Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lộ diện vũ khí đáng gờm của Hải quân Triều Tiên

(VTC News) -

Lực lượng vũ trang Triều Tiên phát triển mạnh mẽ, với tham vọng hiện đại hóa hải quân, bất chấp đồn đoán của phương Tây về sự đình trệ của nước này.

Trang tin tức chuyên theo dõi các thông tin về Triều Tiên, NK News có được những bức ảnh đầu tiên liên quan đến tàu hộ tống hiện đại hóa nhiều năm trước. Tàu này đậu ở cảng thành phố Rason, phía Đông Bắc Triền Tiên.

Theo đó, con tàu có chiều dài 77 m. Thiết kế được cải tiến để giảm tiết diện radar, tăng khả năng tàng hình của phương tiện. Đặc biệt, tàu hộ tống này được vũ trang mạnh mẽ, với tên lửa hành trình phòng thủ bờ biển mới của Triều Tiên là KN19, một hệ thống đất đối không tầm ngắn, và các bệ phóng ngư lôi. Đây được xem là một trong những vũ khí mới của lực lượng Hải quân Triều Tiên.

Hệ thống KN-19 có tầm hoạt động hiệu quả từ 200 - 250km. (Ảnh: Military Watch)

KN-19, còn được biết đến là Kumsong-3, là một phiên bản cải tiến của tên lửa hành trình chống tàu Kh-3 của Triều Tiên, do Liên Xô sản xuất. Theo cộng đồng tình báo Mỹ, KN-19 có tầm hoạt động hiệu quả từ 200 - 250km và hoạt động theo thông số kĩ thuật của Triều Tiên trong loạt thử nghiệm trên biển Nhật Bản năm 2017.

Hiện Hải quân Nhân dân Triều Tiên (KPN) cũng đang nỗ lực xây dựng một tàu ngầm vũ trang hạt nhân mới, có khả năng sở hữu phạm vi đe dọa không chỉ đến Nhật Bản và Hàn Quốc, mà cả Đài Loan, mặc dù không cần phải rời khỏi vùng biển Triều Tiên. Thông tin chi tiết về tàu ngầm này chưa có nhiều, song các bức ảnh được truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố cho thấy tàu này có thể có thiết kế giống các tàu lớp Romeo được cải tiến thêm.

Lớp Romeo hay Project 663, là một dòng tàu ngầm diesel điện do Liên Xô sản xuất. KPN đã mua và sao chép có giấy phép khoảng 20 tàu ngầm này từ Trung Quốc vào giữa những năm 1970.

Ngoài ra, KPN cũng đang trong quá trình phát triển dòng kế nhiệm cho dòng tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo Sinpo-B của mình. Dòng tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân sắp ra mắt này được các nhà quan sát tình báo Mỹ đặt tên là Sinpo-C.

Tàu được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2016 và được cho là hỗ trợ công nghệ khí đẩy độc lập (AIP). Một tàu ngầm AIP có thể hoạt động dưới nước trong thời gian dài, và tùy thuộc vào thiết kế, chỉ tạo ra tiếng ồn bằng một nửa tàu ngầm chạy bằng diesel điện truyền thống.

Quân đội Triều Tiên có những chương trình cải tiến vũ khí đầy tham vọng. (Ảnh minh họa)

Các phiên bản của tàu lớp Romeo và dự án Sinpo-C tiên tiến cho thấy Triều Tiên đang tập trung vào việc hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm lớn, nhưng lỗi thời. Chiến lược của Triều Tiên chú ý đến chi phí sử dụng và các mô hình cải tiến sâu hiện có, và có phần tương đồng với mô hình phát triển hậu Xô Viết của Hải quân Nga.

Nhìn chung, những khó khăn tài chính trong bối cảnh các lệnh trừng phạt quốc tế khiến Triều Tiên khó mà duy trì nền kinh tế ở quy mô cần thiết để sản xuất các thiết kế phần cứng quân sự mới. Nhưng quân đội Triều Tiên sẽ tiếp tục thách thức các dự đoán của phương Tây và đầu tư đều đặn vào vũ khí cho hải quân, tạo khả năng đe dọa tới Mỹ và các đồng minh ở khu vực Đông Á.

Trong đó, các tàu ngầm sắp tới của KPN có khả năng sẽ mang được thêm tên lửa tầm trung và ngắn, trở thành nền tảng đáng tin cậy hơn cho việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo hạt nhân phóng từ tàu ngầm (SLBM) gần vùng biển Hàn Quốc và Nhật Bản. Triều Tiên có thể sử dụng chiến thuật này như một áp lực ngoại giao và đàm phán đối với Hàn Quốc.

Phương Anh

Tin mới