Theo khảo sát của Vietnamworks, ngành khoa học dữ liệu đứng thứ tư về nhu cầu tuyển dụng và mức thu nhập bình quân tại Việt Nam. Tại Mỹ, thống kê của Glassdoor cho thấy ngành khoa học dữ liệu đứng đầu trong 25 nghề tốt nhất, xếp thứ 16 về mức lương.
Tại buổi Tọa đàm Nhân lực chất lượng cao Khoa học dữ liệu: Thách thức và cơ hội được tổ chức tại Đại học Bách Khoa vào sáng 18/7/2020, Phó Giáo sư Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Đại học Quy Nhơn nhận định nhu cầu về nhân sự ngành khoa học dữ liệu trên thế giới và Việt Nam đều rất lớn, tuy nhiên vẫn đang thiếu hụt nghiêm trọng.
Các khách mời trao đổi tại buổi Tọa đàm: “Nhân lực chất lượng cao Khoa học dữ liệu: Thách thức và cơ hội”.
Định hướng thạc sĩ, tiến sĩ là một nghề
Theo ITViệc, ngành CNTT sẽ thiếu hụt khoảng 25% nhân lực so với nhu cầu thực tế trong năm 2020, tương ứng với 350.000 - 400.000 người. Hàng năm, số lượng cử nhân IT ra trường trên 50.000 người. Tuy nhiên, hơn 70% số này phải qua đào tạo bổ sung để đủ trình độ và kỹ năng đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Theo ngân hàng thế giới, nếu đánh giá trên thang điểm 10 thì chất lượng nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á trong danh sách xếp hạng.
Tính riêng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, theo báo cáo của Vietnamworks, nhân sự có bằng sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ…) chỉ chiếm 7%, có bằng cử nhân đại học chiếm chủ yếu với 74%, còn lại là trình độ cao đẳng, trung cấp và trung học phổ thông.
Theo Phó Giáo sư Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa, có 2 nguyên nhân khiến nhiều sinh viên không theo học lên cao học, thứ nhất là nhu cầu của thị trường; thứ hai là quan niệm trong nước về đào tạo kỹ sư và thạc sĩ chưa rõ ràng.
Trước thực trạng trên, Giáo sư Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata, Tập đoàn Vingroup cho rằng việc cần làm là tập trung vào đào tạo nhân lực chất lượng cao. “Thay vì bỏ chi phí để mua các sản phẩm của nước ngoài với giá cao, chúng ta cần tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao mới”.
Để thực hiện điều này, Quỹ Đổi mới sáng tạo VINIF (thuộc Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata), Tập đoàn Vingroup đã ký kết hợp tác đào tạo với 5 trường Đại học, Viện nghiên cứu nhằm hỗ trợ nguồn lực tài chính, công nghệ, mạng lưới trí thức, chuyên gia cho các cơ sở đào tạo và học viên cao học có điều kiện học tập và nghiên cứu theo trình độ quốc tế. Theo đó, VINIF sẽ tài trợ 2 tỷ đồng cho từng trường trong năm đầu tiên, hỗ trợ tối đa trong 3 năm.
Theo Phó Giáo sư Phan Thị Hà Dương – Giám đốc điều hành Quỹ đổi mới sáng tạo VinIF, Chương trình đào tạo của các trường Đại học, Viện lần này đặt mục tiêu đào tạo thạc sĩ theo hướng ứng dụng thực tế thay vì đào tạo để sau này làm tiến sĩ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phan Thị Hà Dương cho biết chương trình hợp tác giữa VinIF và các trường sẽ đào tạo thạc sĩ theo hướng ứng dụng thực tế.
Ngoài ra, Quỹ VINIF có chương trình tài trợ học bổng sau đại học dành cho các học viên cao học và nghiên cứu sinh xuất sắc đang hoặc sẽ theo học các chương trình sau đại học trong nước thuộc các chuyên ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật hoặc y dược, giá trị lần lượt 120 triệu đồng/năm và 150 triệu đồng/năm.
Đây là một trong những cơ sở để hiện thực hóa cách nhìn nhận việc làm thạc sĩ, tiến sĩ là một nghề trong môi trường khoa học – một điều đã phổ biến ở nước ngoài nhưng Việt Nam thì chưa.
Nhiều chương trình đào tạo để lựa chọn
Trong khuôn khổ toạ đàm, Giáo sư Vũ Hà Văn chia sẻ về chương trình mới dành cho các bạn sinh viên năm cuối do Tập đoàn Vingroup phát động. Những bạn định hướng theo đuổi lĩnh vực khoa học dữ liệu hay trí tuệ nhận tạo sẽ được trang bị thêm kiến thức toán học và lập trình cần thiết trong quá trình làm việc thực tế kéo dài 6-12 tháng tại VinBigdata. Chương trình này sẽ trả thu nhập cho các bạn mà không có ràng buộc. “Sau một năm, khi thành kỹ sư lành nghề, cánh cửa hoàn toàn mở rộng với các bạn”, ông Văn nói.
Phó Giáo sư Trần Minh Triết – Viện trưởng Viện John von Neumann cho biết Đại học Quốc gia TPHCM đã đào tạo khoa học dữ liệu từ năm 2004.
Phó Giáo sư Trần Minh Triết, Viện trưởng Viện John von Neumann, Đại học Quốc gia TP HCM cho biết từ năm 2004, trường đã có khóa đào tạo định hướng chính về khoa học dữ liệu, máy học, trí tuệ nhân tạo. Ông Triết cũng chia sẻ chương trình của Viện không chỉ giới hạn ở các sinh viên tốt nghiệp đại học, mà mở rộng cơ hội cho sinh viên ưu tú học năm thứ ba, thứ tư, năm cuối.
Đại học Khoa học Tự nhiên, trường đầu tiên có đào tạo chính thức Thạc sĩ Khoa học Dữ liệu từ 2018 sẽ lần đầu tuyển sinh đại học ngành này từ 2020. Viện Toán học có Chương trình tạo nguồn học viên bằng việc nhận hướng dẫn khoa học các sinh viên năm cuối.
Đại học Quy Nhơn sẽ mở khóa đào tạo thạc sĩ Khoa học dữ liệu từ 2020, theo Phó Giáo sư Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng nhà trường.
Tại Đại học Bách Khoa, Hiệu trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết trường đang đổi mới quy trình học thạc sĩ, tích hợp song song với giai đoạn học cử nhân. Nhờ đó, sinh viên có thể lấy bằng thạc sĩ sau 5,5 năm. Với Đại học Quy Nhơn, Phó Giáo sư Đỗ Ngọc Mỹ chia sẻ từ năm 2020, trường sẽ mở khóa đào tạo thạc sĩ khoa học dữ liệu ứng dụng, mang cơ hội tiếp cận lĩnh vực mới cho các học viên.
Đánh giá đây là “mô hình hợp tác văn minh, chưa có tiền lệ giữa một tập đoàn kinh tế và các cơ sở đào tạo và nghiên cứu tại Việt Nam”, PGS.TS Tạ Hải Tùng – Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội nhận định mô hình này sẽ thay đổi cách thức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam và “là hình mẫu cần được nhân rộng trong xã hội”.