Tại cuộc họp định kỳ của UBND tỉnh Đắk Lắk, Lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk phản hồi các thông tin liên quan đến vụ chi hàng trăm triệu đồng cấp chứng chỉ hành nghề y, mà trước đó báo chí phản ánh.
"Có 4 trường hợp được cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, 4 trường hợp này sau khi báo chí phản ánh, Sở đã thu hồi. Đơn vị nghiệp vụ cũng đã kiểm điểm, thi hành kỷ luật một số cá nhân liên quan. Các chứng chỉ trên bị thu hồi vì không đến nộp hồ sơ, thiếu sót nhiều vấn đề và nhờ người khác nộp hồ tại phòng một cửa. Sở cấp chứng chỉ hành nghề đúng theo quy định, đồng thời tiếp tục giám sát các quy trình cấp chứng chỉ hành nghề", lãnh đạo Sở Y tế nói.
Lãnh đạo Bệnh viện vùng Tây Nguyên trả lời chất vấn tại cuộc họp báo.
Trước các giải thích trên, phóng viên như VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam); Báo Tiền Phong và Thông Tấn xã Việt Nam đặt câu hỏi, vì sao Sở Y tế nói làm đúng quy định nhưng lại ban hành quyết định thu hồi, đồng thời vụ việc này đã chuyển đến cơ quan điều tra?
Trước những câu hỏi trên, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, về việc cấp giấy chứng nhận nghiệp vụ phải qua 6 bước. Tuy nhiên, những học viên này không tự đi nộp hồ sơ và nhiều yếu tố liên quan khác trong lúc học nên buộc cơ quan chức năng phải thu lại chứng chỉ.
"Sở cấp chứng chỉ vì hồ sơ của những học viên này trước đó đã được lãnh đạo Bệnh viện vùng Tây Nguyên ký xác nhận. Sau khi phát hiện sự việc, Sở đã vào cuộc xác minh, thấy không đúng thực tế nên phải thu hồi. Còn về việc phải chi hàng trăm triệu để có được chứng chỉ thì phải đợi kết quả của công an", lãnh đạo tỉnh cho hay.
Phóng viên báo Tiền Phong đặt câu hỏi tại cuộc họp báo.
Liên quan đến vụ việc, đại diện Công an tỉnh Đắk Lắk tại cuộc họp báo cho biết, phải đợi chỉ đạo từ Giám đốc Công an tỉnh.
Cũng tại cuộc họp, bác sĩ Nguyễn Đại Phong - giám đốc Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, bệnh viện không ký quyết định cho các học viên học nâng cao nghiệp vụ trong 18 tháng mà chỉ ký cho học viên học 12 tháng. Sau khi sự việc báo chí nêu, đơn vị đã rà soát kiểm tra và kỷ luật bác sĩ H’Xuân Niê - cán bộ phòng Kế hoạch tổng hợp; Ban giám đốc kiểm điểm nghiêm khắc, phê bình rút kinh nghiệm.
Ngoài ra, bác sĩ Phong cũng lý giải về việc bệnh viện vừa di dời nên qua cơ sở mới gặp rất nhiều khó khăn trong công tác khắc phục cơ sở. Trong đó, thời điểm dịch COVID-19, ngành Y tế đang nỗ lực phòng ngừa, ngăn chặn nhưng bệnh viện đón nhiều bệnh nhân, về trang thiết bị còn thiếu thốn. Do đó, hình ảnh găng tay, khẩu trang... buộc phải tái sử dụng bằng cách khử trùng, giặt để sử dụng trở lại.
Như VTC News đưa tin, trước đó, Sở Y tế có kết luận kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với công tác xác nhận thời gian thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề tại BVĐK Vùng Tây Nguyên.
Cụ thể, ông Huỳnh Văn Bình (SN 1985) đã liên hệ với một người phụ nữ tên Ý (TP.HCM) qua mạng xã hội để nhờ người này làm thêm chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh (chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ viện).
Sau đó, Ý hướng dẫn ông Bình gặp bà Lê Thị Ánh Hồng (người tự xưng là bác sĩ chuyên khoa Da liễu, trú TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).
Giá chứng chỉ hành nghề của ông Bình là 220 triệu đồng. Số tiền này được chuyển 3 lần vào tài khoản của bà Hồng.
Bệnh viện vùng Tây Nguyên, nơi xảy ra sự việc.
Tiếp đó, bà Hồng đưa ông Bình đến Phòng tổ chức cán bộ tại BVĐK vùng Tây Nguyên bổ sung hồ sơ, nhận quyết định tiếp nhận và phân công người hướng dẫn thực hành tại khoa Chấn thương chỉnh hình do bác sĩ Nguyễn Đại Phong - Giám đốc bệnh viện ký.
Nếu theo quy định, ông Bình phải có mặt ở bệnh viện 12 tháng mới đủ điều kiện thì Thanh tra Sở Y tế xác định, người này chỉ có mặt ở bệnh viện khoảng 1 tháng (tháng 7/2018).
Cùng với ông Bình, Thanh tra còn phát hiện thêm 3 người khác gian dối khi làm hồ sơ thực hành tại BVĐK Tây Nguyên để được cấp chứng chỉ hành nghề, gồm: ông Hứa Chí Cường (SN 1982); ông Lê Anh Tài (SN 1978) và ông Huỳnh Thanh Giàu (SN 1976). Ba người này đều có hình thức mua chứng chỉ với giá 300 triệu đồng.
Sau đó, Sở Y tế Đắk Lắk đã quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định đối với 4 trường hợp này, gồm: Ông Huỳnh Văn Bình (SN 1985, quê tỉnh Lâm Đồng), ông Lê Anh Tài (SN 1978, quê Thừa Thiên Huế), ông Hứa Chí Cường (SN 1981, quê TP.Hồ Chí Minh) và ông Huỳnh Thanh Giàu (SN 1976, ngụ tỉnh Đồng Tháp). Bốn trường hợp nói trên đều đang có trình độ chuyên môn bác sĩ đa khoa.
Video: Họp báo định kỳ tháng 6 năm 2020 tại UBND tỉnh Đắk Lắk