Hàng loạt khó khăn về bất động sản đang chờ tổ công tác của Thủ tướng tháo gỡ. Ảnh: Quỳnh Danh.
Ngày 17/11, Thủ tướng quyết định thành lập tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh thành.
Quyết định được ban hành trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản đối diện nhiều khó khăn, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh như dừng, trì hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO.
Một số đơn vị cũng đang tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động hoặc giảm lương của lao động, thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% nhân sự.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đánh giá đây là động thái tích cực, kịp thời của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường.
Theo đó, vấn đề cấp bách nhất, vướng mắc lớn nhất được nhiều doanh nghiệp đề xuất cần giải quyết để gỡ khó cho thị trường bất động sản ngay thời điểm này là pháp lý, chủ yếu do một số quy định pháp luật không đồng bộ.
Các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành ngay trong tháng 11 dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Hiện tại, thời gian thực hiện thủ tục hành chính với các dự án hiện kéo dài khoảng 3-5 năm, thậm chí doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh và tăng chi phí đầu tư.
Bên cạnh đó, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, trong lúc này, cần tập trung tháo gỡ cho khoảng 10 tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang có nhiều dự án bị vướng mắc pháp lý phải dừng thực hiện, nhằm tạo niềm tin và cú hích cho thị trường.
Còn với nguồn vốn, hiện nay nguồn vốn từ tín dụng lẫn trái phiếu đều cần được khơi thông bởi một số doanh nghiệp đã phải vay vốn ngoài xã hội như tín dụng đen với lãi suất rất cao để giải quyết nguồn vốn.
Các doanh nghiệp đề nghị sớm tháo gỡ vướng mắc để tái khởi động các dự án "trùm mền". Ảnh: Quỳnh Danh.
Các doanh nghiệp đề nghị Ngân hàng Nhà nước nới trần tín dụng thêm khoảng từ 1%, tương ứng khoảng 100.000 tỷ đồng. Khi đó, người dân có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng với các dự án đã có đầy đủ pháp lý, được triển khai bởi các chủ đầu tư có uy tín, năng lực, đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, nhất là các dự án nhà ở giá vừa túi tiền.
Lãnh đạo Novaland cũng từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn mới đây về mong muốn Ngân hàng Nhà nước có sự nghiên cứu, chỉ đạo cụ thể để khách hàng, nhà đầu tư, nhà phát triển bất động sản tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.
"Một trong những giải pháp hiện nay là tạo điều kiện cho những chủ đầu tư lớn, những dự án đã được thẩm định, được duyệt thì cần có sự cởi mở hơn trong việc tiếp cận tín dụng, giúp cho thị trường bất động sản ấm hơn", đại diện Novaland nói.
Báo cáo gần đây của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cũng cho biết Tập đoàn Đất Xanh đã dời kế hoạch mở bán dự án Opal Cityview và DXH Parkview tại Bình Dương từ quý III/2022 sang năm 2023 và Lux Star tại TP.HCM từ quý IV năm nay sang năm sau.
Tương tự, một dự án tại khu đô thị Vạn Phúc City đã “lùi” kế hoạch mở bán vào năm sau. Hay một "ông lớn" bất động sản khác cũng tạm dừng kế hoạch mở bán hai dự án, một ở Đồng Nai và một ở Cần Thơ sang 2023 thay vì cuối năm nay như kế hoạch trước đó.