Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Loại cây hiếm tới mức được chính quyền thành phố mua bảo hiểm hơn 300 tỷ đồng

Loại cây này không chỉ tạo ra thành phẩm đắt hơn vàng mà nó còn được chính quyền thành phố mua bảo hiểm hàng trăm tỷ đồng.

Trên ngọn núi Vũ Di, tỉnh Phúc Kiến, phía Nam Trung Quốc có một phiến đá khắc 3 chữ màu đỏ "Đại Hồng Bào". Những nét chữ này do hòa thượng chùa Thiên Tâm đề tặng tên của một loại cây mọc cheo leo trên vách đá cao được mệnh danh là "quốc bảo" của Trung Quốc. Thực tế, đây là nhóm gồm 3 thân và 6 gốc cây trà được gọi tên chung là "cây mẹ Đại Hồng Bào" hay còn gọi là Đại Hồng Bào Vũ Di Sơn.

Cây mẹ Đại Hồng Bào là loại cây thế nào?

Đại Hồng Bào Vũ Di Sơn là loại cây trà thuộc dòng Ô long. Ngoài ra, nó còn có tên là Nham trà Vũ Di Sơn, xuất phát từ việc những cây trà này mọc ở trên các vách đá (nham thạch).

Loại trà này được đặt tên như vậy là bởi lá trà sau khi hái được oxy hóa tự nhiên từ 50-60% do tác động của enzyme thực vật trong lá khiến màu nước màu đỏ cam. Màu nước trà này giống màu của chiếc áo khoác màu đỏ thời xưa. Trà Đại Hồng Bào vị ngọt, thanh, không giống với bất kỳ loại trà nào khác. Khi pha cần sử dụng nước tinh khiết, đun tới 100 độ C. Những lần hãm sau cũng phải đảm bảo nước phải ở nhiệt độ này.

Loại cây trà Đại Hồng bào khi sử dụng có tác dụng thanh nhiệt, thải độc, giảm mệt mỏi, lợi tiểu, hạ sốt, giảm béo, tốt cho hệ tiêu hóa, ngừa ung thư, hạ lipid máu, chống lão hóa…

Trà Đại Hồng Bào được mệnh danh là vua các loại trà, nó đứng đầu thập đại danh trà (10 loại trà nổi tiếng) của Trung Quốc. Đặc biệt, loại trà được lấy từ núi Vũ Di có chất lượng thượng hạng, thời xưa chỉ dùng để tiến vua.

6 cây mẹ Đại Hồng Bào được chính quyền tỉnh Phúc Kiến bảo hiểm lên tới hơn 300 tỷ đồng. (Ảnh: Sohu)

Loại cây được bảo hiểm hàng trăm tỷ đồng

Theo các chuyên gia thực vật học, những cây trà Đại Hồng Bào trên núi Vũ Di hơn 350 năm tuổi. Chúng xuất hiện từ cuối thời nhà Minh và đến nay vẫn sống khỏe mạnh trên núi Vũ Di. Hiện chúng được liệt vào danh sách Di sản Tự nhiên và Văn hóa Thế giới với tư cách là những cây trà cổ thụ nổi tiếng nhất trên thế giới. Mỗi năm những cây trà Đại Hồng Bào này chỉ thu hoạch được chưa tới 500 gram thành phẩm.

Năm 2002, trong một cuộc đấu giá đặc biệt ở Quảng Châu, 20 gram trà Đại Hồng Bào đã được bán với giá 180.000 NDT (gần 600 triệu đồng).

So với giá vàng ở thời điểm đó thì 1 gram trà Đại Hồng Bào đổi được 90 gram vàng. Điều này đã chứng tỏ mức độ quý hiếm của loại trà này.

Thậm chí, chính quyền tỉnh Phúc Kiến đã mua bảo hiểm cho 6 cây trà Đại Hồng Bào này lên tới hơn 300 tỷ đồng.

Vì sao Đại Hồng Bào Vũ Di Sơn được ưa chuộng như vậy?

Theo các chuyên gia, sở dĩ loại cây này được đánh giá cao như vậy là bởi những nguyên nhân sau.

Thứ nhất, do những cây trà mọc trên vách núi. Đây là khu vực nắng chiếu ít, chủ yếu chỉ nhận được tia phản xạ. Cộng thêm sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm ở đây khá lớn, đỉnh vách núi quanh năm có nước suối chảy qua mang theo khoáng chất đã bồi đắp cho những cây trà Đại Hồng Bào ở núi Vũ Di. Nhờ những điều kiện tự nhiên đặc thù này mà loại trà Đại Hồng Bào Vũ Di Sơn có được hương vị độc nhất vô nhị.

