Tôi chắc nhiều người cũng sửng sốt như mình khi nhìn thấy bức ảnh mấy bị cáo vụ án gian lận thi cử ở Hòa Bình khi bước ra khỏi phòng xét xử sáng 13/5. Ít nhất 3 người trong ảnh có vẻ mặt rạng rỡ vui mừng như vừa trở về sau một chuyến công tác dài ngày. Tôi phẫn nộ, bởi những người này có vẻ như không về bị vướng bận lương tâm về hành vi sai trái mình từng làm, hành vi gây ảnh hưởng tai hại đến thành quả giáo dục, đến sự nghiệp “trồng người” của đất nước.
Rồi khi thấy họ bị nhiều người phê phán, thậm chí chửi mắng nặng lời trên mạng xã hội, tôi tự nhủ mình xem xét lại, thử nhìn ở các góc độ khác xem sao. Có thể bằng nụ cười đó, họ muốn gửi thông điệp đến những người thân trong gia đình rằng “tôi vẫn ổn, đừng lo lắng nhiều cho tôi”, và ống kính phóng viên bắt được đúng khoảnh khắc ấy.
Các bị cáo lúc rời phiên toà trưa 13/5. (Ảnh: VnExpress)
Thế nhưng dù như vậy, tôi vẫn thấy nụ cười của họ thật phản cảm. Bởi nụ cười là thứ bộc lộ nội tâm rõ ràng hơn mọi thứ. Cũng là cười đấy nhưng có hàng mấy chục sắc thái khác nhau. Có nụ cười chua chát, có nụ cười trấn an, có nụ cười cố tỏ ra vui vẻ, có nụ cười vô tư lự, và có nụ cười rạng rỡ vui sướng thực sự. Tôi hình dung nếu mình là bị cáo của phiên tòa đó, khi bước ra khỏi phòng xử án, nhìn thấy thân nhân, có thể tôi cũng giơ tay vẫy và nở nụ cười cho họ an tâm, và dù cố thì nụ cười cũng gượng gạo bởi lòng đang nặng trĩu.
Nhưng nụ cười tôi nhìn thấy trong bức ảnh hoàn toàn là nụ cười “chân thật”, theo nghĩa là không phải cố gắng để cười. Họ cười vui như thí sinh vừa làm xong bài thi xuất sắc, như người vừa trở về sau khi đoạt huy chương… Trong lòng phải nhẹ nhõm lắm mới có thể nở nụ cười tươi rói như vậy; ánh mắt, khóe môi không hề bị gánh nặng lương tâm kéo cho trĩu xuống.
Nghĩ vậy, tôi lại tự hỏi mình có cay nghiệt quá không? Họ có thể nhẹ nhõm lắm chứ; bởi trải qua bao nhiêu ngày bị điều tra mệt mỏi, căng thẳng, việc được đưa ra xét xử sẽ khiến họ cảm thấy thời gian đợi chờ phán quyết không còn lâu nữa, sắp hết cảnh phấp phỏng về số phận mình.
Thế nhưng tôi vẫn tự trả lời rằng, tâm lý này chỉ có thể giúp cất bớt gánh nặng tâm tư thôi. Có thể họ nhẹ nhõm về phương diện cá nhân, nghĩa là sẵn sàng chấp nhận mọi phán quyết cho tội của mình, nhưng nhận thức về hậu quả mình gây ra cho xã hội sẽ bù lại sức nặng. Hậu quả và hành vi sai trái của họ được “nhắc nhở” suốt mấy giờ xử án, chỉ ít phút trước khi họ bước ra khỏi cánh cửa kia chứ đã lâu lắc gì để có thể quên?
Tôi nghĩ rằng người có tâm trạng nhẹ nhõm chỉ vì chấp nhận trả giá cho tội lỗi của mình sẽ có vẻ mặt không giống họ. Vì thế, dù thông cảm, nụ cười và vẻ mặt đó khiến dư luận khó tha thứ cho họ hơn.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận phía dưới.