Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lời cam kết sát cánh cùng Việt Nam, xây dựng 'niềm tin chiến lược' từ nước Mỹ

(VTC News) -

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Việt Nam, mang theo những cam kết thúc đẩy quan hệ, xây dựng “niềm tin chiến lược” giữa hai nước.

Từ ngày 24 đến 26/8, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam. Đây là chuyến công du nước ngoài lần thứ hai trên cương vị Phó Tổng thống mới của nước Mỹ. Chuyến thăm Singapore và Việt nam lần này diễn ra sau chuyến xuất ngoại đầu tiên của bà Kamala tới Guatemala và Mexico hồi tháng 6.

Vị thế Việt Nam ngày càng cao

Dư luận khu vực và thế giới bày tỏ sự quan tâm rất lớn về chuyến thăm Đông Nam Á lần này, bởi nó diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang phải chịu nhiều chỉ trích trong việc sớm rút quân khỏi Afghanistan. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trước biển chủng Delta khiến số vụ nhiễm mới tại Mỹ gia tăng nhanh chóng.

Trong khi đó, Việt Nam cũng đang phải trải qua làn sóng dịch thứ tư được đánh giá là khốc liệt hơn gấp nhiều lần so các đợt dịch trước đó. Tình hình an ninh khu vực vẫn ẩn chứa nhiều nhân tố khó lường, đặc biệt là tình hình Biển Đông hay tình hình qua eo biển Đài Loan.

 Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. (Ảnh: Reuters)

Kể từ chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson tới Sài Gòn vào năm 1962 và sau đó là của Richard Nixon năm 1962, đây là lần đầu tiên một vị Phó Tổng thống Mỹ tới thăm Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước. Thay vì chọn các quốc gia Đông Nam Á khác, vị “nữ tướng” của Nhà Trắng lại chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến công du châu Á của mình.

Điều này thể hiện sự quan tâm đúng mức của chính giới Mỹ đối với Việt Nam, quốc gia hiện đang được Mỹ coi là đối tác quan trọng tại khu vực. Nó cho thấy vị thế ngày càng lớn mạnh của Việt Nam trên đấu trường quốc tế và khu vực khi Việt Nam đang đảm nhiệm rất tốt vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021.

Chuyến thăm của bà Kamala Harris khi đến Đông Nam Á lần này truyền tải một thông điệp rất rõ ràng, đó là: “Nước Mỹ đã trở lại”. Sau khi lên nhậm chức, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ sự quan tâm rất lớn đối với khu vực Đông Nam Á. Trong nhận thức của chính quyền Biden, Đông Nam Á với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là trung tâm đóng vai trò rất lớn trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ.

Sau hơn 6 tháng lên nắm quyền, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có lẽ vẫn là di sản lớn nhất mà chính quyền Biden tiếp tục theo đuổi từ người tiền nhiệm. Tuy nhiên, cách tiếp cận của chính quyền mới đã có những thay đổi, trong đó coi trọng trụ cột ASEAN hơn trong tổng thể khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Với tư duy đó, “Đường hướng Chiến lược An ninh quốc gia tạm thời” của Mỹ công bố tháng 3/2021 vẫn tiếp tục coi trọng và thúc đẩy quan hệ với Việt Nam - một trong những đối tác hàng đầu của Mỹ tại khu vực.

Chuyến thăm của bà Kamala tới Đông Nam Á lần này một lần nữa khẳng định sự cam kết của Mỹ đối với khu vực. Sau khi chính quyền mới được thiết lập, rất nhiều các quan chức cấp cao trong chính quyền đã thực hiện các chuyến công du tới nhiều nước châu Á. Trong chuyến đi lần này, bà Kabama sẽ tiếp tục thảo luận với các đối tác về các vấn đề lợi ích chung, trong đó tập trung vào các vấn đề: an ninh khu vực; phản ứng toàn cầu với đại dịch COVID-19; biến đổi khí hậu và thúc đẩy một trật tự dựa trên luật lệ.

Tại Việt Nam, bà sẽ tham dự buổi lễ thành lập Văn phòng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ phụ trách về khu vực Đông Nam Á đặt tại Hà Nội. Bên cạnh đó, bà cũng sẽ tham gia một cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Y tế của các nước ASEAN để trao đổi về việc ứng phó với đại dịch COVID-19. Ngoài ra, những nội dung vấn an ninh, trong đó có cả Biển Đông và các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế với các đối tác cũng sẽ được phía Mỹ trình bày.

cuong.jpg

Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Việt Nam lần này là minh chứng cho sự hợp tác và tin tưởng giữa hai nước.