Thứ hai là do cách chế biến công phu. Loại cây trà Đại Hồng Bào này cần phải được hái hoàn toàn bằng tay, mỗi năm chỉ hái một lần vào tháng 5 hoặc tháng 6. Tiêu chuẩn hái lá trà tươi là mỗi búp chỉ có 2-3 lá và không được để chúng chạm xuống đất. Trà Đại Hồng Bào không dùng phương pháp rửa qua nước để làm sạch lá.

Trên vách núi Vũ Di là 3 chữ "Đại Hồng Bào" màu đỏ để giới thiệu về loại trà "quốc bảo" của Trung Quốc. (Ảnh: Sohu)

Lá trà sau khi hái được trải đều dưới nắng, dùng nắng và gió để hong khô. Sau khi lá héo mới chuyển vào nơi râm mát. Tiếp đến, lá trà được đựng trong một cây tre lớn để quá trình oxy hóa polyphenol được thuận lợi.

Đây là bước rất quan trọng và phức tạp để hình thành nên hương vị đặc biệt của loại trà này. Trà có thể sao bằng tay hoặc máy. Nhiệt độ sao trà bằng tay hay máy cũng có quy định khắt khe. Bước tiếp theo là nhào bằng máy hoặc tay để cuộn, xoắn lá trà thành hình dạng dây. Cuối cùng là bước đặt lá trà vào rổ rồi sử dụng nhiệt độ khác nhau để làm nóng và khô lá.

Thứ ba là do hương vị đặc sắc của trà. Lá trà Đại Hồng Bào sau khi làm khô có hình dáng như những sợi dây thừng hơi xoắn. Chúng màu xanh và nâu. Nước trà khi pha có mùi hương hoa lan đặc trưng và vị ngọt hậu kéo dài. Nước của nó có màu sánh vàng cam, trong vắt. Trà Đại Hồng Bào có thể giữ nguyên hương vị sau 9 lần hãm.

Thứ tư là do sự quý hiếm của loại cây trà Đại Hồng Bào Vũ Di Sơn. Kể từ khi tìm thấy những cây trà cổ thụ này vào khoảng 100 năm trước, trong suốt 50 năm sau đó, các chuyên gia cố gắng lai tạo loại cây này nhưng đều không thu được kết quả.

Do đặc điểm chất lượng tốt nhưng khó trồng, năng suất thấp nên trà Đại Hồng Bào Vũ Di Sơn được coi là giống trà quý hiếm nhất Trung Quốc. Mỗi năm loại trà này chỉ được bán ra khoảng 20 gram. Tuy nhiên để duy trì chất lượng và kéo dài tuổi thọ những cây mẹ ở núi Vũ Di, chính quyền tỉnh Phúc Kiến đã quyết định ngừng thu hoạch lá trà kể từ năm 2005. Hiện nay trên thị trường chỉ còn khoảng rất ít trà Đại Hồng Bào chính gốc từ 6 cây mẹ. Vì vậy, dù những đại gia dù muốn đổi cả gia sản cũng khó có cơ hội sở hữu loại trà này.

Loại cây vô giá

Tương truyền vào thời nhà Đường, Đại Hồng Bào từng được sử dụng làm quà tặng cao cấp. Đến thời nhà Nguyên, Đại Hồng Bào được dùng như một trong những cống phẩm hảo hạng. Đến triều đại Vũ Nguyên Tông, người ta còn xây dựng một xưởng chế biến trà và vườn trà dành riêng cho hoàng tộc.

Để chế biến ra loại trà thượng phẩm Đại Hồng Bào, người ta phải qua rất nhiều khâu phức tạp. (Ảnh: Sohu)

Đến thế kỷ 18, đời vua Khang Hi, loại trà này lần đầu được giới thiệu tại châu Âu, sau đó còn xuất khẩu sang Bắc Mỹ và các nước Đông Nam Á.

Theo một chuyên gia về trà, trà Đại Hồng Bào Vũ Di Sơn quá đắt vì hiện nay chỉ còn lại 6 cây mẹ. Vì vậy, loại trà này vô cùng quý, nếu không muốn nói là vô giá. Nó đặc biệt đến mức những chuyên gia môi giới phải tham gia thế giới của những người giàu có mê trà để làm trung gian giữa người bán và người mua. Hiện nay, do số lượng cực kỳ ít ỏi nên trà Đại Hồng Bào Vũ Di Sơn chỉ được dùng để phục vụ tiếp khách ngoại giao của Nhà nước và những sự kiện trọng đại.

Không những thế, để tránh cho loại cây này bị phá hoại, chính quyền tỉnh Phúc Kiến đã cử người canh gác 6 cây mẹ trên núi Vũ Di nghiêm ngặt.

Nguồn: Phụ Nữ Việt Nam

Tin mới