Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lớp học đặc biệt không bảng phấn, học viên sử dụng điện thoại suốt giờ học

(VTC News) -

Không bảng đen, phấn trắng, thầy trò cũng không biết mặt nhau, thế nhưng những lớp học tại Hội người mù quận Thanh Xuân (Hà Nội) vẫn diễn ra vô cùng sôi nổi.

Video: Hải Ninh chia sẻ về lớp học điện thoại thông minh dành cho người khiếm thị 

Đoàn Thị Hải Ninh (sinh năm 1995) cầm điện thoại cảm ứng đưa lên gần tai trái, tay phải liên tục vuốt theo hiệu lệnh phát ra từ điện thoại, trong lòng vô cùng phấn khích. 5 năm rồi, Ninh mới lại được chạm vào chiếc điện thoại cảm ứng.

Năm 2017, Ninh mất thị lực hoàn toàn do biến chứng của bệnh tiểu đường. Suốt thời gian sau đó, 9x sống trong tự ti, hạn chế giao tiếp bên ngoài. Điện thoại cảm ứng cũng để vào một góc, thay thế bằng chiếc đen trắng. Khi đó, việc học các nút trên điện thoại đen trắng với Ninh cũng là thử thách lớn. Sử dụng lại điện thoại cảm ứng dường như là giấc mơ xa vời.

Người khiếm thị học sử dụng điện thoại thông minh. (Ảnh: Hoài Anh)

Đến năm 2022, khi tham gia vào Hội người mù quận Thanh Xuân, Ninh mới biết bản thân có thể sử dụng điện thoại thông minh như đã từng. Ninh bắt đầu đăng ký tham gia lớp học nâng cao kiến thức về điện thoại thông minh dành cho người khiếm thị do Hội tổ chức.

Ngày diễn ra buổi học đầu tiên, Ninh dậy từ 6h sáng, trong lòng vô cùng háo hức. Lâu rồi cô gái này mới được đến nơi đông người để giao lưu, học hỏi, Ninh nhờ mẹ chọn cho chiếc váy dáng dài và một chiếc túi xách nhỏ. Tiếp đó, Ninh nhờ bố đưa đến lớp học. Sau 3 tiếng học, Ninh được khen vì tiếp thu nhanh, có thể trả lời các câu hỏi thầy giáo đặt ra.

“Hôm nay tôi được học về một phần mềm đọc màn hình giúp người khiếm thị tương tác với thiết bị. Tôi vui vì có thể sử dụng được Facebook, Zalo và gọi điện cho bạn bè qua Messenger. Mong rằng những buổi tới, tôi sẽ được học về cách đặt xe công nghệ để không còn cần nhờ bố mẹ đưa đi, đón về như hiện nay”, Ninh tâm sự.

Học viên chú tâm lắng nghe theo các hiệu lệnh trên điện thoại. Ảnh: Hoài Anh

Ngồi cạnh Ninh trong lớp học là ông Trương Quang Hải (Thanh Xuân, Hà Nội). Cách đây 2 năm, ông Hải từng tham gia một lớp học tương tự do Hội tổ chức. Ứng dụng những điều được học vào cuộc sống hàng ngày, ông có thể quản lý cửa hàng tạp hoá của gia đình và căn nhà trọ đang cho thuê dù là một người khiếm thị. Ông Hải cũng tham gia nhiều mạng xã hội, có thể thành thạo các bước vào Youtube để nghe những bài hát yêu thích.

Ông muốn tham gia lớp học để học nâng cao hơn về cách chuyển tiền qua tài khoản, cách quảng cáo sản phẩm qua mạng xã hội và giám sát camera. “Công nghệ luôn luôn thay đổi, nên tôi muốn học để hoà nhập cộng đồng, không bị tụt lùi về sau”, ông Hải nói.

Thầy giáo khiếm thị Nguyễn Trung Thái - giáo viên dạy Công nghệ Thông tin của Hội người mù Thành phố Hà Nội cho biết, mỗi tiết học, học viên sẽ được tìm hiểu về những ứng dụng mang tính thiết thực với cuộc sống. Cách cài đặt, các thao tác trên điện thoại cũng là nội dung nằm trong giáo trình.

Lớp học có 10 học viên, mỗi người ở một độ tuổi khác nhau và sở hữu những thiết bị khác nhau. Vậy nên, giáo viên phải linh hoạt trong quá trình giảng dạy và cần có sự tìm hiểu kĩ lưỡng về từng loại điện thoại. Thầy Thái thường tổng hợp lại kiến thức sau mỗi buổi học và kiểm tra vào đầu giờ buổi học hôm sau. Mỗi học viên sẽ phải thực hành một thao tác theo yêu cầu của thầy.

Thầy Thái hướng dẫn các học viên trong lớp học. (Ảnh: Hoài Anh)

“Tôi gặp nhiều khó khăn trong quá trình giảng dạy. Nhưng sự háo hức tiếp thu kiến thức mới của các học viên giúp tôi thêm động lực”, thầy Thái nói.

Hiện Hội người mù quận Thanh Xuân có 112 hội viên, trong đó trên 50% thành viên biết sử dụng điện thoại thông minh. Là người được tiếp cận với điện thoại thông minh từ năm 2014, ông Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân cho biết: “Người khiếm thị học về điện thoại thông minh không chỉ đơn giản là đang tiếp thu một kiến thức mới, mà còn là bước tiền đề để họ tự tin hoà nhập cộng đồng. Sử dụng điện thoại thông minh giúp họ chủ động hơn trong quá trình giao tiếp, làm việc và không còn phải phụ thuộc nhiều vào người thân trong gia đình”.

Lớp học của Hội người mù quận Thanh Xuân sẽ diễn ra vào Thứ 2, Thứ 4, và Thứ 6 hàng tuần, từ 8h đến 11h. Những học viên tham gia lớp học là đại diện cho từng chi hội của Hội. Sau khi hoàn thành 10 buổi học, các học viên sẽ về chi hội và dạy lại cho các hội viên còn lại.

HOÀI ANH

Tin mới