Câu chuyện trái quy định trên diễn ra ở xã Bình Triều (huyện Thăng Bình) khiến người dân vô cùng bức xúc.
Cách đây vài ngày, cụ Hồ Thị Ch. (trú thôn 2) hốt hoảng khi chứng kiến 2 con lợn nhà mình bất ngờ lăn đùng ra chết.
Người dân xã Bình Triều bức xúc vì bị thu tiền tiêu hủy lợn bệnh.
Chưa vơi sự tiếc nuối mất lợn, cụ bà lại sửng sốt khi phải nộp 500.000 đồng cho những người phụ trách vận chuyển lợn đi tiêu hủy tại địa phương.
“Theo tôi được biết, khi lợn nhiễm bệnh, xã có trách nhiệm giúp dân tiêu hủy. Đằng này, dân vừa mất lợn lại phải đóng thêm tiền chi trả cho lực lượng vận chuyển đi tiêu hủy. Thậm chí, việc thu tiền cũng không có hóa đơn, chứng từ gì cả”, cụ Ch. giãi bày.
Không riêng gì trường hợp của cụ Ch., rất nhiều hộ dân có lợn mắc bệnh ở xã Bình Triều cũng tỏ ra bức xúc khi phải đóng tiền cho lực lượng vận chuyển lợn đi tiêu hủy.
“Các xã lân cận cũng xảy ra tình trạng lợn nhiễm bệnh và phải tiêu hủy, thế nhưng người dân không cần đóng tiền. Trong khi đó, bà con ở đây chịu mức phí từ 200.000 - 300.000 đồng/con, tùy vào cân nặng. Hôm rồi, hộ của tôi có 3 con lợn dưới 100kg bị bệnh, vậy là tôi phải đóng 600.000 đồng cho đội vận chuyển tiêu hủy”, một người dân thôn 1 cho hay.
Một điểm tiêu hủy lợn bệnh ở xã Bình Triều.
Đề cập đến vấn đề đang khiến người dân phẫn nộ, ông Nguyễn Ba - Chủ tịch UBND xã Bình Triều xác nhận, tới thời điểm hiện tại, địa phương thu của dân khoảng 125 triệu đồng để chi trả cho những người tham gia thu gom, chôn lấp lợn chết.
“Tôi thừa nhận, việc thu tiền của người dân là không đúng với quy định. Tuy nhiên, Nhà nước chưa cấp tiền chi trả cho số lao động vận chuyển lợn đi tiêu hủy nên chính quyền địa phương đành thu tiền của người dân để chi trả. Sau này, nhà nước rót tiền thì sẽ trả lại cho người dân", ông Ba giải thích.
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 9/7, tại Quảng Nam, dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở 3.017 hộ tại 254 thôn, 89 xã, thị trấn thuộc 13 huyện: Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn, Tam Kỳ, Nam Trà My, Phú Ninh, Núi Thành, Quế Sơn, Tiên Phước, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Nam Giang, Đại Lộc.
Tổng số lợn chết và tiêu hủy là 12.000 con, khối lượng trên 585 tấn. Trong đó, dịch bệnh chủ yếu xảy ra tại các hộ, cơ sở chăn nuôi lợn với quy mô nhỏ lẻ, rải rác. Việc tiêu hủy lợn được thực hiện bằng phương pháp chôn lấp trong vườn cây của các hộ, vị trí xa khu dân cư, nguồn nước.