Hãy làm một “thăm dò dư luận” nho nhỏ, gặp 100 người bất kỳ ngoài đường phố, xem có bao nhiêu người không giải thích được nghĩa của từ “Long Thành cầm giả ca”.
Tôi nảy ra ý đó là vì hôm vừa qua, dạo qua sạp báo, thấy hai cô cậu sinh viên hỏi nhau: Này, Long Thành cầm giả ca là gì? Rồi người kia ngờ ngợ nói: Có lẽ chữ “cầm” in nhầm, phải là “Long Thành cấm giả ca”, chắc là bộ phim về chống… hát nhép.
Hai vấn đề lớn được đặt ra: Một là, có một sự đứt gãy văn hóa đang thực sự tồn tại trong xã hội đương đại của chúng ta và hai là, có một sự ẩu, không nghiêm túc của các nhà làm phim, họ là một bộ phận mang danh trí thức.
Khi Nguyễn Du làm bài thơ chữ Hán, tất nhiên ông đặt tên “Long Thành cầm giả ca” là hoàn toàn tự nhiên. Thời đại Nguyễn Du, cách đây khoảng hai trăm năm, văn tự chính thức là chữ Hán và chữ Nôm. Ngày nay, chữ Hán không còn được dùng nữa, nhưng lạ thay chúng ta đánh mất một phần di sản quan trọng là chữ Nôm. Do đó, cách hành xử với kho tàng từ Hán Việt cũng rất tùy tiện. Hậu quả là, đại bộ phận nhân dân ngày nay không hiểu cha ông ta nói gì, viết gì. Ví dụ phổ thông nhất là khi vào các di tích, đình chùa miếu, không ai hiểu chữ gì viết trong đó, ví dụ đơn giản hơn là, khi đã xướng lên, nói lên, như trường hợp “Long Thành cầm giả ca” thì cũng nhiều người chả hiểu gì.
Tại sao người làm phim không đặt tên phim là “Bài ca người đánh đàn thành Thăng Long”? Có lẽ chỉ có họ mới biết là vì sao. Hoặc là chính họ cũng không biết lý do gì. Kịch bản dựa theo bài thơ của Nguyễn Du. Nguyễn Du đặt tiêu đề ấy thì bê nguyên xi vào thôi. Đơn giản gọn gàng. Cũng có thể dịch ra, thì thấy ngôn ngữ ngày nay nó tầm thường quá chăng?
Là một bộ phận trí thức, lại làm công tác tuyên truyền, ảnh hưởng đến đại chúng, nhưng có lẽ các nhà làm phim không ý thức được mình sử dụng kho tàng từ Hán - Việt thế nào cho tốt. Khi nào dùng từ Hán Việt, khi nào không. Đấy chưa nói đến yếu tố văn hóa sâu xa hơn, là hình như các tác giả làm phim xung phong vào chuyển thể bài thơ này không hiểu thông điệp của nhà thơ. Âm hưởng của bài thơ là đượm buồn và thương cảm, Nguyễn Du làm bài thơ về cô gái đánh đàn vốn là nhạc công ở cung vua Lê, do thời thế mà phải mua vui cho quân Tây Sơn, sau đó nàng tàn tạ. Đó là một bài ca lên án chế độ mới Tây Sơn ở Thăng Long. Ô hay, đó là chủ đề để một bộ phim mượn để làm cho lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long chăng?
Một câu hỏi “Long Thành cầm giả ca” là gì của những người trẻ tuổi, chính là nỗi buồn của nền văn hóa đấy ư?
Xuân Hưng