Mặc cả như đi chợ
Cuối tháng 4/2019, chị Đào Thị Xoan (Tây Hồ, Hà Nội) đã đến văn phòng công chứng Tây Hồ (địa chỉ 240 Lạc Long Quân, Hà Nội) để hoàn thành hợp đồng mua bán căn hộ chung cư có diện tích 93m2 tại khu CT2A-CT2B Khu đô thị mới Xuân Phương, phường Xuân phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Căn cứ vào hợp đồng mua bán, giá trị của bản hợp đồng này là 800 triệu đồng.
Văn phòng công chứng Tây Hồ. (Ảnh: Việt Vũ)
Tại văn phòng làm việc, văn phòng công chứng Tây Hồ đã niêm yết công khai mức thu phí hợp đồng giao dịch dựa theo Nghị định 257/2016/TT-BTC.
Theo đó, với giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng giao dịch trên 100 triệu đồng tới 1 tỷ đồng, mức phí khách hàng phải trả cho văn phòng công chứng là 0,1% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng giao dịch. Như vậy, với hợp đồng mua bán hộ của chị Đào, dựa theo Nghị định 257/2016/TT-BTC mức phí sẽ là 800.000 đồng.
Bảng thông báo thu phí công chứng rất hoành tráng của văn phòng công chứng Tây Hồ.
Mặc dù treo biển thông báo mức phí rất hoành tráng, song giao dịch viên của văn phòng công chứng Tây Hồ lại đưa ra mức phí công chứng hợp đồng mua bán của chị Xoan lên tới 2,9 triệu đồng, gấp 3,5 lần so với Nghị định 257/2016/TT-BTC.
Không đồng tình với mức phí chênh quá cao so với Nghị định và bảng thu phí công khai, chị Xoan được văn phòng công chứng Tây Hồ giảm xuống còn 2,5 triệu đồng.
Thông báo một kiểu, thu phí một kiểu khác.
Chị Xoan bức xúc: "Khi tôi thắc mắc mức phí công chứng quá cao, nhân viên văn phòng công chứng Tây Hồ tự động giảm từ 2,9 triệu đồng xuống còn 2,5 triệu, mặc cả như ngoài chợ. Cách làm việc như vậy rất thiếu chuyên nghiệp".
Mỗi nơi tính một kiểu
Với cùng hợp đồng mua bán căn hộ chung cư trị giá 800 triệu đồng, chị Xoan cùng PV VTC News đã đến 2 văn phòng công chứng khác là văn phòng Vạn Xuân nằm trên phố Giang Văn Minh và văn phòng công chứng Nguyễn Tú có địa chỉ tại 90 Lý Thường Kiệt để tìm hiểu thêm mức phí công chứng.
Khác với văn phòng công chứng Tây Hồ, 2 văn phòng công chứng Vạn Xuân và Nguyễn Tú có cách tính thu phí công chứng hoàn toàn trái ngược.
Văn phòng công chứng Vạn Xuân và Nguyễn Tú có cách tích thu phí công chứng hoàn toàn trái ngược. (Ảnh: TP)
Cụ thể, tại văn phòng công chứng Vạn Xuân sẽ tính 0,1% dựa trên hợp đồng mua bán, cộng phí dịch vụ công chứng là 400.000 đồng, tổng cộng giá phí công chứng bao gồm hợp đồng 4 bản là 1,2 triệu đồng.
Đối với Văn phòng công chứng Nguyễn Tú, cách tính lại khó hiểu hơn nữa. Cụ thể, với diện tích căn hộ là 93,6m2 sẽ nhân với 14,761 triệu đồng (giá nhà chung cư theo quy định của Nhà nước).
Sau đó nhân với 90% giá trị căn hộ. Như vậy, tổng số tiền giao dịch hợp đồng mua bán căn hộ sẽ là 1,243 tỷ đồng (tăng thêm 400 triệu đồng so với hợp đồng mua bán của chị Xoan cung cấp).
Với 1 tỷ đầu tiên sẽ nhân với 0,1%. Số tiền còn lại sẽ nhân 0,06. Từ đó, phí công chứng là 1.145.000 đồng, phí thù lao công chứng 550.000 đồng. Tổng cộng 1,695 triệu đồng cho toàn bộ phí công chứng chuyển nhượng hợp đồng.
Ngoài ra, Văn phòng công chứng Vạn Xuân và Nguyễn Tú trên đều trả khách hàng hóa đơn đỏ, trong khi đó văn phòng công chứng Tây Hồ chỉ trả phiếu thu tự in.
Chị Xoan thắc mắc, liệu đây có phải là chiêu trò của các văn phòng công chứng để ép giá khách hàng hay không?
Theo luật sư Lê Văn Thiệp trưởng Văn phòng luật sư Toàn Cầu, văn phòng công chứng không có chức năng định giá tài sản, vì vậy không thể tự định giá rồi thu phí.
"Công chứng chỉ có chức năng thay mặt Nhà nước chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch có con dấu và tài khoản riêng hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác, tuy nhiên dựa trên nguyên tắc tôn trọng pháp luật”, Luật sư Lê Văn Thiệp cho biết.