Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Loạt thương hiệu thách thức thị trường tỷ dân và làn sóng tẩy chay ở Trung Quốc

(VTC News) -

Người tiêu dùng Trung Quốc kêu gọi tẩy chay hàng loạt nhãn hàng nổi tiếng sau quyết định không thu mua bông ở Tân Cương vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Tối 24/3, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đăng tải các bài viết phản đối H&M sau khi thương hiệu thời trang này tuyên bố ngừng làm việc với các nhà máy sản xuất hàng may mặc ở Tân Cương và không mua bông sản xuất ở khu tự trị này.

Động thái này của H&M được đưa ra không lâu sau khi Mỹ và một số châu Âu áp lệnh trừng phạt một số cá nhân và doanh nghiệp Trung Quốc liên quan tới vấn đề nhân quyền ở Tân Cương. 

H&M nhấn mạnh mục đích của họ là ủng hộ tất cả người nông dân trên thế giới có thể tiếp tục áp dụng phương thức gieo trồng bông, bảo vệ sức lao động của người nông dân.

H&M đi đầu làn sóng tẩy chay bông Tân Cương. (Ảnh: Axios)

"Kiếm nhiều tiền ở Trung Quốc nhưng lại cố tình vu khống và bôi nhọ Trung Quốc, những doanh nghiệp như thế này không có đạo đức kinh doanh và đi quá giới hạn", Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) viết trên tài khoản Weibo. Đi kèm là hashtag kêu gọi tẩy chay H&M và gỡ bỏ sản phẩm của nhà mốt này trên các sàn thương mại điện tử.

Cư dân mạng Trung Quốc chia sẻ chóng mặt hashtag này và kêu gọi cần có hành động để trừng phạt H&M.

Hưởng ứng lời kêu gọi này, Taobao và nhiều trang thương mại lớn của Trung Quốc khác gỡ tất cả các mặt hàng của H&M khỏi website của họ. 

Các nghệ sỹ nổi tiếng Trung Quốc như Hoàng Hiên, Tống Thiến cũng tuyên bố chấm dứt các hợp đồng hợp tác với hãng thời trang danh tiếng.

Phòng làm việc của Tống Thiến trong thông báo phát đi hôm 24/3 khẳng định nữ diễn viên không còn quan hệ với H&M và nhấn mạnh "lợi ích của đất nước là trên hết". 

Giữa cơn bão tẩy chay H&M, Nike được dự đoán sẽ rơi vào tình cảnh tương tự khi tuyên bố không sử dụng hàng dệt hoặc bông từ Tân Cương. 

Nhãn hàng thể thao này cũng tuyên bố chặn IP Trung Quốc truy cập vào trang web của hãng tại Mỹ. 

Ngay sau động thái trên, "Nike" trở thành từ khóa "hot" nhất trên mạng xã hội Trung Quốc với hàng chục triệu lượt tìm kiếm. 

Người tiêu dùng Trung Quốc giận dữ khi nhãn hàng này tham gia vào cuộc tẩy chay bông tới từ Tân Cương.

Cùng với H&M và Nike, người dùng mạng Trung Quốc cũng nhắm mục tiêu tới các thương hiệu khác là thành viên của Sáng Kiến Bông bền vững (Better Cotton Initiative – BCI) như Adidas và IKEA... Năm 2020, BCI đình chỉ cấp phép cho các trang trại ở Tân Cương. 

Trước làn sóng tẩy chay, H&M khẳng định tập đoàn này luôn tôn trọng người tiêu dùng Trung Quốc, đồng thời cam kết đầu tư và phát triển lâu dài tại quốc gia tỷ dân.

Trung Quốc là một trong bốn thị trường lớn nhất của H&M - nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới.

Song Hy (Tổng hợp)

Tin mới