Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lộ phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 trước kế hoạch công bố, Bộ GD&ĐT nói gì?

(VTC News) -

Đại diện Bộ GD&ĐT lên tiếng về thông tin phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025 được lan truyền trên mạng xã hội trước khi công bố.

Theo kế hoạch cuối giờ chiều nay 29/11 Bộ GD&ĐT sẽ họp, công bố phương án thi tốt nghiệp THPT 2025. Tuy nhiên, từ sáng nay văn bản phương án thi tốt nghiệp 4 môn (2 môn bắt buộc Toán, Văn và hai môn tự chọn) lan truyền khắp mạng xã hội.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, quyết định về phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 được ký ngày 28/11, lịch tổ chức họp báo công bố là ngày 29/11. 

"Quyết định này không phải văn bản mật nên không xác định ở đây có việc lộ, lọt tài liệu. Bộ GD&ĐT rất tiếc khi để xảy ra việc thông tin lan truyền không chính thức trước họp báo", ông nói.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu chiều nay.

Theo ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, trước buổi họp báo, nội dung thông tin qua rất nhiều khâu chuẩn bị. "Bộ GD&ĐT đang xác minh việc lộ lọt thông tin ra ngoài trước khi diễn ra họp báo công bố thông tin phương án thi tốt nghiệp THPT 2025".

Ông Chương nói thêm, định hướng xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 dựa trên 3 nguyên tắc lớn.

Thứ nhất, căn cứ vào các nghị quyết của Đảng và Chính phủ, trong đó nhấn mạnh các từ khóa như "kỳ thi phải giảm áp lực", "gọn nhẹ", "giảm tốn kém cho xã hội".

Thứ hai, kỳ thi bám sát mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thứ 3, kỳ thi kế thừa kinh nghiệm của những năm gần đây về kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Theo phương án của Bộ GD&ĐT công bố, từ năm 2025, các thí sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Riêng môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại theo hình thức trắc nghiệm. Nội dung thi bám sát chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức kỳ thi trên toàn quốc theo hình thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian. Phương thức xét công nhận tốt nghiệp sẽ kết hợp giữa đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vẫn chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương, chủ động phương án về nhân lực, vật lực, các điều kiện cần thiết tổ chức kỳ thi. Địa phương cũng chủ động tổ chức thanh tra, giám sát tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo lịch thi chung và hướng dẫn của bộ.

Mục đích của kỳ thi được xác định để đánh giá kết quả học tập của học sinh theo chuẩn cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông mới, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. 

Kết quả thi cũng là cơ sở để đánh giá chất lượng dạy và học, cung cấp dữ liệu tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Hà Cường

Tin mới