Gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc và tăng cường hiện diện quân sự của Bắc Kinh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một trong những vấn đề khiến Mỹ “đau đầu” trong chính sách đối ngoại ở Đông Á và Đông Nam Á.
Mỹ nhận thức rằng nếu một cuộc đối đầu vũ trang với Trung Quốc diễn ra ở châu Á - Thái Bình Dương, các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, cũng như các căn cứ quân sự trong khu vực sẽ đối mặt với hỏa lực của Bắc Kinh. Đặc biệt là lực lượng không quân trên đảo Guam và Hawaii.
Do đó, để có phương án dự phòng, Washington sẽ xây dựng thêm một căn cứ quân sự mới, khiến các cuộc tấn công vào Guam không thể làm tê liệt lực lượng không quân Mỹ trong khu vực.
Mỹ sẽ xây dựng thêm căn cứ quân sự mới trên Thái Bình Dương.
Chuyên gia Tyler Rogoway của tờ The Drive cho biết, căn cứ Andersen ở Guam không dễ bị tổn thương như các cơ sở của nước này ở Nhật Bản hay Hàn Quốc. Song hiện nay Trung Quốc đang tích cực phát triển sức mạnh tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom chiến lược. Do đó không thể loại trừ rủi ro các cuộc tấn công nhằm vào Guam của Quân giải phòng Trung Quốc (PLA).
Một lý do khác khiến quân đội Mỹ xem xét sự cần thiết phải xây dựng căn cứ thứ hai là rủi ro thiên tai cao trong khu vực. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến việc Mỹ mất căn cứ không quân quan trọng nhất ở Thái Bình Dương. Theo đó, Washington cho rằng, một giải pháp thay thế là xây dựng thêm một căn cứ trên đảo Tinian, thay thế cho Guam.
Siêu căn cứ thứ hai trên Thái Bình Dương
Đảo Tinian nằm cách 160km về phía Bắc đảo Guam và là một phần của quần đảo Bắc Mariana. Năm 1944, căn cứ Không quân Mỹ tại North Field được triển khai trên hòn đảo này. Từ đây các máy bay ném bom của Mỹ cất cánh và thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản năm 1945. Vì vậy, Washington đã có kinh nghiệm sử dụng Tinian cho chiến tranh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, Mỹ đã từ bỏ căn cứ quân sự tại Tinian. Các đường băng lớn song song và các cấu trúc khác của sân bay quân sự đã xuống cấp theo thời gian. Tuy vậy, sân bay vẫn tiếp nhận định kỳ máy bay quân sự của Mỹ.
Trong những năm gần đây, sân bay này thậm chí còn được cải tạo trong trường hợp diễn tập quân sự. Tuy nhiên, nó không có khả năng chứa các máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay vận tải quân sự hiện đại.
Đảo Tinian nằm cách 160 km về phía Bắc đảo Guam.
Ngoài sân bay North Field cũ, sân bay Tinian nằm ở trung tâm hòn đảo có khả năng tiếp nhận một số loại máy bay chiến đấu, trong đó có F-15. Nó cũng được các máy bay quân sự của Mỹ sử dụng định kỳ. Song hiện nay không có nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ cho mục đích quân sự.
Do đó, sau khi Lầu Năm Góc quyết định xây dựng căn cứ trên đảo Tinian, lãnh đạo quân sự Mỹ đã đưa ra kết luận về sự cần thiết phải hiện đại hóa cơ sở hạ tầng kĩ thuật. Theo đó sân bay trên đảo Tinian sẽ được cải tạo để tiếp nhận 12 máy bay tiếp dầu và lực lượng nhân viên hỗ trợ.
Ngoài ra, các cuộc tập trận thường xuyên sẽ được tổ chức tại sân bay trong tối đa 8 tuần mỗi năm. Mục đích của cuộc tập trận, theo quân đội Mỹ, sẽ thực hành các hoạt động chuẩn bị trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang. Trong đó chủ yếu là đảm bảo việc máy bay chiến đấu và máy bay ném bom cất cánh từ căn cứ chính của Không quân Mỹ ở khu vực Guam.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Tyler Rogoway, sân bay mới trên Tinian cũng có thể là mục tiêu cho các cuộc tấn công tên lửa của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc phá hủy 2 sân bay này sẽ tốn kém và khó thực hiện hơn nhiều. Đó là lý do mà Lầu Năm Góc đã tính đến, khi lên kế hoạch triển khai căn cứ không quân thứ hai trên đảo Tinian.