Trong khi đó, lợi nhuận thu được từ việc góp vốn vào dự án này lại thấp hơn nhiều số tiền mà PVN phải bỏ ra để bù lỗ cho “siêu dự án” này.
Đầu tư 9 tỷ USD, bù lỗ 1,5-2 tỷ USD?
Dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang được triển khai tại khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa có vốn đầu tư lên đến 9 tỷ USD. PVN là đối tác nội duy nhất và là 1 trong 4 đối tác góp vốn vào dự án.
Tuy nhiên, vai trò của PVN ở dự án này không chỉ dừng lại ở số vốn góp chiếm 25,1%.
Theo thỏa thuận giữa Chính phủ - do PVN thay mặt ký với liên doanh nhà đầu tư, dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn không chỉ được áp giá bán buôn các sản phẩm của mình tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu mà còn được cộng vào giá bán thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu (polypropylen, benzen...).
Đặc biệt, theo thỏa thuận với liên danh nhà đầu tư lọc dầu Nghi Sơn, trong 10 năm, nếu Nhà nước Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm phải bù cho lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này.
Đây chính là mấu chốt cho các tính toán thiệt hơn ngày càng lộ rõ.
Trên thực tế, theo lộ trình hội nhập, thuế nhập khẩu dầu từ ASEAN hiện nay (0%) đã thấp hơn giá trị ưu đãi cho lọc dầu Nghi Sơn. Vì thế, nếu lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, trong vòng 10 năm, PVN sẽ phải bỏ ra hàng tỷ USD để bù lỗ cho nhà máy này.
Cụ thể, theo một tính toán gần đây, với giá dầu 45 USD/thùng, dự kiến PVN sẽ phải bù lỗ cho lọc dầu Nghi Sơn 1,54 tỷ USD. Số tiền bù lỗ này sẽ lên 1,8 tỷ USD nếu giá dầu 50 USD/thùng. Còn ở phương án giá dầu 70 USD/thùng, PVN dự kiến sẽ phải chi ra 2 tỷ USD để bù lỗ cho lọc dầu Nghi Sơn.
Tóm lại, trong 10 năm kể từ khi lọc dầu Nghi Sơn vận hành, PVN có thể sẽ phải bỏ ra 1,5- 2 tỷ USD (từ 30.000 tỷ-trên 40.000 tỷ đồng) để bù lỗ cho dự án này.
Con số này vẫn chưa kể số kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho lọc dầu Nghi Sơn để đầu tư các hạng mục công trình.
Theo báo cáo của PVN, tổng mức hỗ trợ từ PVN cho lọc dầu Nghi Sơn để đầu tư các hạng mục công trình bên trong dự án như đê chắn sóng, đường nội bộ, hệ thống chiếu sáng… là hơn 3.800 tỷ đồng.
Lợi nhuận thu về không đủ bù lỗ?
“Đứng mũi chịu sào” bù lỗ cho lọc hóa dầu Nghi Sơn, còn lợi nhuận thu được của PVN với tư cách cổ đông tham gia góp vốn vào lọc dầu Nghi Sơn là bao nhiêu?
Theo tính toán, nếu giá dầu 45 USD/thùng, dự kiến PVN sẽ thu được 716 triệu USD trong vòng 10 năm, tương đương khoảng 1.600 tỷ đồng/năm.
Còn nếu giá dầu 50 USD/thùng dự kiến PVN sẽ thu được lợi nhuận khoảng 1.400 tỷ đồng/năm.
Như vậy, về cơ bản khi lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động thì PVN phải bù lỗ bình quân từ 80-110 triệu USD/năm, tương đương khoảng 1.800-2.000 tỷ đồng/năm.
Đó là chưa tính đến hỗ trợ trực tiếp cho lọc dầu Nghi Sơn để đầu tư các hạng mục công trình bên trong khu liên hợp lọc hóa dầu này là hơn 3.800 tỷ đồng.
Viễn cảnh này cũng đã được PVN đánh giá đầy đủ trong một báo cáo gửi Chính phủ hồi cuối năm 2015. Khi đó, con số hàng tỷ USD bù lỗ cho lọc dầu Nghi Sơn cũng đã được PVN nói đến. Đi kèm đó, PVN đã đề xuất hàng loạt kiến nghị để có tiền bù lỗ cho lọc dầu Nghi Sơn.
Một trong những phương án được PVN đề xuất là Chính phủ cần xây dựng quỹ (có thể tên là quỹ phát triển năng lượng bền vững), hình thành từ khoản phí xăng dầu tiêu dùng do tập đoàn này thu ngay tại cổng nhà máy khi bán sản phẩm cho khách hàng.
Một phương án khác nữa là cho phép PVN được giữ lại số tiền chênh lệch giữa thuế nhập khẩu xăng đang áp dụng hiện nay (20%) so với mức ưu đãi cho Nghi Sơn (7%). Tuy nhiên, PVN cho biết số tiền thu được từ khoản chênh lệch này (13%) mới chỉ đủ chi trả 80-85% số cần thanh toán cho Nghi Sơn từ 2017-2022, nhưng với điều kiện là không giảm thuế nhập khẩu xăng.
Mới đây, đại diện Bộ Tài chính đã làm việc với PVN để trao đổi, làm rõ, tính toán tổng chi phí hỗ trợ dành cho lọc dầu Nghi Sơn theo nguyên tắc chỉ tính những hỗ trợ đặc biệt dành riêng cho dự án; tính toán tổng lợi ích thu được của PVN khi tham gia dự án, chênh lệch hiệu quả dự án giữa hai phương án có hoặc không có hỗ trợ của Chính phủ để làm cơ sở xác định tác động đến số lỗ của PVN.