Ngày 14/6, giá trị tiền mã hóa WebDollar (WEBD) tăng từ 0,0003711 USD lên 0,6121 USD trong khoảng 3 tiếng (16-19h theo giờ Việt Nam), tương đương hơn 164.842%. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch của loại tiền này giảm từ 345.000 USD còn 318.940 USD trong đợt biến động.
Theo dữ liệu của CoinMarketCap, đợt tăng giá của WebDollar nâng vốn hóa đồng tiền này từ 1,84 triệu USD vào 16h54 14/6 (giờ Việt Nam), lên 1,5 tỷ USD chỉ trong 5 phút.
Giá trị tiền mã hóa WebDollar tăng hơn 164.000% chỉ trong vài phút. (Ảnh: CoinMarketCap)
Đến 17h39 cùng ngày, vốn hóa của WebDollar giảm còn 5,12 triệu USD rồi bất ngờ tăng lên 9,5 tỷ USD vào 18h29. Từng có thời điểm WebDollar trở thành loại tiền mã hóa lớn thứ 18 dựa trên vốn hóa, vượt qua nhiều loại coin lâu đời như Stellar, VeChain hay Tron.
Đợt bùng nổ của WebDollar nhanh chóng kết thúc khi vốn hóa loại tiền này giảm hơn 99% trong chưa đầy 2 tiếng sau khi đạt mốc 9,5 tỷ USD. Tính đến 14h ngày 15/6 (giờ Việt Nam), vốn hóa của WebDollar là 10,38 triệu USD, rớt từ hạng 18 xuống 873.
Theo Coin Telegraph, đợt tăng giá của WebDollar là kết quả của hành vi pump-and-dump, dùng thủ thuật "thổi" giá coin lên mức bất thường (pump), sau đó liên tục bán ra để đẩy giá coin xuống gần chạm đáy (dump).
Vốn hóa thị trường của WebDollar tăng rồi giảm hàng tỷ USD chỉ trong vài giờ, ngay cả khi khối lượng giao dịch bị giới hạn trong phạm vi 400.000 USD. Ngoài ra, 99,23% hoạt động giao dịch của loại tiền này bắt nguồn từ sàn IndoEx.
IndoEx được đăng ký tại Anh, do người có tên Spencer Collins làm CEO và giám đốc tài chính. Một nhân vật khác, có tên Grace North xuất hiện với vai trò giám đốc công nghệ. Tuy nhiên, không thể tìm thấy hồ sơ của 2 người này trên LinkedIn hay Twitter. Trong khi đó, nhiều đánh giá cáo buộc Collins và North đều mang danh tính giả.
Những dấu hiệu trên cho thấy IndoEx chỉ là công cụ pump-and-dump tiền WebDollar trong 14/6. Sang ngày tiếp theo, loại tiền này đã trở lại giao dịch ở mức ổn định.