TS Phạm Cao Cường

Mở rộng hợp tác Việt - Mỹ

Chuyến thăm của bà Kamala Harris tới Việt Nam tiếp tục đóng góp vào sự thúc đẩy phát triển quan hệ Việt - Mỹ. Trong khuôn khổ của quan hệ “đối tác toàn diện”, quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục được đẩy mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Quan hệ song phương tiếp tục được chú trọng trên 9 lĩnh vực hợp tác của khuôn khổ “đối tác toàn diện” bao gồm: Chính trị và ngoại giao; kinh tế và thương mại; khoa học công nghệ; giáo dục và đào tạo; môi trường và y tế; vấn đề di sản chiến tranh; quốc phòng và an ninh; vấn đề quyền con người; và văn hoá, thể thao và du lịch.

Về hợp tác thương mại, kể từ bình thường hóa quan hệ ngoại giao cho tới nay, kim ngạch thương mại giữa hai bên đã tăng lên nhanh chóng, từ 451 triệu USD vào năm 1995 thì tăng gấp 200 lần, đạt khoảng 90 tỷ USD vào năm 2020. Nếu xuất khẩu hàng hoá của Mỹ sang Việt Nam đạt trên 10 tỷ USD vào năm 2020 thì nhập khẩu hàng hoá Việt Nam của Mỹ đạt tới 79,6 tỷ USD. Riêng năm 2019, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam đạt 2,9 tỷ USD.

Bên cạnh đó, hai bên cũng thường xuyên tổ chức các nhóm đối thoại về các lĩnh vực hợp tác như: Đối thoại nhân quyền thường niên; đối thoại lao động thường niên; đối thoại an ninh năng lượng thường niên; đối thoại chính sách quốc phòng thường niên; đối thoại chính trị, an ninh và quốc phòng; đối thoại qua khuôn khổ Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA)…

Kể từ năm 2019, mỗi năm Mỹ cung cấp 5 triệu USD cho Đại học Fulbright Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam vào ngày 30/10/2020, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ cung cấp cho Việt Nam gói viện trợ trị giá 2 triệu USD để giúp Việt Nam khắc phục hậu quả thiên tai. Năm 2021, Mỹ cung cấp cho Chương trình Quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy tham gia nghiên cứu (PEER) cho Việt Nam.

Về hợp tác quốc phòng, trong thời gian qua, hai bên đã tích cực hợp tác trong trong nhiều lĩnh vực dựa trên những thỏa thuận đã ký như: Bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương ký năm 2011, Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam-Mỹ về quan hệ quốc phòng ký năm 2015 và Kế hoạch hành động hợp tác quốc phòng Việt Nam - Mỹ giai đoạn 2018-2020 với trọng tâm là các cơ chế trao đổi đoàn, đối thoại và tham vấn, hợp tác khắc phục di sản chiến tranh.

Ngoài ra, hợp tác quốc phòng song phương cũng tập trung vào 5 lĩnh vực hợp tác bao gồm: Thiết lập các cơ chế đối thoại thường xuyên cấp cao giữa Bộ Quốc phòng Mỹ và Bộ Quốc phòng Việt Nam; an ninh biển; tìm kiếm cứu nạn; nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm về hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc; Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

Từ khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương đối với Việt Nam vào năm 2016, Việt Nam cũng đã tìm hiểu và tiếp cận với một số loại vũ khí của Mỹ. Năm 2018, Việt Nam ký với Mỹ một thỏa thuận mua thiết bị quân sự trị giá 94,7 triệu USD. Trước đó, từ năm 2012-2017, Bộ Ngoại giao Mỹ cho phép Việt Nam mua thiết bị quân sự trị giá 25 triệu USD thông qua chương trình Bán hàng Thương mại trực tiếp (DCS).

Mỹ hiện đang thực hiện các chương trình này ưu tiên cho các quốc trong đó có Việt Nam như: Chương trình Y tế toàn cầu; quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế; chương trình giáo dục và đào tạo quân sự quốc tế (IMET) và chương trình tài trợ quân sự nước ngoài (FMF). Năm 2021, ngân sách dự kiến của chương trình IMET dành cho khu vực (trong đó có Việt Nam) là khoảng 13,3 triệu USD thông qua các chương trình đào tạo tiếng Anh, xây dựng năng lực an ninh hàng hải, tôn trọng pháp quyền, nhân quyền và kiểm soát dân sự của quân đội.

Trong thời gian qua Mỹ, đã chuyển giao 34 máy bay trinh sát không người lái Scan Eagle cho 4 quốc gia Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Thông qua các chương trình này, Mỹ cũng đào tạo 2 phi công cho Việt Nam trong khuôn khổ của Chương trình lãnh đạo Hàng không của Không quân Mỹ.

