Me rừng được biết đến là loại quả dại rất tốt cho sức khỏe. Dưới đây là những lợi ích của quả me rừng mà rất ít người biết.
Tổng quan về quả me rừng
Me rừng tên khác là chùm ruột núi, mận rừng (quả tròn thuộc họ thầu dầu), cần phân biệt với quả me Thái (quả dài thuộc họ đậu)... Quả còn xanh chứa 30-35% tanin, rất nhiều vitamin C (1-1,8g/100g). Tại Ấn Độ người ta coi quả me rừng như nguồn vitamin C. Quả tươi là vị thuốc mát lợi tiểu, nhuận tràng, dùng dưới hình thức làm mứt (thêm đường mật), khô dùng chữa lỵ, tiêu chảy.
Me rừng xuất hiện nhiều tại các tỉnh như Hòa Bình, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Cạn… thuộc miền Bắc nước ta.
Me rừng rất sai quả, sản lượng có thể đạt từ hàng chục đến hàng trăm kg quả tươi/cây. Me rừng là loài cây từ nhỏ đến nhỡ, chiều cao có thể lên tới 10-18m, có vỏ thân màu xám xanh và hoa màu vàng – lục, dạng chùm. Các tán lá cây dài khoảng 40 cm, xòe ra tạo thành một mặt phẳng. Vỏ thân hóa nâu và bị bóc thành các vẩy. Lá không lông, rộng chỉ 3 mm, dài 1,25 – 2 cm. Quả non màu xanh lục nhạt, khi chín màu đỏ gạch, đường kính 1,8 -2,5 cm.
Me rừng rất tốt cho sức khỏe
Tác dụng của quả me rừng
Theo Đông y quả me rừng vị chua, ngọt, đắng, tính mát có tác dụng thu liễm giáng áp.
Me rừng thường dùng chữa cảm mạo phát sốt, ho, đau cổ họng, miệng khô khát. Mỗi ngày dùng 10-30 quả sắc uống... Hoặc quả me rừng ướp muối, rồi phơi khô làm ô mai ngậm chữa ho, viêm họng, nôn mửa.
Trị tiểu đường: Quả me rừng 15 - 20g, ướp với muối ăn hoặc nấu nước uống hằng ngày.
Trị nước ăn chân: Lấy quả me rừng giã lấy nước bôi vào chỗ chân bị nước ăn
Chữa phù thũng: Quả me rừng 10 - 30g. Cũng có thể cho râu ngô, mã đề sắc cùng lấy nước uống nhiều lần trong ngày.
Theo sách “Những cây thuốc vị thuốc Việt Nam” của cố giáo sư Đỗ Tất Lợi, quả me rừng được dùng làm thuốc chữa một số bệnh dưới dạng sắc nước uống hoặc dưới dạng ô mai. Trong một số tài liệu mới đây nói đến quả me rừng ngâm đường hoặc mật ong làm sirô để giải khát, thanh nhiệt.
Theo Tây y, me rừng là loại quả rất giàu vitamin và khoáng chất như chất xơ, vitamin C, crom, tanin… và nhiều loại acid đa dạng như acid Gallic, acid phyllemblic, emblicol.
Đặc biệt, hàm lượng vitamin C trong 100g me rừng là 921mg, cao gấp gần 20 lần cam (chỉ 53mg vitamin C cho 100g). Bên cạnh đó, loại quả này còn được phát hiện là thực phẩm có hàm lượng chất chống oxy hóa cao nhất trong làng hoa quả. Đây là 2 chất có khả năng chống ung thư mạnh mẽ nên me rừng còn được một nghiên cứu trên Tạp chí Phòng chống Ung thư Châu Âu gọi là "loại quả mọng thần kỳ để điều trị và ngăn ngừa ung thư".
Nhiều nghiên cứu xác định rằng việc tiêu thụ chiết xuất me rừng có khả năng ngăn chặn quá trình sản sinh ung thư theo cơ chế làm giảm kích hoạt tế bào tiền viêm. Các loại ung thư bắt nguồn từ quá trình viêm mãn tính thúc đẩy sự thay đổi ở cấp độ tế bào. Các chất dinh dưỡng và enzym khác nhau trong chiết xuất me rừng giúp giảm phản ứng viêm tế bào, do tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ của nó.
Dưới đây là một số công dụng phổ biến của loại quả này đối với sức khỏe, mọi người có thể tham khảo để áp dụng:
1. Kiểm soát bệnh tiểu đường
Chất xơ dồi dào trong me rừng giúp làm chậm tốc độ hấp thụ đường của cơ thể. Điều này có thể giúp kiểm soát hiệu quả lượng đường trong máu.
2. Giúp tiêu hóa tốt hơn
Chất xơ trong quả me rừng giúp cơ thể điều chỉnh nhu động ruột và có thể giúp giảm các triệu chứng do các tình trạng như hội chứng ruột kích thích. Từ đó có tác dụng bảo vệ dạ dày, giữ cho hệ tiêu hoá hoạt động bình thường và đồng thời ngăn ngừa các vấn đề như viêm loét dạ dày. Ngoài ra me rừng còn làm giảm các triệu chứng ợ nóng, chướng bụng, đầy hơi.
3. Tốt cho mắt
Me rừng rất giàu vitamin A, là chìa khóa để cải thiện sức khỏe của mắt. Vitamin A không chỉ cải thiện thị lực mà còn có thể làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng do tuổi tác. Hàm lượng vitamin C trong loại quả này cũng giúp hỗ trợ sức khỏe của mắt bằng cách chống lại vi khuẩn, bảo vệ mắt bạn khỏi viêm kết mạc và các bệnh nhiễm trùng khác.
4. Tăng cường miễn dịch
Một khẩu phần 100g quả amla (khoảng nửa cốc) cung cấp 300mg vitamin C - nhiều hơn gấp đôi giá trị khuyến nghị hàng ngày cho người lớn. Bạn cũng sẽ tìm thấy một lượng đáng kể các polyphenol, alkaloid và flavonoid. Amla có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm.
Trước công dụng tuyệt vời của me rừng, các nhà khoa học của Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghệ: “Nghiên cứu tác dụng bảo vệ gan của quả me rừng với mục tiêu nghiên cứu thành phần hoá học và đánh giá tác dụng sinh học từ quả me rừng, tạo sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh gan”. Nhiệm vụ đã nghiên cứu thành công quy trình công nghệ chiết xuất tạo chế phẩm từ quả me rừng với tác dụng chống oxi hoá và bảo vệ gan.