Một nghiên cứu mới công bố ngày 17/1 cho biết gần 2/3 số cá mập và cá đuối sống ở các rạn san hô trên thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng, đồng thời cảnh báo rằng điều này có thể gây nguy hiểm hơn nữa cho các rạn san hô quý giá.
Các rạn san hô, nơi sinh sống của ít nhất 1/4 các loài động vật và thực vật biển, đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi một loạt hoạt động của con người, trong đó có đánh bắt quá mức; tình trạng ô nhiễm và biến đổi khí hậu.
(Ảnh minh họa: Shutterstock)
Theo bà Samantha Sherman, thuộc Đại học Simon Fraser ở Canada và Mạng lưới giám sát thương mại động vật hoang dã TRAFFIC International, các loài cá mập và cá đuối - từ loài săn mồi đỉnh cao đến những loài ăn lọc - đóng vai trò quan trọng trong các hệ sinh thái mỏng manh này mà các loài khác không thể thay thế được.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature Communications cho thấy hai loài này đang bị đe dọa nghiêm trọng trên toàn cầu.
Các tác giả nghiên cứu phát hiện thấy 59% các loài cá mập và cá đuối ở rạn san hô đang bị đe dọa tuyệt chủng. Nguy cơ tuyệt chủng này tăng gần gấp đôi ở loài cá mập và cá đuối nói chung. Trong số này, 5 loài cá mập và 9 loài cá đuối được xếp vào danh sách cực kỳ nguy cấp.
Nghiên cứu đã đánh giá dữ liệu về những loài dễ có nguy cơ tuyệt chủng của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) để xem xét 134 loài cá mập và cá đuối có liên quan đến rạn san hô.
Theo bà Sherman, nhiều loài mà giới khoa học cho là phổ biến đang suy giảm với tốc độ đáng báo động và trở nên khó tìm thấy hơn ở một số nơi. Bà nhấn mạnh, mối đe dọa lớn nhất đối với các loài này cho đến nay là hoạt động đánh bắt quá mức.
Cá mập đang bị đe dọa nhiều nhất ở Tây Đại Tây Dương và một phần của Ấn Độ Dương, trong khi Ấn Độ Dương và Đông Nam Á là những nơi có rủi ro cao nhất đối với loài cá đuối.
Bà Sherman cho biết, những khu vực này diễn ra hoạt động đánh bắt quá mức và hiện không có biện pháp quản lý để giảm tác động đối với các loài này.
Tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về buôn bán các loài có nguy cơ tuyệt chủng diễn ra vào tháng 11/2022, đại biểu các nước đã thông qua kế hoạch bảo vệ hàng chục loài cá mập và cá đuối, bổ sung thêm 21 loài cá mập và cá đuối sinh sống ở rạn san hô vào danh sách bảo vệ. Trước đó, 18 loài đã được đưa vào danh sách này.
Bà Sherman cho biết đây là "bước đi đúng hướng," song các nước cần nỗ lực tăng cường thực hiện các quy định này.
Hoạt động đánh bắt tại các rạn san hô trực tiếp hỗ trợ sinh kế và an ninh lương thực của hơn nửa tỷ người trên thế giới.
Tuy nhiên, hệ sinh thái quan trọng này đang đối mặt với mối đe dọa hiện hữu do hoạt động khai thác quá mức và sự nóng lên trên toàn cầu.
Biến đổi khí hậu do con người gây ra đã đẩy nhanh quá trình tẩy trắng san hô hàng loạt do nước biển ấm lên.
Theo các nghiên cứu bằng phương pháp lập mô hình, ngay cả khi đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là giữ mức tăng nhiệt của Trái Đất ở mức 1,5 độ C, thì 99% số rạn san hô trên thế giới sẽ không thể phục hồi. Với mức tăng nhiệt là 2 độ C, tỷ lệ này lên tới 100%.