả và 1 thiếu niên 15 tuổi mất tích sau khi bị nước lũ cuốn trôi.
Khoảng 10 ngôi nhà ở Pepinster, vùng Wallonie bị sập sau khi nước sông Vesdre dâng cao, làm ngập thị trấn phía đông và buộc hơn 1.000 hộ gia đình phải sơ tán. Mưa cũng khiến giao thông công cộng bị gián đoạn nghiêm trọng.
Chính quyền thành phố Liège với 200.000 người dân kêu gọi dân chúng sơ tán khỏi trung tâm thành phố vốn đang bị ngập nặng.
Xe tăng được triển khai để dọn dẹp các con đường bị sạt lở. Trực thăng đưa những người mắc kẹt trên các mái nhà tới nơi an toàn.
Video: Lũ lụt gây thiệt hại nặng nề ở Đức
Quân đội Bỉ được huy động đến 4/10 tỉnh của quốc gia này. Tình trạng ngập lụt cũng lan sang một số vùng tại Luxemburg và Hà Lan.
"Tôi rất sốc trước thảm họa mà nhiều người dân ở các vùng lũ lụt đang phải gánh chịu", Thủ tướng Đức Angela Merkel chia sẻ, đồng thời cam kết sẽ giúp đỡ các cộng đồng bị ảnh hưởng.
Armin Laschet - Thủ hiến bang North Rhine-Westphalia cho rằng thời tiết khắc nghiệt dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu là nguyên nhân dẫn tới đợt lũ lụt khủng khiếp đang xảy ra.
"Chúng ta sẽ phải đối mặt với những sự kiện như vậy lặp đi lặp lại. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần tăng tốc các biện pháp bảo vệ khí hậu ở cấp độ châu Âu, liên bang và toàn cầu bởi biến đổi khí hậu không chỉ giới hạn ở một bang", ông này nói trong chuyến thăm tới khu vực.