Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tên gọi trước đây là TPP, gần đây đã thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia từ Anh - nước đã bày tỏ sự quan tâm tham gia vào năm tới, tới Thái Lan và thậm chí cả cường quốc thương mại toàn cầu Trung Quốc.
Sự quan tâm của Trung Quốc dấy lên nhiều lo ngại do ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này đối với thương mại ở châu Á - Thái Bình Dương, cũng như lập trường của Bắc Kinh đối với các doanh nghiệp nhà nước và vấn đề sở hữu trí tuệ.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết: “Với 11 thành viên CPTPP, các quốc gia mới không thể tham gia mà không có sự chấp thuận của các thành viên này. Hiện có các rào cản lớn đối với thành viên mới. Chúng tôi sẽ cân nhắc về đề xuất gia nhập của các nước”.
Nhật Bản từ chối nới lỏng quy tắc CPTPP do lo ngại ảnh hưởng của Trung Quốc. (Ảnh: Nikkei Assia)
Các nước muốn tham gia CPTPP cần có sự chấp thuận của 11 thành viên gồm Nhật Bản, Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Hôm 15/12, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi nhấn mạnh, CPTPP đặt ra các tiêu chuẩn cao đối với các quy định về thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ và doanh nghiệp nhà nước. “Chúng tôi cần đảm bảo rằng bất kỳ thành viên mới nào cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn này”, ông Toshimitsu Motegi cho hay.
Các tiêu chuẩn hiện có của CPTPP sẽ kiểm tra cam kết của Trung Quốc khi tham gia thỏa thuận, trong đó có quy định như cấm đối xử đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhà nước để đảm bảo tính cạnh tranh, bình đẳng.
Yorizumi Watanabe, giáo sư kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kansai, Nhật Bản cho biết: “Nhật Bản phải làm rõ rằng họ sẽ không nới lỏng các tiêu chuẩn hiện có của CPTPP đối với Trung Quốc. Nhật Bản cũng nên chuẩn bị sẵn sàng cho việc từ chối Trung Quốc nếu nước này không đáp ứng các tiêu chuẩn".
Tháng trước, 15 quốc gia, trong đó có Nhật Bản và Trung Quốc đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới. Để ngăn Trung Quốc thống trị về thương mại, Nhật Bản hy vọng sẽ mở rộng CPTPP thành một khối thương mại lớn hơn nữa. Tuy nhiên, Nhật Bản với tư cách là Hội đồng CPTPP năm 2021, không có kế hoạch hạ thấp các tiêu chuẩn của CPTPP vì mục đích mở rộng.
CPTPP không có thành viên mới kể từ khi có hiệu lực vào tháng 12/2018. Với mong muốn tham gia CPTPP, Anh nỗ lực tăng cường quan hệ thương mại với các nước trong khu vực sau khi nước này rời Liên minh châu Âu (EU). Hầu hết các thành viên CPTPP đều hoan nghênh ý tưởng này của Anh.
Có nhiều ý kiến trái chiều trước bình luận của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng trước rằng ông sẽ "cân nhắc lợi ích" của việc tham gia CPTPP. Trung Quốc được cho là đang có gắng đạt được các thỏa thuận thương mại để củng cố ảnh hưởng kinh tế của nước này ở châu Á - Thái Bình Dương, trong khi Mỹ tập trung vào quá trình chuyển tiếp tổng thống. Cũng có suy đoán cho rằng, Bắc Kinh đang cố gắng lấn sâu vào mối quan hệ của Washington với Tokyo.
Khi một quốc gia xin gia nhập CPTPP, khối này sẽ thành lập một nhóm làm việc để xác định xem quốc gia đó có thể đáp ứng các quy tắc của hiệp ước hay không. Các ứng viên được khuyến khích tổ chức các cuộc đàm phán sơ bộ với các thành viên CPTPP trước khi chính thức nộp đơn.
Trong khi đó, Nhật Bản hy vọng Mỹ sẽ tham gia lại CPTPP dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden. Thế nhưng, ông Biden vốn là người đã ủng hộ thỏa thuận thương mại ban đầu, được thúc đẩy bởi chính quyền Obama, tập trung nhiều vào các doanh nghiệp trong nước trong chiến dịch tranh cử vừa qua.
Nhận xét về khả năng tham gia trở lại của Mỹ, giáo sư tại đại học Kansai, ông Yorizumi Watanabe cho rằng, Washington khó có thể tham gia CPTPP trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tiếp theo vào mùa thu năm 2022. "Công việc của Nhật Bản đang tạo tiền đề cho Mỹ quay trở lại khi ủng hộ Anh và Thái Lan trở thành thành viên mới của CPTPP", ông Watanabe nói