Kết luận này được đưa ra trong một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Frontiers in Microbiology.
Để hiểu rõ hơn về khả năng phục hồi của các tập hợp vi khuẩn, các nhà nghiên cứu đã làm khô, hút ẩm các khối Deinococcus - một chủng vi khuẩn kháng phóng xạ với kích thước khác nhau và đặt chúng trong các tấm tiếp xúc bên ngoài Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS)
Sau 1 tới 3 năm bên ngoài ISS, các nhà khoa học phát hiện tất cả các khối dày trên 0,5 mm đều sống sót một phần.
Các nhà nghiên cứu để các khối Deinococcus tiếp xúc với không gian từ năm 2015-2018. (Ảnh: NASA)
"Các kết quả này cho thấy Deinococcus nhờ khả năng chống phóng xạ có thể tồn tại trong quá trình du hành từ Trái đất tới sao Hỏa và ngược lại", trưởng nhóm nghiên cứu Akihiko Yamagishi tới từ Đại học Tokyo cho biết.
Mặc dù các lớp tế bào bên ngoài của mỗi khối vi khuẩn đã chết, các lớp này tạo thành một hàng rào bảo vệ cho phép các phần bên trong tồn tại tới 3 năm trong không gian.
Deinococcus lần đầu tiên được nhà nghiên cứu Arthur W.Anderson phát hiện vào năm 1956 khi ông định vô trùng các đồ hộp thịt bò bằng cách chiếu một tia bức xạ gamma cực mạnh.
Nhà nghiên cứu Mỹ khi đó đã hết sức ngạc nhiên khi phát hiện ra một loại vi khuẩn không chết dưới mức độ bức xạ này. Không những thế, chúng có thể chịu được sự oxy hóa hay tia cực tím cao gấp hàng trăm lần mức gây chết người.