Tháng 3/2018, chuyến thăm của tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ đến Việt Nam được coi là sự kiện lịch sử trong hợp tác an ninh giữa hai nước kể từ sau Chiến tranh Việt Nam. Tháng 2/2020, chiếu tàu sân bay thứ hai USS Theodore Roosevelt đã cập cảng Đà Nẵng đã thể hiện sự quan tâm chiến lược của Mỹ với Việt Nam.

Bên cạnh đó, quân đội Mỹ cũng tham gia nhiều hoạt động trao đổi, huấn luyện hàng năm nhằm tăng cường hợp tác song phương. Năm 2018, Phía Mỹ đã cung cấp đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật để hỗ trợ Việt Nam triển khai đơn vị y tế cho Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan và hoạt động này vẫn sẽ được tiếp tục.

Trong vấn đề chất độc dioxin, kể từ năm 2007 Quốc hội Mỹ đã dành hơn 380 triệu USD cho việc tẩy độc dioxin và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe liên quan. Trong tổng số nguồn tài trợ này, có tới 70% là dành cho hoạt động tẩy chất độc dioxin thông qua dự án tẩy độc dioxin tại Đà Nẵng đã hoàn thành vào năm 2017.

Mỹ là quốc gia tích cực hỗ trợ Việt Nam vaccine chống dịch COVID-19. (Ảnh: UNICEF)

Năm 2020, chính phủ hai bên đã xây dựng kế hoạch xử lý dioxin kéo dài 10 năm để làm sạch sân bay Biên Hoà với chi phí ước tính lên đến 450 triệu USD. Trong năm tài khoá 2021, Quốc hội Mỹ đã phân bổ ngân sách khoảng 170 triệu USD hỗ trợ cho Việt Nam, tăng 20% so với đề xuất 141 triệu USD so với chính quyền Trump trước đó.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Hà Nội vào cuối tháng 7 một lần nữa thể hiện sự cam về an ninh của Mỹ đối với khu vực cũng như tăng cường thúc đẩy quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ. Thông qua chuyến đi thăm này, Mỹ tiếp tục khẳng định cam kết ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19. Thông qua cơ chế hợp tác quốc phòng, phía Mỹ sẽ cung cấp các thiết bị y tế, bao gồm hệ thống xét nghiệm RT-PCR và 77 tủ đông siêu lạnh giúp lưu trữ vắc-xin của Việt Nam. Đến nay, phía Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam 5 triệu liều vắc xin Moderna trong tổng số 23 triệu liều dành cho 20 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, chiếm tới tỷ lệ 21,7%.

Quan hệ Việt - Mỹ ‘chỉ có tiến, không lùi’

Trong thời gian quan, Mỹ và Việt Nam cùng thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ hợp tác của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong thông cáo nhân kỷ niệm 25 thiết lập quan hệ Việt - Mỹ, phía Mỹ tuyên bố rằng: “Mỹ tái khẳng định sẽ sát cánh cùng Việt Nam, hỗ trợ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, thượng tôn pháp luật, tôn trọng tự do hàng hải và hàng không, cũng như thương mại không bị cản trở”. Việc Mỹ sử dụng cụm từ “sát cánh” cho thấy mức độ ưu tiên và cam kết của của Mỹ đối với một đối tác quan trọng tại khu vực.

Trong khuôn khổ tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Mỹ đề xuất từ năm 2017, có thể thấy Việt Nam là một mắt xích quan trọng. Việc tăng cường quan hệ với Việt Nam sẽ giúp Mỹ can dự một cách tích cực vào khu vực này, nâng cao uy tín và ảnh hưởng của Mỹ cũng như tạo ra một sân chơi hợp tác bình đẳng cho các quốc gia. Mỹ luôn ủng hộ mạnh mẽ sự phát triển ổn định và thịnh vượng của Việt Nam, cũng như ủng hộ vai trò và vị thế của Việt Nam trong ASEAN.

Có thể thấy, quan hệ Việt - Mỹ đã trải qua một một quãng thời gian hơn 25 năm với những kết quả tích cực, cùng nhau củng cố xây dựng niềm tin, gia tăng hợp tác theo cả chiều rộng và chiều sâu. Đứng trên khía cạnh của Mỹ, Mỹ luôn mong muốn thúc đẩy và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác, cùng có lợi với Việt Nam coi Việt Nam là một đối tác quan trọng tại khu vực.

Với tầm nhìn và vị thế của Việt Nam, từ tháng 7/2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khi tới Việt Nam tham dự Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) diễn ra tại Hà Nội đã chủ động đề xuất nâng cấp quan hệ “đối tác chiến lược” với Việt Nam. Đề xuất này của phía Mỹ vào thời điểm đó, đặt trong bối cảnh khu vực nói chung là sự thể hiện mong muốn của chính quyền Tổng thống Barack Obama muốn tăng cường hơn nữa với khu vực Đông Nam Á, một đường lối chung của Mỹ với toàn khu vực châu Á lúc đó, đó là: “Mỹ đã quay trở lại”.

