Cơn lũ đi qua xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa ngày 3/8 để lại nhiều mất mát, đau thương về người và tài sản cho người dân nơi đây. Đáng chú ý, điểm trường Tiểu học Son - Sa Ná, nơi học tập của 71 học sinh đến từ hai bản Son và Sa Ná, bị xóa sổ hoàn toàn. Điểm khoanh đỏ trước đây là điểm trường Tiểu học Son-Sa Ná.
Toàn bộ cơ sở vật chất gồm 4 phòng học xây cấp 4, trang thiết bị dạy học, đồ dùng cá nhân của giáo viên, nhà vệ sinh của giáo viên đều bị tàn phá. Một giáo viên của trường có con trai 3 tháng tuổi bị nước cuốn mất tích, chồng chị bị nước cuốn trôi gãy xương sườn, dập thận nặng. Hai học sinh của trường mất tích đã tìm thấy thi thể, một em học sinh lớp 2 vẫn mất liên lạc.
Ngày khai giảng đang đến gần, Phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn chỉ đạo dựng phòng học ghép, trên nền khuôn viên trường mầm non Sa Ná - Son. Tại đây, nhà trường sẽ tổ chức dạy thành 4 lớp, trong đó có một lớp học ghép 2 trình độ. Các lớp này được dựng cấp tốc 7 ngày sau khi nhận chỉ đạo và đã đưa vào hoạt động.
Bên cạnh đó, huyện đang xây dựng điểm trường tiểu học và mầm non mới trong khu tái định cư, thuộc đồi Pom Ngồ, bản Sa Ná, cách điểm trường cũ khoảng 1km.
Thầy Chung Trường Thành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Mèo cho biết, hiện các thầy cô giáo đang nỗ lực hết sức mình để chuẩn bị cho các em học sinh một mùa khai giảng tươm tất hơn, khắc phục hậu quả sau lũ.
"Các thầy cô đưa thêm những chậu hoa màu sắc vào điểm trường với hy vọng làm vơi bớt không khí đau buồn sau cơn lũ vừa xảy ra tại đây", thầy Thành nói.
Cách đó 16km, tại điểm trường Tiểu học Cha Khót, xã Na Mèo, nhiều phụ huynh và thầy cô giáo cũng băng suối, vượt đường đất đá dốc thẳng đứng, đem những trang thiết bị dạy học cho các em học sinh dân tộc Thái có hoàn cảnh khó khăn.
Bước vào năm học mới 2019-2020, các em học sinh tại đây nhận 10 bộ bàn ghế mới, 14 bàn học ở nhà và 14 đèn học từ các mạnh thường quân, các tổ chức thiện nguyện từ khắp cả nước.
Điểm trường Tiểu học Na Mèo - khu Cha Khót là một trong những nơi xa xôi, khó đi, đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm vượt đèo, lội suối để đến được với các em học sinh. Ở một nơi khó khăn như thế, ít ai biết rằng, bám điểm trường lại là hai giáo viên nữ. Hai cô chia sẻ: "Khó khăn vất vả thật, nhưng vì thương các em nên mình vẫn quyết tâm bám trụ".
Nụ cười tươi của những cô, cậu học trò dân tộc Thái trước ngày khai giảng. Đây là một lớp học ghép 2 trình độ lớp 1 và lớp 3 - hình thức lớp học điển hình của các điểm trường nằm sâu trong bản, có ít học sinh và còn thiếu điều kiện cơ sở vật chất.