Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lọc dầu Nghi Sơn tạm dừng hoạt động, nguồn cung xăng dầu trong nước thế nào?

(VTC News) -

Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) đã có thông báo sẽ tạm ngừng hoạt động để bảo dưỡng nhà máy trong 55 ngày, từ ngày 25/8.

Trước thông tin Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đơn vị đang đáp ứng khoản 35 - 40% nhu cầu trong nước, tạm dừng sản xuất 55 ngày để bảo dưỡng định kỳ trong tháng 8, nhiều người lo lắng thiếu hụt nguồn cung, giá xăng trong nước sẽ tăng cao.

Không để đứt gãy nguồn cung

Việc dừng hoạt động của Nhà máy Nghi Sơn trong gần 2 tháng đồng nghĩa với 35% - 40% nhu cầu xăng dầu trong nước sẽ phải dồn lên vai doanh nghiệp khác, trong đó có Lọc hóa dầu Bình Sơn (Dung Quất) và 35 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu.

Trước nỗi lo này, Bộ Công Thương đã tổ chức các cuộc họp với các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong thời gian tới, phân giao tổng nguồn nhập khẩu ngay từ đầu năm.

“Các doanh nghiệp đầu mối chủ động, nghiêm túc thực hiện nhập khẩu xăng dầu trong các tháng còn lại, không để đứt gãy thị trường khi NSRP tạm dừng hoạt động. Trong mọi tình huống không để đứt gãy, không để thiếu nguồn cung xăng dầu phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội", Bộ Công Thương yêu cầu.

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ tạm dừng hoạt động 55 ngày để bảo dưỡng, bắt đầu từ 25/8.

Để đảm bảo nguồn cung, Bộ Công Thương đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp gồm:

Thứ nhất, thường xuyên rà soát, điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu theo từng Quý, phù hợp với năng lực và khả năng đáp ứng của từng doanh nghiệp đầu mối nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.

Thứ hai, tăng cường theo dõi, giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp đầu mối nghiêm túc thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu theo đúng số lượng, tiến độ. Đồng thời, phối hợp với UBND tỉnh, thành phố đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu tại các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm.

Thứ ba, chỉ đạo PVN đôn đốc, giám sát các Nhà máy lọc dầu chủ động chuẩn bị các phương án để bảo đảm hoạt động ổn định, cung cấp đủ nguồn hàng ra thị trường theo cam kết; đồng thời, chuẩn bị các phương án (cả về kỹ thuật, nhân lực, vật tư, nguyên liệu) để hoạt động hết (và vượt) công suất nhằm tăng thêm nguồn cung cho thị trường.

Thứ tư, chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối chủ động tính toán sản lượng xăng dầu thiếu hụt từ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn trong giai đoạn bảo dưỡng để xây dựng kế hoạch tạo nguồn cung ứng xăng dầu cho hệ thống phân phối và thị trường, không được để xảy ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy nguồn cung.

Thứ năm, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc cập nhật, điều chỉnh kịp thời các chi phí kinh doanh xăng dầu, đồng thời điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ Bình ổn giá theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Doanh nghiệp chủ động nguồn hàng

Về phía các doanh nghiệp, thời gian qua đã tích cực thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Công Thương. Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 6, ông Trần Ngọc Năm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn có kế hoạch bảo dưỡng từ 25/8 sẽ tác động đến nguồn cung của thương nhân vào tháng 9, 10.

Tuy nhiên, “do Bộ Công Thương đã có kế hoạch phân giao nhập khẩu ngay từ đầu năm nên dự kiến việc dừng để bảo dưỡng nhà máy theo định kỳ sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung do doanh nghiệp đã tăng nhập khẩu để bù đắp cho nguồn thiếu hụt.

6 tháng cuối năm, tình hình nguồn cung xăng dầu cơ bản ổn định, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Chúng tôi sẽ theo dõi để thực hiện nghiêm kế hoạch của Bộ Công Thương về phân giao tổng nguồn nhập khẩu để đảm bảo ổn định nguồn hàng cho nhu cầu sử dụng trong nước”, ông Trần Ngọc Năm khẳng định.

Đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, theo kế hoạch năm 2023, Nhà máy Nghi Sơn và Bình Sơn trùng thời gian bảo dưỡng.

Các doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

“Để không bị đứt gãy nguồn cung trong nước, PVN đã yêu cầu Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn đẩy thời gian bảo dưỡng sang đầu năm 2024 để giảm bớt áp lực. Đây là nỗ lực của tập đoàn để góp phần đảm bảo nguồn cung”, đại diện PVN cho biết.

Trả lời VTC News về nội dung này, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho biết, thị trường xăng dầu có thể ảnh hưởng đôi chút về nguồn cung trong nước, song sẽ không quá lớn, bởi kế hoạch tạm dừng hoạt động của Nghi Sơn đã được báo trước từ sớm, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối đảm bảo nguồn cung.

“Hiện hơn 30 đầu mối nhập xăng dầu lớn trong nước đủ năng lực để nhập khẩu hàng. Hơn nữa, trước đây, chúng ta nhập khẩu 100% vẫn tốt, hiện nay cơ cấu nhập 30% nhu cầu, thì nhập thêm 35-40% của Nghi Sơn cũng không thành vấn đề. Thông lệ trên thế giới, các nhà máy lọc dầu cũng đều phải đại tu, sửa chữa sau 2 năm hoạt động. Việc dừng hoạt động sẽ phải lấy nguồn khác để bù vào là bình thường”, ông Bảo nói.

Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong 6 tháng đầu năm nay, xăng dầu nằm trong nhóm các mặt hàng nhập khẩu chính, tăng so với cùng kỳ năm 2022. Riêng trong tháng 5-6/2023, lượng nhập khẩu xăng dầu các loại tăng lần lượt là 36,5% và 14,9%. Nhưng tính chung trong quý 2, nhập khẩu xăng dầu các loại của cả nước chỉ đạt 1,92 triệu tấn, giảm 13,9% so với quý 1.

Nửa đầu năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu tới 5,2 triệu tấn xăng dầu các loại, với trị giá 4,16 tỉ USD, tăng 8,8% về lượng nhưng giảm 16,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng dầu diesel nhập khẩu đạt 2,82 triệu tấn, giảm gần 1% và lượng xăng nhập về đạt 1,11 triệu tấn, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu các loại vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm chủ yếu từ Hàn Quốc (2,07 triệu tấn, tăng 7,4%), Singapore (1,36 triệu tấn, tăng 113%) và Malaysia (885.000 tấn, tăng 13,3%).

PHẠM DUY

Tin mới