Về bản chất, quan hệ Việt - Mỹ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện trong nội dung của các khuôn khổ hợp tác, các cơ chế đối thoại mà hai bên đã triển khai. Đó cũng là kết quả của những cam kết về khuôn khổ hợp tác mới “đối tác toàn diện” mà hai bên đạt được nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Mỹ vào 7/2013, và chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ vào tháng 7/2015.

Quan hệ Việt - Mỹ ngày càng được thắt chặt trong những năm qua.

Sau chuyến thăm Mỹ, các nhà lãnh đạo và các quan chức cấp cao của Mỹ luôn khẳng định nền tảng của mối quan hệ vốn được hai bên nỗ lực xây dựng trong nhiều năm qua đó là nguyên tắc: “Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, và thể chế chính trị của nhau và cùng có lợi”.

Cựu Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink tại Việt Nam khi phát biểu về quan hệ Việt - Mỹ đã nhiều lần nói rằng, bản chất của mối quan hệ Việt - Mỹ này đã mang tính chiến lược. Trong tinh thần đó, cả hai nước Mỹ và Việt Nam đã cùng nhau thúc đẩy hợp tác xuất phát từ lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình và thịnh vượng của cả khu vực cũng như trên thế giới.

Niềm tin chiến lược mà hai bên cùng nhau đạt được như ngày hôm nay cho thấy quan hệ Việt - Mỹ, tuy đi cùng nhau chưa phải là quá dài, nhưng đủ để tạo ra một dấu mốc trong lịch sử đã sang trang của cả hai nước. Trong chuyến thăm mới đây, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đã bày tỏ mong muốn tiếp tục phát triển mối quan hệ Việt - Mỹ ở cấp “đối tác chiến lược”.

Từ thực tiễn quan hệ trong suốt hơn 25 năm qua, có thể thấy rằng quan hệ Việt - Mỹ chỉ có tiến chứ không có lùi. Kể từ khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền cho tới nay, hai bên cũng đã có nhiều cuộc điện đàm, trao đổi và không ngừng củng cố mối quan hệ song phương.

Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Việt Nam lần này là một minh chứng nữa cho sự hợp tác và tin tưởng giữa hai nước. Ngày nay, khi cả Mỹ và Việt Nam đều có những lợi ích hội tụ tại khu vực, thì việc thúc đẩy và nâng cấp quan hệ không đơn giản chỉ là một dấu mốc chính trị, mà nó còn là mong mỏi của người dân hai nước.

Thay vì chỉ nhìn quan hệ Việt - Mỹ qua lăng kính chiến lược hoặc một nước thứ ba, có lẽ sẽ không thể thấy hết tiềm năng to lớn của mối quan hệ này. Mỹ là một thị trường lớn, đầy tiềm năng của Việt Nam và ngược lại Việt Nam cũng là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Mỹ. Dư địa phát triển của hai nước còn rất nhiều, nhất là khi nó có sự ủng hộ và phát vọng vươn lên của người dân Việt Nam.

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, có tới 94,2% số người được hỏi đều tỏ thái độ có thiện cảm với Mỹ, 97,3% số người được hỏi đều ủng hộ mối quan hệ gần gũi giữa Mỹ với Việt Nam. Khoảng 67% số người được hỏi trả lời đặt kinh tế là ưu tiên hàng đầu trong hợp tác với Mỹ, trong đó an ninh - quốc phòng chỉ chiếm 32%. Có tới  93,7% số người được hỏi đều ủng hộ việc nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược”.

Quan hệ Việt - Mỹ đã có được những thành quả, nhưng thành quả ấy có tiếp tục được lưu giữ và phát huy hay không sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà quan trọng nhất ý chí, khát vọng của cả hai dân tộc. Điều quan trọng với Mỹ là cần tiếp tục xây dựng “niềm tin chiến lược” đối với Việt Nam.

Dân tộc Việt Nam đã phải trải qua một cuộc chiến tranh dài để dành được độc lập tự do. Những dấu tích về chiến tranh vẫn còn đó và hai bên sẽ còn nhiều việc phải làm để cùng xoa dịu nỗi đau đó. Khi có niềm tin chiến lược, quan hệ song phương sẽ còn tiến ra rất nhiều không chỉ dừng lại ở cấp “đối tác chiến lược” như hai bên cùng mong muốn.

TS Phạm Cao Cường (P. Viện trưởng phụ trách Viện NC Ấn Độ&Tây Nam Á)

Tin mới